Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng, chuyên gia khuyến cáo gì về những nguy hại với sức khỏe?

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam gia tăng nhanh trong thời gian gần đây. Các chuyên gia khuyến cáo các loại thuốc lá điện tử hiện nay chứa rất nhiều hợp chất phức tạp và độc hại, thậm chí nhiều loại thuốc lá điện tử còn nguy hiểm hơn thuốc lá truyền thống.

Không ít người trẻ là nạn nhân của thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới

Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết gần đây bệnh viện đã tiếp nhận một số trường hợp học sinh vào cấp cứu trong trạng thái kích thích, loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp do ngộ độc các chất trong thuốc lá điện tử. Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhân nam 12 tuổi là học sinh của một trường THCS ở Hà Nội đã đến khám tại Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương với tình trạng khó thở và co giật.

Gia đình bệnh nhân cho biết bé trai là học sinh ngoan, học giỏi, nhưng bố đi làm xa, mẹ bận công việc nên không dành thời gian quan tâm, giám sát. Gần đây, con trai hay tụ tập với các anh lớp trên ở trường học, các anh đã rủ bé sử dụng thuốc lá điện tử. Sau đó, nam sinh này đã tự mua thuốc lá điện tử trên mạng để hút.

Các bác sĩ đã lấy mẫu thuốc lá điện tử mà trẻ sử dụng gửi đến Viện Pháp Y Quốc gia để tìm độc chất. Kết quả cho thấy trong thuốc lá điện tử có thành phần của một số chất gây nghiện.

Cô gái 20 tuổi bị ngộ độc thuốc lá điện tử thời điểm điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch mai).(Ảnh: Ngọc Anh)

TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên, cho biết bệnh nhân bị ngộ độc chất gây nghiện do sử dụng thuốc lá điện tử.

Theo BS Vinh, thời gian qua tại đây cho biết đã tiếp nhận ít nhất 5 trường hợp bệnh nhân ở lứa tuổi học sinh, sinh viên nhập viện do ngộ độc nicotine sau khi hút thuốc lá điện tử.

"Thuốc lá điện tử đa dạng về kích thước và hình dáng, do vậy có thể xuất hiện dưới dạng ống, USB… Thuốc lá điện tử thường có mùi hoa quả hấp dẫn trẻ với mùi phổ biến là mùi cam, bạc hà, chanh. Nếu cha mẹ tìm thấy những vật thể có hình dáng bất thường trong nhà, hoặc ngửi thấy những mùi hương bất thường trong nhà, có thể đó là dấu hiệu của việc trẻ dùng thuốc lá điện tử"- BS Vinh khuyến cáo.

Trước đó, bệnh nhân nữ 20 tuổi (Hà Nội), được đưa vào Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng rất nặng: hôn mê sâu, phù não, suy đa tạng. Được biết tối trước khi nhập viện bệnh nhân có sử dụng thuốc lá với nhóm bạn. Sau khi sử dụng, người bệnh rơi vào bất tỉnh, khi đưa vào viện đã trong tình trạng hôn mê, huyết áp tụt sâu.

TS. BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khi vào Trung tâm bệnh nhân đã trong tình trạng hôn mê sâu, huyết áp xuống thấp, tổn thương đa cơ quan rất nặng (suy tim, suy thận, thiếu máu tất cả các vị trí vùng đồi trên, thấp của não, phù não nặng nề)…

Theo TS. Nguyễn Trung Nguyên, đây không phải là trường hợp duy nhất phải nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử.

Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc khác sau khi sử dụng thuốc lá điện tử như kích thích tăng cường ảo giác, tăng huyết áp, tụt huyết áp, yếu cơ, suy tim, suy thận, suy gan…

Từ thực tế điều trị các bệnh nhân ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử, TS. BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo các loại thuốc lá điện tử hiện nay chứa rất nhiều hợp chất phức tạp và độc hại, thậm chí nhiều loại thuốc lá điện tử còn nguy hiểm hơn thuốc lá truyền thống, do vậy mọi người không nên sử dụng.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam gia tăng nhanh

Tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về "Thực trạng, thách thức và giải pháp tiêu dùng thuốc lá tại Việt Nam" do Bộ Thông tin truyền thông tổ chức mới đây, các chuyên gia cho biết tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam gia tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Theo kết quả Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử chung là 0,2%. Đến năm 2019, Theo kết quả "Điều tra sức khỏe học sinh Việt Nam năm 2019" của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ hiện đang hút thuốc lá điện tử trong học sinh 13-17 tuổi trên phạm vi cả nước là 2,6%, (ở học sinh khu vực thành thị là 3,4%).

Năm 2020, theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá năm 2020 tại 34 tỉnh, thành phố của Việt Nam, tỷ lệ nam giới trưởng thành hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử là 5,6%, nữ giới trưởng thành sử dụng thuốc lá điện tử là 1%.

Một nghiên cứu khác tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020 cho thấy, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%.

Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường. Có tới 8% trẻ em gái và phụ nữ hút thuốc lá điện tử (trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ là 1,2%).

Đáng ngại là, nếu so sánh thô thì chỉ sau 5 năm, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử ở Việt Nam đã tăng 36,5 lần đối với cả hai giới, và tăng lần lượt trong hai nhóm nam giới và nữ giới là 22,75 và 46 lần. Trong đó, tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới ở các thành phố có xu hướng tăng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, giới trẻ.

Trước thực trạng này, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị các Việt Nam nên làm mọi cách để ngăn chặn thanh thiếu niên sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới. Điều này có nghĩa là để bảo vệ sức khỏe của giới trẻ thì không nên thí điểm hoặc hợp pháp hóa các sản phẩm này, để chúng ta có thể tránh việc tạo ra một thế hệ tương lai nghiện các sản phẩm thuốc lá rất có hại này.

"Nếu sản phẩm thuốc lá điện tử được bán tràn lan sẽ đối mặt và khó có giải pháp phòng chống trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng"- TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh.

bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo

Đồng tình với quan điểm này, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế bày tỏ: Quan điểm, định hướng đề xuất chính sách của Bộ Y tế là nhất quán quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam: không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe.

Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới vì: Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe; Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái; gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh thiếu niên nên Nhà nước cần phải bảo vệ giới trẻ; Phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực và trên thế giới và khuyến cáo của WHO và điều kiện Việt Nam: WHO khuyến cáo các quốc gia thành viên ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng thuốc lá nung nóng; Cho phép thí điểm thuốc lá nung nóng dẫn đến khó có thể kiểm soát được các sản phẩm tương tự…

Tại sao không nên cho phép thực hiện thí điểm kinh doanh, lưu hành, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng?

Cũng tại hội thảo, trước một số ý kiến băn khoăn "cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ảnh hưởng đến quyền được tiếp cận với sản phẩm an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng, điều này là đúng hay sai?"

Các chuyên gia về phòng chống tác hại thuốc lá khẳng định, cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không ảnh hưởng đến quyền của người tiêu dùng, mà để bảo vệ người tiêu dùng

Công ước về quyền của người tiêu dùng và Luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đều nêu rõ: người tiêu dùng phải được cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực, toàn diện, chính xác về sản phẩm; không được đưa ra các thông tin bất lợi, thổi phồng, bóp méo về sản phẩm, đặc biệt là những thông tin không chính xác về tính an toàn làm người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm là an toàn hoặc an toàn hơn sản phẩm khác mà không có đủ bằng chứng.

Trong những trường hợp cần thiết, Chính phủ có thể hạn chế, nghiêm cấm kinh doanh, tiêu dùng một sản phẩm nếu việc sử dụng sản phẩm đó tác động bất lợi đến quyền bảo đảm an toàn của cả người sử dụng và người khác.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chỉ công nhận Đối với thuốc lá nung nóng là sản phẩm giảm mức độ tiếp xúc, KHÔNG công nhận đây là sản phẩm giảm nguy cơ tới sức khỏe, KHÔNG công nhận đây là sản phẩm an toàn cho sức khỏe, tuy nhiên các công ty thuốc lá tại nhiều quốc gia đã thông tin rằng đây là sản phẩm giảm hại cho sức khỏe. Điều này gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Các chuyên gia cho rằng không nên cho phép nhập khẩu, mua bán cũng như không cho phép thí điểm nhập khẩu, mua bán vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, có nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.

Cũng có ý kiến đặt vấn đề tại sao không nên cho phép thực hiện thí điểm kinh doanh, lưu hành, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng?

Các chuyên gia cho rằng không nên cho phép nhập khẩu, mua bán cũng như không cho phép thí điểm nhập khẩu, mua bán vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện và có nhiều nguy cơ sức khỏe, xã hội, môi trường và kinh tế cho Việt Nam, nhất là khi chưa nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng và chưa hiểu rõ về sản phẩm, chủ yếu dựa vào tiêu chuẩn của các doanh nghiệp và các quốc gia khác.

Sau thời gian thí điểm, việc xử lý hậu quả của việc thí điểm sẽ rất phức tạp đối với một sản phẩm gây nghiện và độc hại.

Hiện nay chưa có đủ cơ sở pháp lý để điều chỉnh đối với sản phẩm này, kể cả việc thí điểm do không thể áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành về phòng, chống tác hại của thuốc lá

Trên thực tế tại Việt Nam mặc dù chưa được phép nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt nam đã gia tăng. Khi cho phép kinh doanh hợp pháp thì tỷ lệ sử dụng sẽ tăng mạnh do dễ tiếp cận hơn, đặc biệt là tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng sẽ tăng nhanh, do đây là sản phẩm hướng nhiều đến đối tượng khách hàng trẻ tuổi.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ty-le-su-dung-thuoc-la-dien-tu-gia-tang-chuyen-gia-khuyen-cao-gi-ve-nhung-nguy-hai-voi-suc-khoe-169221125143632998.htm