Tỷ phú vùng cao giữa thung lũng bạt ngàn hoa hồng đỏ tía

Giữa bốn bề núi đồi vùng ven thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu có một thung lũng hoa hồng. Đang vào tiết thu đẹp để những cây hoa hồng trong lung lũng đâm những chồi nụ tua tủa, đỏ tía cả một góc trời. Giữa thung lũng hoa hồng đỏ tía hừng hực sức sống đó có một tỷ phú. Ông chính là chủ nhân của thung lũng hoa hồng này.

15 năm gắn bó với Lai Châu, có những lúc gục ngã tưởng chừng không thể đứng dậy được, nhưng bằng quyết tâm và nghị lực của mình, ông Lê Văn Tỉnh, tổ 23 (phường Đông Phong, T.P Lai Châu, tỉnh Lai Châu) đã vươn lên, trở thành tỷ phú hoa hồng ở vùng Tây Bắc vốn còn biết bao gian khó này.

Cái giá đắt khi mạo hiểm với loài hoa mình không hiểu

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nổi tiếng với những cánh đồng hoa hồng rực rỡ ở xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh, Hà Nội) ông Tỉnh cũng chọn cho mình con đường khởi nghiệp, đó là trồng hoa hồng. Vốn cần cù, chịu khó lại ham học hỏi, kĩ thuật trồng hoa hồng của ông Tỉnh ngày càng cao, ít người trong vùng bì kịp. Có năm, vợ chồng ông thu vài trăm triệu đồng từ trồng hoa hồng.

Ông Lê Văn Tỉnh là người đầu tiên trồng hoa hồng với quy mô lớn ở tỉnh Lai Châu

Đời sống, thu nhập của gia đình ông khá ổn định, đùng một cái ông quyết định rời nơi “chôn nhau, cắt rốn” lên vùng đất xa xôi tỉnh Lai Châu lập nghiệp. Nghe tin, dân làng bàn ra, tán vào. Người thì bảo ông là đồ gàn dở, đang làm ăn yên ổn lại lên vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” xa tít mù tắp, nghe cái tên đã thấy ngái đường để lập nghiệp. Có người lại nói ông không biết tính toán, làm liều. Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, năm 2003, vợ chồng ông khăn gói lên tỉnh Lai Châu, mang theo quyết tâm làm giàu trên vùng đất khó.

Những ngày đầu đặt chân lên vùng đất mới Tam Đường (nay là thành phố Lai Châu) vợ chồng ông Tỉnh còn lạ lẫm với cảnh núi non trùng điệp, đất rộng, người thưa. Khi đó, tỉnh Lai Châu mới chưa được chia tách, thành lập, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn.

Không nản lòng trước cảnh rừng núi hoang sơ, ông Tỉnh nhanh chóng thuê nhà ở, thuê đất sản xuất. Ban đầu ông thuê 3.000m2 đất ruộng của người dân xã Nậm Lỏng để trồng hoa hồng. Ông về quê mua giống, mua phân bón lên trồng hoa hồng. Được vợ chồng ông cần mẫn chăm sóc ngày đêm, lại hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, những ruộng hoa hồng phát triển xanh tốt, nở bông to, đẹp trước sự thán phục của người dân địa phương, thu hút sự quan tâm của ngành nông nghiệp.

Mỗi năm, ông Tỉnh thu trên dưới 2 tỷ đồng từ bán hoa hồng ra thị trường. Những ruộng hoa hồng trong thung lũng hoa hồng của gia đình ông đang vào thời kỳ đâm chồi làm lộc nụ, lộc hoa. Những chồi lộc hoa hồng mập mạp hứa hẹn cho những bông hoa đẹp nhất.

Năm 2004, ông chuyển về tổ 23, phường Đông Phong mua đất làm nhà và thuê hơn 1ha để trồng hoa hồng, sau khi chuyển nhượng lại ruộng hoa hồng ở đất cũ cho người khác.

Dường như ông không có duyên với mảnh đất này, sau vài năm thu hoạch, cánh đồng hoa của ông nằm trong diện giải tỏa, ông lại một lần nữa phải di chuyển.

