Tỷ lệ tiến sĩ theo chuẩn là một khó khăn đối với trường ĐH đặc thù ở địa phương

Việc có đội ngũ giảng viên có trình độ cao là rất cần thiết và đặc biệt quan trọng trong việc duy trì, phát triển ở mỗi cơ sở giáo dục đại học.

Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học nêu rõ quy định về tiêu chuẩn giảng toàn thời gian có trình độ tiến sĩ đối với các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm cả tỷ lệ dành riêng cho các trường đào tạo ngành đặc thù.

Cụ thể, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ là không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với các cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 5% và từ năm 2030 không thấp hơn 10% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ;

Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ là không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ.

Nhiều khó khăn để có giảng viên trình độ tiến sĩ đối với trường đào tạo đặc thù ở địa phương

Được biết, Học viện Âm nhạc Huế là một cơ sở đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sỹ Mai Anh - Trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế của nhà trường cho hay:

“Cá nhân tôi đánh giá rất cao việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, trong đó có các tiêu chí, điều khoản rất phù hợp, đặc biệt là có cả quy định dành riêng cho các trường đào tạo ngành đặc thù. Điều này thể hiện sự lắng nghe và sâu sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch - cơ quan chủ quản của nhiều trường đào tạo ngành đặc thù”.

Ảnh minh họa (Nguồn: Website Học viện Âm nhạc Huế).

Tuy nhiên, thầy Mai Anh cho rằng, khó khăn đối với riêng một số trường đào tạo ngành đặc thù ở địa phương hiện nay đang gặp phải là khó “lôi kéo” đội ngũ giảng viên có trình độ cao bởi đội ngũ này thường tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, nơi có văn hóa nghệ thuật phát triển và sôi động.

Hơn nữa, việc học nghiên cứu sinh của những ngành đặc thù cũng tương đối khó khăn và vất vả, nhất là đối với những giảng viên ở khu vực miền Trung, kinh tế của người dân vốn còn hạn chế nên rất khó để đi học nâng cao trình độ; kinh phí của các trường nằm ở địa phương cũng hạn hẹp hơn.

Thầy Mai Anh thông tin, hiện Học viện Âm nhạc Huế đã đạt được tỷ lệ 5% số giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ và trong thời gian tới sẽ cố gắng để đạt được 10% đến năm 2030. Năm vừa qua, nhà trường cũng đã có những phiên họp nhằm khuyến khích, động viên, thúc đẩy cán bộ, giảng viên nhà trường đi làm nghiên cứu sinh; có chính sách là miễn định mức giờ giảng 100% cho những ai đi học nghiên cứu sinh; giao chỉ tiêu cho từng khoa vận động các cán bộ trẻ, lãnh đạo khoa đi học nghiên cứu sinh.

Thế nhưng, khó khăn ở chỗ là rất nhiều giảng viên của trường không có điều kiện về kinh phí để tham gia học nghiên cứu sinh (do trường nằm ở khu vực miền Trung, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn), mức hỗ trợ học phí của nhà trường theo quy định hiện hành cũng không đáng kể.

Không những vậy, khi có sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc, nhà trường muốn giữ lại, gửi đi học để bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhưng thấy chế độ thấp nhiều em lại lựa chọn làm bên ngoài hoặc vào các trường đại học ở thành phố lớn, trường đại học tư thục với mức thu nhập khá hơn.

Hơn nữa, hiện trường vẫn chưa tự chủ (đối với các trường đặc thù rất khó để tự chủ) nên việc tuyển dụng, biên chế phải phụ thuộc vào nhà nước, do đó, khi tuyển dụng theo hình thức ký hợp đồng nhiều em không đồng ý ở lại trường. Mặt khác, hiện vẫn chưa chế độ ưu đãi dành riêng cho các trường đào tạo nghệ thuật đặc thù để giữ chân người tài dù nhà trường đã nhiều lần kiến nghị khó khăn này với Bộ chủ quản.

