Tỷ phú Murdoch và cuộc lật đổ thủ tướng Australia trong 2 ngày

Có đồng minh như Tổng thống Trump, Fox News và đế chế Murdoch ở đỉnh cao quyền lực, họ 'muốn gì được nấy' trước luật pháp và dùng báo chí lật đổ lãnh đạo khi cần.

Ngay giữa thương vụ sáp nhập quan trọng nhất trong sự nghiệp, tỷ phú Murdoch bị ngã trong chuyến du thuyền và phải chuyển tới bệnh viện ở Los Angeles đầu năm 2018. Các con của ông lần lượt đáp xuống Los Angeles, không biết cha mình có qua khỏi hay không. Elisabeth và chồng Keith Tyson bay đến từ London, James và Kathryn bay đến từ New York.

Cuối cùng, cuộc phẫu thuật của ông Murdoch thành công và ông ổn định trở lại không lâu sau đó. Về sau, Murdoch nói đùa ông chỉ nhận ra mình nguy kịch khi thấy con cái đứng quanh giường bệnh.

"Ông trùm" phải nằm dưỡng bệnh nhiều tháng, nhưng vẫn chỉ huy từ giường bệnh. Trong một email gửi cho các giám đốc cao cấp bị tiết lộ cho Vanity Fair, ông nói, “tôi vẫn sẽ điều hành - các anh vẫn sẽ thấy tôi qua email, điện thoại và tin nhắn”.

Năm 2017, công ty sản xuất phim 21st Century Fox của Murdoch tuyên bố sẽ bán cho Disney với giá 71,1 tỷ USD. Disney sẽ mua lại tập đoàn khổng lồ (ảnh trái) trong đó có Fox Hollywood, công ty đã sản xuất bom tấn như Avatar. Ảnh: Getty Images, Fox.

Năm 2017, công ty sản xuất phim 21st Century Fox của Murdoch tuyên bố sẽ bán cho Disney với giá 71,1 tỷ USD. Disney sẽ mua lại tập đoàn khổng lồ (ảnh trái) trong đó có Fox Hollywood, công ty đã sản xuất bom tấn như Avatar. Ảnh: Getty Images, Fox.

Việc đàm phán để bán 21st Century Fox cho Disney vẫn tiếp tục. Nhưng Lachlan và James nhận ra họ phải làm quen với thực tế mới. Đối với James, vì không đảm bảo được chức vị ở Disney, và lo ngại văn hóa quá cứng nhắc và ổn định ở đó, ông quyết định không đi theo tập đoàn của gia đình để về với người chủ mới. Về phần Lachlan, ông sẽ thừa hưởng phần còn lại của đế chế Murdoch mà không bị em trai can thiệp.

Đầu tháng 6/2018, trước khi thương vụ bán cho Disney hoàn tất, một tập đoàn khác đã vào cuộc. Comcast đề nghị trả 65 tỷ USD cho Murdoch để mua lại 21st Century Fox, cao hơn đề nghị của Disney tới 12,6 tỷ USD. Murdoch không muốn bán hãng làm phim khổng lồ của ông cho Comcast, theo ba người biết về suy tính của ông. Ông thích Disney hơn vì nhiều lý do, một phần vì ông thích Robert Iger (Giám đốc điều hành của Disney) và coi Iger là lãnh đạo dám nghĩ dám làm, không ngại rủi ro. Đề nghị của Comcast cũng toàn tiền mặt và sẽ tạo gánh nặng về thuế cho Murdoch.

Nhưng Murdoch thích bán đấu giá. Giờ đây, ông đã nhìn ra chiêu thức để vừa bán được giá cao lại vừa chọn được bên mua mà ông muốn.

Lời đề nghị của Comcast cho phép Murdoch tăng giá bán cho Disney lên 71,3 tỷ USD. Khi ông Iger và cộng sự đưa đề nghị mua với mức giá mới đến cho Murdoch ở London, họ phải bay qua Ireland vì sợ Comcast theo dõi các máy bay riêng bay đến London từ Mỹ.

Sau khi đã bình phục hẳn, ông Murdoch đến dự hội nghị truyền thông Allen & Company ở Sun Valley, bang Idaho, tháng 7/2018. Quay lại vị thế ông hoàng của đế chế truyền thông, ông tỏ ra hào hứng khi đứng cạnh Iger và Brian Roberts, Giám đốc điều hành của Comcast. Nhưng ông canh cánh nỗi lo mới: nếu Comcast đề nghị mức giá mua mới, ông lại phải trình đề nghị đó lên hội đồng quản trị xem xét, và hội đồng quản trị có thể sẽ chấp nhận. Ông không muốn tay đua mình yêu thích (Disney) thất bại trong cuộc đua này.

