Tỷ trọng thanh toán bằng Euro của doanh nghiệp Việt thấp

Hiện chỉ có khoảng 15 - 20% doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam ký hợp đồng thanh toán bằng Euro, còn lại chủ yếu bằng USD nên khi đồng Euro lao dốc, thiệt hại được giảm thiểu đáng kể.

Trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng MSB cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 15/7, đồng Euro đã giảm tới hơn 11% so với đồng USD, xuống mức gần tương đương USD.

Nguyên nhân chính dẫn tới sự suy yếu của đồng Euro là những quan ngại về nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, đặc biệt khi đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 (Nord Stream 1) đưa khí đốt từ Nga tới châu Âu bắt đầu tạm ngừng vận hành từ ngày 11/7 để bảo trì định kỳ.

Từ đầu năm đến nay, đồng Euro đã mất gần 12% giá trị so với đồng USD

Từ đầu năm đến nay, đồng Euro đã mất gần 12% giá trị so với đồng USD

Theo Bộ Công Thương, trong ngắn hạn, việc đồng Euro mất giá có thể ảnh hưởng nhất định đến một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam có hợp đồng thanh toán bằng đồng Euro.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu như Công ty CP xuất nhập khẩu mỹ nghệ Thăng Long thường ký hợp đồng trước cả năm với các nước châu Âu. Chính bởi vậy, khi đồng Euro giảm so với đồng USD, tiền lãi thu được của công ty ngay lập tức bị ảnh hưởng.

"Việc đồng Euro bị xuống giá so với đồng USD khoảng 10 - 12% vô cùng ảnh hưởng đến doanh nghiệp của chúng tôi. Giả sử như hợp đồng 100.000 Euro thì chuyển sang USD thành 112.000. Đến nay, nếu chúng tôi vẫn ký hợp đồng như thế, vì sang năm mới, thì khi ký hợp đồng 10.000 Euro chỉ chuyển đổi sang được 100.000 USD, tức là chúng tôi mất 12.000 USD", ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu mỹ nghệ Thăng Long, chia sẻ.

Mặc dù vậy, theo tính toán của các chuyên gia, tỷ trọng sử dụng đồng Euro để thanh toán với các doanh nghiệp thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam hiện mới ở mức từ 5-7%; trong khi sử dụng USD chiếm từ 65-70%.

Hiện chỉ có khoảng 15 - 20% doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam ký hợp đồng thanh toán bằng Euro, còn lại chủ yếu bằng USD, nên thiệt hại được giảm thiểu đáng kể.

Thảo luận về một số ngành hàng cụ thể giao thương giữa Việt Nam và Châu Âu, Bộ Công Thương cho biết, ngành dệt may, da giày Việt Nam có tỷ lệ xuất khẩu lớn vào thị trường châu Âu, nhưng thực tế không bị ảnh hưởng nhiều khi đồng Euro mất giá, vì hầu hết các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu sang thị trường châu Âu chủ yếu giao dịch bằng đồng USD.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết: Dù 30% lượng hàng của Công ty xuất sang châu Âu, mỗi năm giá trị thu về tương đương khoảng 60 triệu Euro, nhưng theo thông lệ quốc tế của sản phẩm may mặc, tiền thanh toán cho các doanh nghiệp Việt Nam lại không phải là Euro.

"Tất cả khách hàng châu Âu của chúng tôi đều ký hợp đồng thanh toán bằng đồng USD. Vì vậy, tỷ giá giữa USD và Euro có thay đổi, tăng hay giảm thì không ảnh hưởng. Còn đối với ảnh hưởng tích cực, tôi cho rằng hiện nay, chúng tôi có thể nhập khẩu máy móc, thiết bị rẻ hơn nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu từ châu Âu để tạo ra thành phẩm may mặc cũng rẻ hơn", ông Việt nói.

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ EU có chi phí sẽ rẻ hơn nên việc nhập khẩu sẽ có lợi hơn. Mặc dù kim ngạch nhập khẩu từ khu vực này là không lớn, nhưng lại là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đặc biệt là máy móc, thiết bị và một số vật tư mang tính chiến lược nên có thể coi đây là tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, về lâu dài, việc đồng nội tệ yếu kéo lạm phát lên cao tại EU, hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Sức mua yếu làm người tiêu dùng EU có thể hạn chế chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu. Điều này có thể làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường, trong đó có Việt Nam.

Để giảm thiểu thiệt hại từ biến động tỷ giá, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chuyên gia đều khuyên các doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu trong bối cảnh các đồng tiền quốc tế biến động phức tạp nên tính đến các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá, đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm Việt Nam, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đặc biệt là EVFTA.

T.H

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/ty-trong-thanh-toan-bang-euro-cua-doanh-nghiep-viet-thap-1086751.html