Tỷ phú Bill Gates đầu tư hàng triệu USD vào thịt chay: Dần trở thành bom xịt

Từng thu hút hàng tỷ USD đầu tư từ các ông lớn nhưng giờ đây, thịt giả (fake-meat) dần trở thành bom xịt trong lĩnh vực start-up.

Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của ngành chăn nuôi động vật đến môi trường và sức khỏe con người, nhiều nhà đầu tư cũng như các start-up đã dành sự quan tâm đến việc sản xuất thịt giả (fake-meat)

Năm 2011, một start-up đã sử dụng công nghệ để sản xuất ra thịt từ thực vật, Impossible Foods đã kêu gọi thành công số vốn khổng lồ lên tới 1,5 tỷ USD. Trong đó có nhiều nhà đầu tư nổi tiếng như Jay-Z, Trevor Noah, Katy Perry hay tỷ phú Bill Gates.

Đối thủ trong lĩnh vực này của Impossible Foods là Beyond Meat, một start-up fake-meat khác cũng được đầu tư bởi Bill Gates và nam diễn viên Leonardo DiCaprio.

Cả hai công ty này đều sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật như đậu, gạo, đậu Hà Lan, đậu nành, khoai tây, chất béo tự nhiên từ dầu dừa để tạo ra các sản phẩm thịt tổng hợp có mùi vị và cấu trúc giống với thịt thật.

Nhu cầu về các sản phẩm thay thế thịt động vật đã đạt đỉnh điểm với đợt IPO của Beyond Meat trong năm 2019, trở thành startup IPO thành công nhất thời điểm đó kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008. Cổ phiếu của công ty đã tăng giá trị gần gấp 10 lần chỉ trong 2 tháng, vốn hóa thị trường đạt mức cao nhất khoảng 14 tỷ USD. Vào thời hoàng kim đó cổ phiếu của Beyond Meat được giao dịch với mức định giá rất cao, gấp tới 122 lần doanh thu của công ty.

Thế nhưng hàng loạt đối thủ cạnh tranh cũng nhảy vào thị trường mới phát triển này, rồi tiếp đó là đại dịch Covid-19 xảy ra, hậu quả là ngành thịt chay tụt dốc không phanh. Số liệu của hãng nghiên cứu IRI cho thấy, doanh số thịt chay bán tại các siêu thị đã giảm khoảng 14% trong 52 tuần tính đến ngày 4/12/2022.

Cổ phiếu của Beyond Meat cũng đã giảm mạnh tới 94% kể từ năm 2019. Gần đây, công ty cũng công bố khoản lỗ khoảng 59 triệu USD trong quý I năm nay, trong khi doanh thu giảm 16% xuống còn 92 triệu USD. Ngoài ra, công ty còn sở hữu khoản nợ ròng lên tới 1,1 tỷ USD. Để giải quyết vấn đề này, Beyond Meat đã công bố kế hoạch huy động 200 triệu USD thông qua việc bán cổ phiếu.

Bên cạnh đó, hãng cũng phải sa thải hơn 20% số nhân sự trong năm 2022, giảm hơn một nửa số lãnh đạo điều hành cũng như dừng hàng loạt dự án sản phẩm mới. Các đối tác của Beyond Meat như KFC, Pizza Hut hay MCDonald’s cũng không đưa fake-meat thành sản phẩm chính lâu dài vào các thực đơn của mình.

Đối thủ của Beyond Meat, Impossible Foods, được cho là cũng đang lên kế hoạch cắt giảm việc làm, mặc dù đạt doanh thu kỷ lục vào năm 2022. Ngoài ra, JBS - một gã khổng lồ về thịt của Brazil đã đóng cửa mảng kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật có trụ sở tại Mỹ.

Ở Mỹ, doanh số bán các sản phẩm thay thế thịt có nguồn gốc thực vật đã chững lại, mặc dù doanh số bán hàng đã tăng đột biến trong thời gian ngắn do người dân tăng nhu cầu dự trữ trong đại dịch. Theo Hiệp hội Thực phẩm từ Thực vật, tổng doanh thu được tạo ra từ việc bán fake-meat hầu như không biến động trong hai năm qua. Tuy nhiên, doanh số bán hàng đã giảm 8% so với cùng kỳ.

Điều quan trọng là việc tăng giá đã giúp tăng số liệu doanh thu, nhưng khối lượng bán hàng vẫn tiếp tục giảm. Điều này cho thấy việc doanh số bán hàng không tăng trưởng bền vững cho thấy thịt có nguồn gốc thực vật đang đối mặt với một số thách thức trong việc thuyết phục người tiêu dùng chấp nhận nó như một sản phẩm chính trong chế độ ăn uống của họ.

Thịt làm từ thực vật đắt hơn thịt thật đã khiến fake-meat kém hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, ngay cả những người ăn chay cũng đang lựa chọn các loại protein có nguồn gốc thực vật đơn giản hơn như đậu phụ hoặc hạt diêm mạch vì chúng rẻ hơn so với thịt chay.

Theo số liệu từ The Good Food Institute, thị trường thịt chay ngày càng trở nên đông đúc với số lượng khoảng 60 công ty sản xuất thịt từ thực vật, mỗi công ty tạo ra doanh thu bán lẻ hơn 500.000 USD. Sự cạnh tranh khốc liệt này khiến những người mới tham gia khó tạo ra sự khác biệt trong khi các công ty đã có chỗ đứng cũng gặp khó trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận.

Giờ đây, các tỷ phú và chuyên gia đang đầu tư vào dự án mới thay thịt chay, đó là sản xuất thịt nhân tạo trong phòng thí nghiệm (Cellular Meat). Các nhà khoa học sử dụng tế bào thịt tươi và nuôi chúng trong môi trường nhân tạo để tạo ra thịt hoàn chỉnh mà không cần giết mổ.

Theo Bloomberg, các doanh nghiệp startup của ngành này đã gọi vốn được đến 2,6 tỷ USD từ những nhà tài trợ sừng sỏ nhất như Bill Gates, Leonardo Dicaprio cho đến nhà sáng lập Mackey của Whole Foods. Tuy nhiên, liệu thịt chay có trở thành một bom xịt hay không thì vẫn cần thời gian để chứng minh.

Di Di / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ty-phu-bill-gates-dau-tu-hang-trieu-usd-vao-thit-chay-dan-tro-thanh-bom-xit-post321431.html