Bộ Tư pháp Mỹ đã hóa giải nỗi lo đó cho ông. Cơ quan này đã kháng cáo lên tòa án liên bang, ngăn không cho AT&T và Time Warner sáp nhập. Về lý thuyết, thương vụ này không liên quan gì đến Comcast, nhưng vì Comcast luôn bị các nhà quản lý “sờ gáy”, việc chính phủ mạnh tay chống vụ sáp nhập AT&T - Time Warner cho Murdoch cái cớ để chấp nhận lời chào mua của Disney: Comcast quá rủi ro.

Không có bằng chứng cho thấy Bộ Tư pháp đã cân nhắc lợi ích của Murdoch trong quy trình ra quyết định. Nhưng kết quả cuối cùng, ông Murdoch đã thắng lớn, nhận thêm 20 tỷ USD và bán được công ty của mình cho bên mua mong muốn.

Giá trị tài sản của riêng Murdoch đã tăng thêm 4 tỷ USD lên 18 tỷ USD. Sáu người con của ông sẽ nhận thêm 2 tỷ USD mỗi người. Lachlan và James còn được thêm 20 triệu USD cổ phiếu Disney cộng thêm những gói đền bù trị giá 70 triệu USD. Nhưng dường như không ai có được điều mà họ thực sự muốn.

Các đế chế truyền thông lớn mạnh nhờ tầm nhìn và sự quyết đoán của lãnh đạo, và khả năng đoán biết ngành sẽ thay đổi như thế nào. Nhưng đế chế truyền thông còn phụ thuộc một yếu tố tẻ nhạt hơn: quy định của chính phủ.

Quan trọng hơn hết, chính việc thay đổi các hạn chế, sửa đổi luật lệ mới là điều biến công ty thành một đế chế. Những quyết định như vậy thường không minh bạch, là kết quả của một quá trình phân tích phức tạp, chủ quan, mà trên lý thuyết nhằm phục vụ “lợi ích công chúng”. Dưới thời Tổng thống Trump, những quyết định mang “lợi ích công chúng” này thường có lợi cho ông Murdoch.

New York Times đưa tin năm 2017 rằng ông Murdoch gọi điện cho ông Trump vài lần một tuần để bàn về chính trị và kinh doanh. Ảnh: Reuters.

Time Warner - AT&T là ví dụ điển hình cho thấy sự phức tạp của việc chấp thuận các vụ sáp nhập. Những vụ mua bán như vậy, gọi là “sáp nhập dọc” giữa các công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau, hiếm khi bị chính phủ soi xét về chống độc quyền.

Dẫu vậy, Bộ Tư pháp của chính quyền Trump vẫn nộp đơn kiện để chặn vụ mua bán - lần đầu tiên trong 40 năm chính phủ làm vậy. Người nộp đơn chống lại thương vụ này từ Bộ Tư pháp, Makan Delrahim, trước đó đã nói với báo chí rằng ông không thấy đây là “vấn đề nghiêm trọng về chống độc quyền”.

Vậy mà khi thẩm phán liên bang từ chối vụ kiện của Bộ Tư pháp vì lý lẽ không đủ thuyết phục, chính phủ lại nộp đơn kháng cáo, vừa kịp thời điểm để khiến việc bán 21st Century Fox cho Comcast trở nên quá rủi ro, đúng như ông Murdoch mong muốn. Hiện nay, vụ kiện liên quan đến sáp nhập Time Warner - AT&T đã kéo dài hơn hai năm.

So với sáp nhập Time Warner - AT&T, thương vụ ông Murdoch bán công ty của mình cho Disney lại được chấp thuận một cách chóng vánh. Vụ sáp nhập “ngang” (cùng ngành) như vậy, giữa nhà làm phim lớn nhất và lớn thứ 3 của Hollywood, sẽ cho phép tập đoàn mới thế độc quyền gần như tuyệt đối để có thể tăng giá dịch vụ, gây ảnh hưởng tới người dùng.

Những thương vụ như vậy thường được chính phủ soi xét rất kỹ, nhưng ở đây, Bộ Tư pháp đã chấp thuận chỉ sau sáu tháng. Phía Fox nói chấp thuận nhanh là do chuẩn bị hồ sơ kỹ càng.

Một thương vụ khác cũng thể hiện quy trình ra quyết định mập mờ và tác động lớn đến đế chế của ông Murdoch là khi tập đoàn truyền thông Sinclair đồng ý mua lại Tribune Media với giá 3,9 tỷ USD mùa xuân 2017. Ông Murdoch đã lo ngại vụ mua bán này vì sợ Sinclair phát triển quá nhanh và trở thành đối thủ cạnh tranh với Fox. Sinclair đã là công ty sở hữu các kênh truyền hình địa phương lớn nhất ở Mỹ. Các kênh này đều ủng hộ Trump và đưa tin tích cực về chiến dịch tranh cử của Trump, theo thỏa thuận cá nhân giữa Jared Kushner, con rể của tổng thống và Chủ tịch Sinclair David Smith.