Trong khi đó, thầy Phan Lê Chung - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nghệ thuật (Đại học Huế) cho rằng, việc quy định tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là một chủ trương đúng đắn nhằm thúc đẩy các trường nâng cao chất lượng, trình độ của đội ngũ.

Tuy nhiên, quy định này có thể là khó khăn đối với các trường đại học đào tạo nghệ thuật đặc thù bởi lộ trình thực hiện biên độ trong 5 năm là hơi ngắn. Bên cạnh đó, đối với nhiều trường đào tạo ngành đặc thù, phần lớn số giảng viên đi học nghiên cứu sinh cũng đã gần độ tuổi nghỉ hưu rồi, số lượng học cũng không nhiều như các ngành học khác.

Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế).

Trên thực tế, có thể thấy rằng, hầu như những người làm công tác đào tạo nghệ thuật đều làm hai vai, một vai làm giảng viên và một vai làm nghệ sĩ. Do đó, họ chỉ học vừa đủ quy định đạt chuẩn để làm giảng viên chứ không có nhu cầu học cao hơn nữa. Hơn nữa, đối với họ, việc được thực hành nghệ thuật còn được coi là “chuẩn” cao hơn so với bằng cấp.

Tại Trường Đại học Nghệ thuật (Đại học Huế), mặc dù lãnh đạo nhà trường những năm gần đây cũng rất đầu tư, quan tâm, đưa ra các chủ trương, chính sách để khuyến khích, động viên giảng viên đi học nghiên cứu sinh nhưng khó hiện thực hóa được vì một số rào cản từ quy định, chính sách hiện hành và giảng viên không nhiều người có nhu cầu.

Mặt khác, quy định về tỷ lệ về giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ như vậy đối với các trường đặc thù ở khu vực miền Trung như Trường Đại học Nghệ thuật (Đại học Huế) tất yếu cũng sẽ khó khăn hơn vì các cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ cũng thường ở những thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, giảng viên của trường muốn học nâng cao trình độ cũng phải tốn công sức, chi phí để di chuyển tham gia học tập, nghiên cứu.

Để gia tăng số lượng giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ, thầy Chung cho hay, bản thân các trường cần xây dựng quỹ hỗ trợ cho giảng viên đi học nghiên cứu sinh (phụ thuộc vào nguồn thu của trường). Đáng nói, các trường đào tạo nghệ thuật đặc thù nhìn chung lại không mạnh về kinh tế.

Vậy nên, thầy Chung cho rằng, đối với những trường đào tạo ngành đặc thù không nên áp dụng những văn bản có tính thực thi liền mà nên có những văn bản có tính chất dự báo trước như những văn bản có sự khảo sát về tình hình hiện tại của các cơ sở đào tạo hiện đang có bao nhiêu phần trăm giảng viên học nghiên cứu sinh, bao nhiêu người sắp tốt nghiệp, bao nhiêu chuẩn bị học, tính chất riêng của mỗi địa phương, vùng miền, …

Từ đó, đánh giá tiềm lực thực tại của các trường đặc thù và xây dựng được lộ trình về số lượng giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ cần đạt được một cách cụ thể và chi tiết hơn.

Cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho các trường đại học đào tạo đặc thù ở địa phương

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thục - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, việc xác định các chuẩn về cơ sở giáo dục đại học là rất cần thiết trong bối cảnh nước ta đang hội nhập về giáo dục mạnh mẽ như hiện nay.

Và việc thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học sẽ giúp cho các trường xây dựng được chiến lược, lộ trình phát triển cũng như cải tiến các chỉ số hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn lực đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Trong đó, việc có đội ngũ giảng viên có trình độ cao là rất cần thiết và đặc biệt quan trọng trong việc duy trì, phát triển ở mỗi cơ sở giáo dục đại học.

Sinh viên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa (Ảnh: Website nhà trường).