Năm 2008, ông mua 5.000m2 đất ở bản San Thàng 2 (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) với giá 120 triệu đồng, vừa làm nhà xưởng, vừa đào ao thả cá. Sau khi xây dựng nhà xưởng xong, ông Tỉnh thuê 4ha đất ruộng của người dân địa phương, sát với mảnh đất vừa mua, đầu tư trồng hoa dơn. Và con đường nợ nần của ông cũng bắt đầu từ đây.

“Nếu ngày đó, tôi tiếp tục đầu tư trồng hoa hồng thì bây giờ giàu to rồi. 3 năm đeo đuổi trồng hoa dơn đã khiến tôi lỗ hơn 700 triệu đồng, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, đến tiền đong gạo ăn hàng ngày cũng không có, phải nhờ viện trợ từ anh em họ hàng dưới quê” – ông Tỉnh nhớ lại.

Với suy nghĩ, hoa dơn dễ trồng, dễ chăm sóc nên ông Tỉnh quay sang trồng loài hoa mà với ông, nó hoàn toàn lạ lẫm. Sau hơn chục ngày cất công vào tận Đà Lạt để học hỏi kinh nghiệm, tiêu tốn hơn 10 triệu đồng, những tưởng sẽ làm nên kỳ tích từ trồng hoa dơn trên vùng đất mới, nhưng ông lại gặp phải “thất bại thảm hại”.

“Hoa dơn dễ trồng, lại dễ bán, ai cũng có thể làm được. Tôi thuê hơn 20 công nhân, làm nhà xưởng rộng rãi. Phù hợp với khí hậu mát mẻ nơi đây, hoa dơn phát triển khá tốt, nhưng hỏng nhiều vì loài hoa thân thảo này cứ gặp trận gió to là gãy, đổ. Công nhân thì nhiều, chỉ nuôi ăn thôi cũng mệt, nói gì đến trả lương, trong khi đó sản phẩm thì không có. Cố gắng gượng 3 năm, càng làm càng lỗ, tôi quyết định bỏ dơn, quay về với hoa hồng” – ông Tỉnh thở dài kể lại.

Bao vốn liếng tích cóp, vay mượn dồn cả vào trồng hoa dơn, mất sạch sành sanh, ông Tỉnh “ngậm đắng, nuốt cay” bắt tay làm lại từ con số âm với cây hoa hồng.

Thành tỷ phú hoa hồng trên vùng biên cương

Theo ông Tỉnh, muốn hoa nở theo ý muốn thì phải cắt, tỉa đúng thời điểm

Vốn uy tín, nói được, làm được nên khi sa cơ, ông Tỉnh vẫn được anh em, họ hàng tin tưởng, giúp đỡ cho vay thêm tiền để làm lại. Ông trả lại một phần đất thuê, chỉ giữ lại khoảng 2ha để trồng hoa hồng. Tự tin áp dụng kĩ thuật vào trồng, chăm sóc, cánh đồng hoa hồng của ông chẳng mấy chốc lại phát triển xanh tốt. Không phó mặc cho công nhân, ông Tỉnh ngày nào cũng thăm nom, kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của hoa. Từ làm cỏ, bón phân cho đến cắt tỉa, tạo tán, chụp hoa, vợ chồng ông đều không nề hà, xắn tay làm cùng với công nhân.

“Trồng hoa hồng rất dễ, chỉ cần rạch đất, bỏ phân cắm cây giống xuống là xong. Khó ở chỗ là kĩ thuật chăm sóc. Muốn hoa nở đều, bông to, đẹp, màu sắc rực rỡ thì phải biết cách chăm bón, không phải ai cũng làm được. Tất cả các khâu, từ bón phân, phun thuốc đều phải đảm bảo đúng chu kì, liều lượng” – ông Tỉnh chia sẻ.

Ông Tỉnh tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động ở địa phương. Thung lũng trồng hoa hồng của gia đình ông Tỉnh đang độ cho những mầm lộc mập mạp. Cả thung lũng nhuộm một màu đỏ tía đẹp mắt của hàng chục ngàn cành lộc hoa hồng.

