Tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục, kinh tế Đức 'lao đao' vì Covid-19

Bloomberg trích các báo cáo của Cơ quan Lao động Liên bang Đức cho hay, tỷ lệ thất nghiệp ở Đức vào tháng 5 ở mức cao kỷ lục trong 4 năm qua. Số người thất nghiệp tăng từ 238 nghìn lên tới 2,8 triệu người.

Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ 5,8% lên 6,3% so với tháng 4. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 12/2015. Các nhà kinh tế thuộc Viện nghiên cứu việc làm (IAB) của Đức dự đoán rằng, 3 triệu người có thể không có việc làm trong năm nay. Ngoài ra, theo ước tính của các chuyên gia IAB sẽ có hơn 7 triệu người phải nhận trợ cấp của chính phủ do thiếu việc làm. Đồng thời, cũng theo các chuyên gia, khoảng một phần ba số người lao động thất nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề khi các nhà hàng, cửa hàng và khách sạn buộc phải đóng cửa do dịch bệnh Covd-19.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức ở mức kỷ lục. (Ảnh: Getty Images)

Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức ở mức kỷ lục. (Ảnh: Getty Images)

Người đứng đầu Cơ quan lao động Liên bang Đức Detlef Scheele cho biết, thị trường lao động vẫn đang chịu áp lực lớn do đại dịch Covid-19 gây ra. Trước đó, ông Scheele cũng thừa nhận: “Không có gì phải bàn cãi nữa, Đức đang trong thời kỳ suy thoái lớn nhất kể từ năm 1949. Cuộc khủng hoảng diễn ra tồi tệ và toàn diện hơn bao giờ hết. Mọi chỉ số tiêu cực đi cùng nhau: thất nghiệp gia tăng, thị trường lao động sụp đổ, số lượng việc làm mới đi xuống. Về cơ bản, thị trường lao động đã bị phá vỡ”.

Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ của Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (Ifo), chỉ số môi trường kinh doanh ở châu Âu đã tăng lên 79,5 điểm vào tháng 5, tăng từ mức thấp 74,2 vào tháng 4. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp vẫn còn bi quan sau khi nới lỏng các hạn chế phong tỏa.

Theo các báo cáo, để cứu nền kinh tế, chính quyền Đức có kế hoạch hỗ trợ bổ sung với số tiền từ 50 đến 100 tỉ euro. Trước đó, chính phủ Đức đã phê duyệt gói cứu trợ kinh tế mới bao gồm khoản ngân sách bổ sung trị giá 156 tỉ euro và thành lập Quỹ ổn định kinh tế trị giá 600 tỉ euro. Theo các chuyên gia, mức giảm GDP năm 2020 có thể đạt 6,3%.

Cũng theo các chuyên gia, ở cấp độ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), hoạt động kinh tế chứng kiến mức sụt giảm chưa từng có 3,8%. Trước sự bế tắc của Liên minh châu Âu (EU) trong việc đạt được một kế hoạch phục hồi phối hợp, Ngân hàng trung ương châu Âu một lần nữa phải đóng vai trò “phao cứu sinh” khi quyết định tăng cường hơn nữa chương trình mua nợ.

Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã thông qua kế hoạch cứu trợ kinh tế của Ðức. Trong thời điểm tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Liên hiệp châu Âu (EU) đã đình chỉ các quy tắc nghiêm ngặt về quản lý thâm hụt công của khối, cho phép các nước thành viên tự do chi tiêu nhằm hỗ trợ hệ thống y tế, an sinh xã hội và phục hồi kinh tế.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/ty-le-that-nghiep-ky-luc-kinh-te-duc-lao-dao-vi-covid-19-254319.html