Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh thấp hơn trung bình cả nước

Theo khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) được công bố vào ngày 02/6/2023, hiện có 1,8 triệu trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị thấp còi, tức là cứ 5 trẻ thì có một em ở tình trạng này. Trong đó, 230.000 trẻ suy dinh dưỡng (SDD) cấp tính có nguy cơ tử vong vì các bệnh thông thường cao gấp ít nhất 12 lần, chưa kể chi phí cho y tế khi bị bệnh phải nhập viện, đến 90% các em chưa được chẩn đoán và điều trị.

Thực hiện chăm sóc dinh dưỡng hợp lý 1.000 ngày đầu đời giúp trẻ hoàn thiện về tầm vóc và trí tuệ

Suy dinh dưỡng cấp tính là tình trạng cơ thể không nhận đủ năng lượng và đạm theo nhu cầu, có thể gây còi cọc hoặc phù. Trẻ bị SDD cấp tính có nguy cơ tử vong cao gấp 5-20 lần so với trẻ bình thường.

Thấp còi, còn gọi SDD mạn tính đang là mối quan ngại sâu sắc tại Việt Nam, ảnh hưởng đến tầm vóc và sức khỏe trẻ nhỏ. Nhiều cha mẹ bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo quan trọng. Trên 47% cha mẹ không nhận thấy sự liên hệ giữa SDD và 10 triệu chứng của nó theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới và Dịch vụ Y tế Quốc gia, ví dụ giảm cảm giác thèm ăn, luôn cảm thấy mệt mỏi, yếu hơn,...

Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 97.569 trẻ dưới 5 tuổi. Trong đó, trẻ dưới 5 tuổi bị SDD thể nhẹ cân (cân nặng theo tuổi) là 5,69% (giảm 0,2% so cùng kỳ năm 2022); trẻ dưới 5 tuổi bị SDD thể thấp còi (chiều cao/tuổi) là 7,35% (giảm 0,3% so cùng kỳ năm 2022). Trẻ sơ sinh cân nặng dưới 2,5kg chiếm 0,52% (giảm 0,1% so cùng kỳ năm 2022). Tỷ lệ trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là 39% (tăng 8% so cùng kỳ năm 2022). 100% bà mẹ sau sinh uống vitamin A và 100% trẻ nguy cơ uống vitamin A dự phòng.

Theo kết quả điều tra đầu vào tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi năm 2021 ở Long An, các yếu tố làm gia tăng tỷ lệ SDD ở trẻ là trẻ cân nặng lúc sinh dưới 2,5kg, nam SDD nhiều hơn nữ; trẻ từ 1 tuổi trở lên; mẹ làm nội trợ hoặc làm nông, học vấn thấp, đẻ nhiều, tăng dưới 7kg khi mang thai, không uống viên sắt khi mang thai; tuổi thai khi sinh trẻ dưới 37 tuần; trẻ không được bổ sung thêm sữa ngoài; trẻ thuộc hộ nghèo.

Các yếu tố làm gia tăng tỷ lệ thừa cân béo phì là cân nặng lúc sinh trên 4kg, nam béo phì thừa cân nhiều hơn nữ, trẻ từ 1 tuổi trở lên, gia đình ít anh chị em, trẻ ngậm bắt vú lần đầu sau 2 giờ sinh, cai sữa mẹ dưới 6 tháng, bú thêm sữa ngoài càng sớm thì tỷ lệ thừa cân béo phì càng cao, trẻ thường mắc bệnh, người chăm sóc là cha hoặc ông bà; mẹ là công nhân viên, học vấn từ trung học chuyên nghiệp trở lên, khám thai 4 lần trở lên, tăng cân trên 12kg khi mang thai./.

Thanh Bình

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ty-le-suy-dinh-duong-o-tre-em-duoi-5-tuoi-cua-tinh-thap-hon-trung-binh-ca-nuoc-a164815.html