Trước đây, ông Tỉnh thường sử dụng phân gà để bón cho hoa hồng. Theo ông, cho cây hoa hồng “ăn” phân gà, chúng phát triển tốt, hoa đẹp, nhưng có nhược điểm là mùi rất hôi. Mấy năm gần đây, thay vì sử dụng phân gà, ông Tỉnh nghiền đỗ tương làm phân bón cho ruộng hoa của gia đình. Trong đỗ tương có nhiều chất dinh dương, rất phù hợp cho cây hoa hồng sinh trưởng, phát triển. Mỗi năm, ông bón 2 lần vào đầu năm và giữa năm. Đầu năm, ông bón đỗ tương và phân đầu trâu NPK cho hoa. Đến giữa năm, ông chỉ cho chúng “ăn” bổ sung phân NPK.

Ngoài tăng cường phân bón, ông Tỉnh chú trọng đến khâu phun thuốc phòng trừ nấm bệnh xảy ra trên cây hoa. Cây hoa hồng thường mắc bệnh thối lá, rụng lá. Nếu mưa nhiều, cứ 5 ngày, ông Tỉnh lại phun một lần, còn bình thường thì từ 7 – 10 ngày ông mới phun thuốc, giúp cây hoa luôn khỏe mạnh.

“Trồng hoa hồng, quan trọng nhất là phải giữ được bộ khung xanh, lá tốt. Cứ mạnh phận, mạnh thuốc thì hoa khắc đẹp” – ông Tỉnh vui vẻ nói.

Dẫn chúng tôi đi thăm ruộng hoa hồng ngay cạnh nhà, đang phát triển xanh tốt, ông Tỉnh cho hay: Ruộng hoa này, gia đình ông ép nở để bán vào dịp 20.10 tới đây. Cả ruộng hoa rộng mênh mông, cây nào, cây nấy cũng to, khỏe. Từ nhiều năm nay, năm nào cũng vậy, cứ vào dịp 20.10 là ruộng hoa nhà ông cũng nở đẹp như tranh vẽ.

Nhờ trồng hoa hồng, ông Tỉnh có điều kiện nuôi con ăn học đàng hoàng. Ông mua đất, làm nhà ở quê, trị giá hơn 3 tỷ đồng cũng nhờ trồng hoa hồng ở Lai Châu

“Mỗi lần nhớ lại lứa hoa 20.10 năm ngoái là tôi lại cảm thấy tự hào. Nhiều thương lái sành sỏi về hoa đến vườn hoa nhà tôi mà cứ trầm trồ khen mãi không thôi. Họ bảo chưa bao giờ được “mục sở thị” vườn hoa nào nở đều, sai, đẹp như vậy. Nhiều người có thâm niên trồng hoa ở quê tôi cũng hết lời ngợi khen, họ quay cả clip mang về quê cho mọi người thưởng lãm. Cây hoa cao hơn 2m, khi chụp hoa phải vít cả cành mới có thể lồng được. Lứa hoa đó, tôi thu gần 1 tỷ đồng” – ông Tỉnh tự hào khoe với chúng tôi.

Ông Tỉnh là người đầu tiên đưa hoa hồng lên trồng ở vùng đất biên cương Lai Châu. Hoa hồng của ông đẹp có tiếng. Mỗi lần chuyển hoa đi giao cho khách, nhìn thấy khách hàng chen chúc lấy hoa mà ông mừng đến “ứa nước mắt”.

Từ ngày trồng hoa hồng đến nay, ông Tỉnh chưa bị thất thu lứa hoa nào. Mỗi năm, ông thu từ 5 – 7 lứa hoa, mỗi lứa khoảng 1,5 vạn bông. Hoa nhà ông có đặc điểm bông to, lá xanh, màu hoa rực rỡ, tươi lâu, khách hàng ai cũng thích. Ông luôn trong tình trạng “cháy hàng” nhất là vào các dịp lễ, tết. Mỗi năm, ông Tỉnh thu trên dưới 2 tỷ đồng từ bán hoa ra thị trường. Trừ chi phí, mỗi năm ông lãi hơn 700 triệu đồng. Thấy ông Tỉnh làm ăn khấm khá, nhiều người trồng hoa ở quê ông cũng lên Lai Châu đầu tư trồng hoa. Không ít người dân địa phương đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kĩ thuật trồng hoa của ông để làm theo.

Văn Chiến - Triệu Vỹ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/muon-cach-lam-giau/ty-phu-vung-cao-giua-thung-lung-bat-ngan-hoa-hong-do-tia-918830.html