Nếu Sinclair mua lại Tribune, thương hiệu đang hiện diện trong 39% hộ gia đình Mỹ, Sinclair sẽ vươn tới hơn 70% người Mỹ. Tribune cũng sở hữu WGN, kênh truyền hình đã vươn tới 80 triệu gia đình và có thể dễ dàng được biến thành hệ thống truyền hình cánh hữu trên toàn quốc, cạnh tranh trực tiếp với Fox. Ông Murdoch cũng lo ngại khả năng Sinclair chiêu mộ ngôi sao dẫn chương trình Bill O’Reilly của Fox.

Sinclair cũng không thiếu quan hệ ở Washington, quen biết không chỉ Tổng thống Trump mà còn cả Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) Ajit Pai. Ông Pai đã xuất hiện trong kỳ nghỉ dành riêng cho các giám đốc của Sinclair tại khách sạn Four Seasons ở Baltimore, theo Politico.

Khi lên làm chủ tịch FCC năm 2017, ông gần như đã bật đèn xanh cho thương vụ Sinclair bằng cách nới lỏng giới hạn về số đài truyền hình mà một công ty có thể sở hữu. Chuyện này mờ ám đến mức thanh tra FCC vào cuộc điều tra quan hệ giữa ông Pai và Sinclair.

Nhưng đến hè 2018, ông Pai lại chặn vụ mua bán vì “lo ngại nghiêm trọng” khiến các quan chức của Sinclair bị sốc.

Đó là ví dụ nữa cho thấy quyết định của chính phủ trở thành vận may cho Murdoch. Thanh tra không tìm ra sai phạm nào của ông Pai, nhưng cũng không làm sáng tỏ hết những hoài nghi về sự nhúng tay của Fox. Chẳng hạn, cuộc nói chuyện giữa Pai và Jared Kushner ngay trước khi vụ mua bán trên được công bố.

Giữa tháng 8/2018, Lachlan Murdoch bước ra khỏi chiếc máy bay Gulfstream G550 trong chiếc áo sơ mi và quần jeans rồi leo lên chiếc Range Rover màu đen đang chờ trên đường băng. Các tay săn ảnh Australia cũng đợi ở đó. Cả Lachlan và cha đều đến Australia để dự một buổi trao giải của công ty, nhưng họ còn có một kế hoạch tham vọng khác.

Chỉ một ngày sau khi đến Australia, Lachlan mời một nhóm nhỏ nhân viên và quản lý Sky đến biệt thự trị giá 16 triệu USD của ông ở Sydney. Trên sóng của Sky giờ đây chuyên rao giảng tư tưởng cực hữu, và trở thành một thế lực trên chính trường Australia.

Tuy ở Mỹ, Fox News bị đa số người dân các thành phố như Washington và New York chê bai, Sky lại chiếm được thị phần ở thủ đô Canberra của Australia. Kênh truyền hình này cũng đang hoàn tất thương vụ sẽ giúp Sky áp đảo thị phần vùng nông thôn Australia.

Sky là bản sao của Fox News ở Australia, luôn bám vào đề tài chủng tộc, tôn giáo và phủ nhận biến đổi khí hậu. Mỗi tối, MC và khách mời của Sky đổ thêm dầu vào ngọn lửa giận dữ của khán giả, đả kích từ báo chí chính thống đến người xin tị nạn, bao gồm người Hồi giáo từ Indonesia và Malaysia.

Trước khi Lachlan đến, một kênh của ông đã mời Blair Cottrell, lãnh đạo chủ nghĩa phát xít mới ở Australia, mới bị phạt vì “gây thù ghét người Hồi giáo”. Cottrell kêu gọi người Australia “hãy lấy lại bản sắc truyền thống người Australia” và giới hạn nhập cư chỉ cho những ai “không quá khác biệt về văn hóa so với chúng ta”, như nông dân Nam Phi. Tuy nhiên, nhà đài đã không phản biện hay đặt câu hỏi trước những lời lẽ đó.

Với các nhân viên Sky ngồi trong phòng khách, Lachlan đặt câu hỏi “các anh nghĩ Malcolm có sống sót không?”. Malcolm ở đây là Malcolm Turnbull, Thủ tướng theo đường lối ôn hòa của Australia mới nhậm chức vài năm. Bên trong chính phủ, ông đang vấp phải phản đối từ nhóm cánh hữu bức xúc vì kế hoạch đưa Australia vào hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Ai làm việc với nhà Murdoch đều biết gia đình này luôn rất ẩn ý. Thậm chí họ có thể nói bóng gió mong muốn của mình qua một tweet, hay một câu hỏi, và các giám đốc, biên tập viên thời sự dưới quyền họ đều sẽ hiểu.

