Tỷ phú và tiền lẻ

Tôi vừa cho xe vào bãi thì nghe tiếng người soát vé: 'Đại gia mà cũng nhặt tiền lẻ!'. Ngoảnh lại, thấy một người đàn ông mang mặc sang trọng, vừa bước xuống xe, ông cúi nhặt tờ tiền lẻ mệnh giá 1.000 đồng, cẩn thận cho vào túi áo. Đồng tiền ấy, chẳng biết từ đâu, bị gió cuốn bay như chiếc lá trong bãi giữ xe. Nhiều người nhìn thấy nhưng không ai quan tâm.

Người đàn ông nhặt tiền lẻ là một doanh nhân giàu có, một trí thức khá nổi tiếng ở phía Nam. Ông cũng đến dự một sự kiện với tôi tại Khách sạn Majestic (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Ngồi trong khán phòng, tôi nhắc chuyện ở bãi trông xe, ông mỉm cười, lấy tờ tiền lẻ ra, nói: "Tôi nhặt nó không phải vì giá trị kinh tế mà vì trên đồng tiền Việt Nam in hình Quốc huy và chân dung Bác Hồ. Vì thế mình không thể coi rẻ nó, càng không nên để người khác giẫm đạp lên".

Rồi ông kể, ông đã đi nhiều nước trên thế giới. Ở những quốc gia phát triển, người ta ứng xử với đồng tiền rất văn minh. Không có chuyện người dân ném, rải tiền lẻ ra đường. Đó là điều ta cần học tập.

Ảnh minh họa: Báo An ninh Thủ đô

Một câu chuyện nhỏ nhưng nó gợi lên nhiều suy nghĩ không hề nhỏ đối với những vấn đề đang tồn tại trong đời sống xã hội hôm nay. Vấn đề ấy, nhiều người biết nhưng cứ mặc kệ, để rồi nó cứ diễn ra tràn lan, phản cảm. Không hiểu vì lý do gì, ở nhiều nơi, khi có việc hiếu, hỉ, người ta lại ném, rải tiền lẻ ra đường. Từ một thói quen mang tính hủ tục, những tờ tiền ấy vô hình trung bị đối xử như một thứ rác vứt bừa bãi nơi công cộng. Trong không gian tín ngưỡng cũng vậy. Nhiều người đi thăm viếng đình, chùa cứ mặc nhiên nhét tiền lẻ vào bất cứ đâu, thả, ném xuống bất cứ chỗ nào.

Dưới lăng kính văn hóa, trong nhiều hình thức sinh hoạt, ranh giới giữa phong tục và hủ tục là rất mong manh. Điểm chung của nó là đều hình thành từ thói quen, truyền khẩu, nhiều khi là hội chứng đám đông. Việc sử dụng tiền “âm phủ” (vàng mã) trong một số nghi lễ tín ngưỡng đã có từ xa xưa. Đời sống xã hội phát triển, không hiểu vì lý do gì người ta lại “biến tấu” nó, ném luôn cả tiền thật.

Dưới góc nhìn pháp lý, đó là hành vi hủy hoại đồng tiền. Khoản 2 Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định nghiêm cấm mọi hành vi hủy hoại đồng tiền trái pháp luật.

Dù pháp luật đã có quy định cụ thể, nhưng không phải ở đâu và lúc nào các chế tài pháp lý cũng có thể can thiệp được. Để điều chỉnh thói quen mang tính hủ tục, phải coi trọng, khơi dậy các giá trị phong tục. Đồng tiền là tài sản Nhà nước nên mọi công dân đều có quyền và nghĩa vụ phải bảo vệ. Xét về giá trị lao động thì để in một tờ tiền mệnh giá 500 đồng và tờ 500.000 đồng đều tốn công sức như nhau.

Không ai sống mà không cần tiền. Muốn có tiền, không chỉ phải đổ mồ hôi, trí tuệ lao động mà điều cần nhất là phải biết trân quý từng đồng tiền kiếm được. Ném, rải tiền ra đường, dù với bất cứ lý do gì cũng là hành vi phản văn hóa, vi phạm pháp luật, không thể chấp nhận.

Tỷ phú nhặt tiền lẻ không phải ham tiền, mà đó là hành vi ứng xử văn hóa với đồng tiền. Muốn mưu cầu việc lớn, phải biết trân quý giá trị lao động từ những việc nhỏ! Diện mạo quốc thể hình thành từ hành vi của mỗi công dân. Đó là những yếu tố văn hóa, là việc nhỏ, ý nghĩa lớn!

Làm điều ấy, không cần tốn công tốn sức, không kể tỷ phú hay người nghèo, chỉ cần thay đổi nhận thức, nhắc nhau có ý thức là đủ.

PHAN TÙNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/ty-phu-va-tien-le-734589