Theo cô Thục, nếu các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo các ngành đặc thù có quy hoạch, cơ chế đào tạo bồi dưỡng cùng với hệ thống chính sách phù hợp, môi trường làm việc tích cực, hiệu quả để mỗi giảng viên phát huy được tối đa năng lực, sức sáng tạo của mình; sự nỗ lực phấn đấu của mỗi giảng viên; sự quan tâm của các cấp, các ngành liên quan, chắc chắc những trường đó đều có thể đáp ứng được các tỷ lệ theo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.

Hiện Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đang đào tạo một số ngành đặc thù thuộc các khoa Mỹ thuật, Âm nhạc và Thể dục Thể thao. Cô Thục nhận định, việc đào tạo giảng viên có trình độ cao cũng được nhà trường đặc biệt xem trọng, tuy nhiên, so với các ngành học khác, tỷ lệ giảng viên theo học nghiên cứu sinh các ngành đặc thù thường ít hơn các ngành học khác do có tính thực hành, thực nghiệm cao, đòi hỏi về thời gian, công sức đầu tư hơn.

Vậy nên, để đạt được tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ theo quy định của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học dù rất cần thiết và không phải quá cao nhưng sẽ là một bài toán khó đối với các trường đào tạo ngành đặc thù, đặc biệt là với các trường đào tạo ngành đặc thù ở địa phương.

Bởi, để tuyển dụng được đội ngũ giảng viên có trình độ cao từ các tỉnh/thành phố lớn về công tác ở một trường ở địa phương vốn rất khó khăn. Hơn nữa, đối với giảng viên của các ngành đặc thù, họ không chỉ đơn thuần thực hiện công tác giảng dạy mà còn là những nghệ sĩ biểu diễn, là họa sĩ, là vận động viên, huấn luyện viên... nên nếu ở các tỉnh, thành phố lớn cũng có cơ hội nghề nghiệp rộng mở hơn.

Để có được đội ngũ giảng viên trình độ cao giảng dạy các ngành đặc thù, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã ban hành các chính sách thu hút và đãi ngộ, chính sách hỗ trợ giảng viên học nghiên cứu sinh. Đơn cử như về chính sách thu hút, Nhà trường chi trả 100 triệu đồng đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ, 200 triệu đồng đối với giảng viên có học hàm phó giáo sư; hỗ trợ học phí học tập nghiên cứu sinh, ưu tiên cho giảng viên có trình độ tiến sĩ viết giáo trình....

Để khắc phục được khó khăn này và góp phần giúp các trường đại học đào tạo ngành đặc thù đạt được quy định trên về tỷ lệ giảng viên, cô Thục cho rằng, bên cạnh việc các trường tiếp tục nỗ lực trong công tác đào tạo đội ngũ giảng viên có trình độ cao, các cấp, ban, ngành có liên quan cần có những hướng dẫn cụ thể hơn trong quy đổi danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú khi các cơ sở giáo dục đại học mời giảng dạy. Việc làm này vừa giúp ghi nhận những đóng góp, cống hiến của họ và vừa giúp cho các trường có một nguồn nhân lực chất lượng tham gia vào công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, cần tạo ra cơ chế hành lang pháp lý thuận lợi hơn nữa cho các trường đại học địa phương để các trường thực hiện việc tuyển sinh, đào tạo tốt hơn, để các cơ sở giáo dục đại học ở địa phương tự tin hướng đến lộ trình tự chủ, trong đó có tự chủ tài chính.

Vì thực tế hiện nay, các trường đại học ở địa phương đang gặp phải một số rào cản nhất định trong công tác tuyển sinh, đặc biệt là đối với tuyển sinh các ngành sư phạm đặc thù do phải phụ thuộc vào chỉ tiêu và nguồn ngân sách của địa phương cấp hằng năm. Vậy nên, nếu nguồn thu eo hẹp sẽ rất khó khăn cho các trường trong việc thực hiện chính sách thu hút và đãi ngộ giảng viên có trình độ cao để tránh “chảy máu chất xám” cũng như “giữ chân” giảng viên ở lại lâu dài với nhà trường.

Khánh An

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ty-le-tien-si-theo-chuan-la-mot-kho-khan-doi-voi-truong-dh-dac-thu-o-dia-phuong-post241943.gd