Trong những ngày sau đó, dẫn chương trình của Sky Australia và các tờ báo của Murdoch bắt tay vào việc lật đổ ông Turnbull. Alan Jones, MC bảo thủ, đã kêu gọi đảng của ông Turnbull “nổi dậy”.

Vài ngày sau, tờ Daily Telegraph, tờ báo lớn của Murdoch ở Sydney, đưa tin một thay đổi về lãnh đạo đang chuẩn bị xảy ra. Andrew Bolt, cây viết bình luận của Murdoch từng bị kết tội vi phạm Luật Phân biệt Chủng tộc của Australia, nói với khán giả “uy tín của Turnbull đã tan biến, quyền uy đã mất hết”. Không lâu sau, tờ The Australian tuyên bố Turnbull là “chỉ còn là xác không hồn”.

Ông Turnbull cũng phát hiện ra kế hoạch công kích mình là chiến dịch có tổ chức. Một cố vấn cao cấp đã nhắn tin trực tiếp cho các giám đốc truyền hình của Murdoch. Ông Turnbull cũng nghe nói Rupert Murdoch đã phật ý vì ông không liên lạc khi Murdoch đến Australia, theo ba cựu quan chức dưới quyền Turnbull. Chánh văn phòng của Turnbull đã cố gắng hẹn gặp ông Murdoch, và giờ đây ông vẫn cố hẹn bằng được.

Cuối cùng họ cũng liên hệ được, và ông Turnbull yêu cầu ông Murdoch hãy ngưng chiến dịch công kích. “Tôi mệt rồi, để tôi thử nói chuyện với Lachlan”, ông Murdoch nói. Thông qua một người phát ngôn, ông Murdoch phủ nhận mình phật ý vì Turnbull không liên lạc.

Hai ngày sau, các đối thủ cánh hữu khởi xướng cuộc bỏ phiếu nội bộ đảng và bãi nhiệm ông Turnbull. Chính trị Australia rơi vào khủng hoảng, tạo ra màn kịch mà Sky Australia khai thác suốt 24 giờ, khiến lượng khán giả tăng kỷ lục. Ông Murdoch phủ nhận liên quan đến vụ “đảo chính” nội bộ này.

Khó tách bạch các nguyên nhân khiến Murdoch lật đổ Turnbull, trong các lý do về cá nhân, tư tưởng hay tài chính. Ông Turnbull đã đánh bại Tony Abbott, bạn của Murdoch, những năm trước đó.

Chính sách của ông Turnbull không được lòng Murdoch, như việc xây dựng mạng băng thông rộng toàn quốc. Một mạng Internet toàn quốc như vậy sẽ đe dọa trực tiếp đến mảng kinh doanh truyền hình cáp đang nở rộ của Murdoch, vì sẽ cho các hãng truyền hình theo nhu cầu như Netflix cách kết nối trực tiếp, giá rẻ tới các gia đình Australia.

Các tờ báo mà ông Murdoch không sở hữu cho rằng việc lật đổ ông Turnbull là “cuộc đảo chính” do Murdoch giật dây. Kevin Rudd, cựu thủ tướng cũng bị nhà Murdoch lật đổ vài năm trước, đã nói Murdoch là “khối u nguy hiểm nhất của nền dân chủ Australia”.

Người thay thế Turnbull, chính trị gia cánh hữu dân tộc chủ nghĩa Scott Morrison, nhanh chóng tỏ ra thân Trump. Trước cuộc bầu cử tháng 5 ở Australia, ông Morrison nhanh chóng đặt cược vận mệnh đảng mình bằng cách tỏ ra cứng rắn với người nhập cư, một lập trường đầy chia rẽ.

Giọng điệu đó đúng với giọng điệu trên sóng của Sky. Chẳng hạn, khách mời Andrew Bolt cảnh báo người nhập cư sẽ “xâm chiếm” và nói “chúng ta có nguy cơ nhập khẩu các xung đột sắc tộc và tôn giáo, thậm chí khủng bố”, trong khi màn hình hiện ra các hình ảnh thể hiện tương lai giả tưởng của Australia: hàng dài người Hồi giáo trên phố, cùng cúi đầu về hướng Mecca.

Sky cũng “tổng công kích” đảng Lao động đối lập trong khung giờ vàng khi họ tìm cách thông qua luật cho phép bác sĩ chuyển di dân từ các trại giam giữ ở đảo Nauru và Manus sang các bệnh viện ở đất liền để điều trị.

Trọng Thuấn - Sơn Trần
Đồ họa: Nhân Lê

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ty-phu-murdoch-va-cuoc-lat-do-thu-tuong-australia-trong-2-ngay-post972626.html