ÐỦ KIỂU DẠY KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH (*): 'Chúng ta đã vội vàng trong cách dạy'

Theo bà Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Powers, nếu nôn nóng muốn trẻ trưởng thành nhanh, vội vàng trong thiết kế giáo trình giảng dạy thì sẽ khiến việc dạy kỹ năng sống chỉ dừng ở hình thức hời hợt mà không thực sự hiệu quả

. Phóng viên: Bà khái quát và đánh giá các hình thức dạy kỹ năng sống (KNS) ở Việt Nam hiện nay thế nào?

Bà NGUYỄN HỒ THỤY ANH

Bà NGUYỄN HỒ THỤY ANH

- Bà NGUYỄN HỒ THỤY ANH: Ðầu tiên phải nhìn nhận hình thức dạy KNS hiện nay ở Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng khá phong phú và đa dạng.

Có 4 hình thức dạy KNS phổ biến mà các cơ sở giáo dục đang tiến hành. Ðầu tiên là tổ chức những buổi nói chuyện có tính chất thời sự. Chẳng hạn, sau một loạt vụ xâm hại tình dục mà nạn nhân là trẻ nhỏ, các trường lập tức mời báo cáo viên về báo cáo chuyên đề này trong thứ hai sau giờ chào cờ. Kế đến là hình thức nhập khẩu một chương trình KNS có bản quyền từ nước ngoài, dịch và Việt hóa để tiến hành giảng dạy độc lập. Thứ ba, giảng dạy KNS bằng cách kết hợp với một đơn vị chuyên dạy KNS bên ngoài và ký hợp đồng dạy theo thời khóa biểu của trường. Hình thức thứ tư là sử dụng một chương trình giảng dạy KNS, tích hợp chương trình này trong các hoạt động giảng dạy và học tập của trường, từ việc tạo môi trường giáo dục đến các hình thức dạy và học, phương pháp dạy và học thể hiện các kỹ năng mà chương trình KNS này đang lồng ghép.

. Như bà nói, các hình thức giảng dạy KNS khá phong phú, cộng thêm thực tế rất nhiều trung tâm mọc lên và phụ huynh ở TP lại chịu khó đầu tư cho con em học, vậy tại sao việc dạy KNS cho học sinh (HS) vẫn không mấy hiệu quả?

- Phải nói rằng chúng ta đã và đang hết sức vội vàng trong việc thiết kế giảng dạy KNS. Chẳng hạn dạy các em kỹ năng làm việc, chung sống với người khác bằng hàng loạt đề tài nói ra thì hết sức hấp dẫn như kỹ năng thuyết phục người khác, kỹ năng kết bạn và nuôi dưỡng tình bạn, kỹ năng giải quyết xung đột…Thế nhưng, chúng ta lại quên mất một điều hết sức cơ bản khi thiết kế chương trình dạy KNS, đó là trước khi học cách làm việc, chung sống với mọi người, các em cần được trang bị các kỹ năng hiểu chính mình. Các em cần biết mình là ai, điểm mạnh, điểm yếu của mình là gì, khi mình giận dữ thì xử lý thế nào?...

Học sinh học kỹ năng sống từ các trò chơi tập thể. Ảnh: TẤN THẠNH

. Nguyên nhân cốt lõi của sự vội vàng ấy là gì?

- Khi giảng dạy KNS, chúng ta đặt nặng việc cung cấp kỹ năng rất cụ thể mà chưa chú trọng việc thực hành khái niệm cho người học. Do đó học xong, người học không thể ứng dụng kỹ năng được học một cách linh hoạt. Ví dụ: khi trang bị cho trẻ kỹ năng chống xâm hại tình dục, chúng ta dạy trẻ các kỹ năng cụ thể để ứng phó với đụng chạm an toàn, đụng chạm không an toàn; bí mật an toàn, bí mật không an toàn… Thế nhưng, chúng ta không hình thành nên khái niệm: cơ thể trẻ là của trẻ; không ai có quyền làm đau nó, làm tổn thương nó; trẻ phải yêu thương, tôn trọng cơ thể mình.

Dạy KNS cho HS là một hành trình tác động vào nhận thức, cung cấp công cụ để giúp trẻ thay đổi hành vi và hình thành thói quen tích cực. Thế nhưng, hầu như các bài dạy KNS dừng lại ở mức độ "tác động nhận thức" mà ở đó chúng ta làm các em khóc ròng, làm các em thấy sao mà mình có thể vô tâm với những hy sinh, khổ cực của bố mẹ… và chúng ta xem đó là thành công. Có những khóa học KNS mà người dạy lẫn người học đều đo sự thành công bằng những giọt nước mắt: bài học nào có nhiều em khóc, khóc nhiều thì bài học đó mới thành công. Và thế là tìm mọi cách thao túng cảm xúc của người học và để người học chơi trong cảm xúc hối hận, tội lỗi… Chúng ta tàn nhẫn kết thúc bài học ở mức độ tác động nhận thức theo kiểu thao túng cảm xúc của các em. Công cụ không trao thì các em sẽ thấy bản thân mình tệ hơn.

. Vậy làm sao hóa giải?

- Phải trao công cụ và dạy các em cách sử dụng; kiên định với việc sử dụng công cụ nhằm thay đổi hành vi, từ đó mới hình thành thói quen. Có như thế, việc dạy KNS mới thành công.

. Phải chăng, để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm hoàn toàn phụ thuộc vào nhà trường và các trung tâm giảng dạy KNS?

- Ngoài nhà trường và các trung tâm giảng dạy KNS, vai trò của gia đình cũng hết sức quan trọng.

Tôi chứng kiến rất nhiều bà mẹ nôn nóng bỏ qua giai đoạn giúp con hiểu, chấp nhận và tôn trọng, yêu thương bản thân mình, đã đẩy con vào việc học các kỹ năng làm việc và chung sống với người khác. Những đứa trẻ này nếu có thành công cũng không hạnh phúc…

Kế đến, tôi cũng chứng kiến cảnh cứ đến hè là các mẹ lại đua vào đăng ký các khóa học KNS cho con: các khóa học dạy tự lập, thế nhưng khi các cô cậu trở về với mẹ, mẹ lại để cho con tập trung vào việc học kiến thức, còn lại đã có mẹ - ôsin chuyên nghiệp lo - khiến con không có điều kiện sử dụng các công cụ để thực hiện các hành vi của người tự lập thì làm sao hình thành thói quen tự lập được. Và như thế, chúng ta cùng con rơi vào vòng luẩn quẩn: Học nhưng không được hành.

Chưa hết, tôi thấy một vài mẹ cho con học các lớp KNS và vận dụng phương pháp dạy con của những bà mẹ ở nhiều nước khác nhau cho con mình mà bỏ qua tố chất, tốc độ phát triển, đặc điểm tâm sinh lý và yếu tố văn hóa của con. Hậu quả, cả mẹ với con đều mệt mỏi…

. Lời khuyên của bà đến các bậc phụ huynh là gì?

- Nếu được chia sẻ gì đó với các mẹ, chỉ xin được nói rằng: Ðừng bỏ qua hành trình giúp trẻ nhận biết và hiểu, yêu thương, tôn trọng bản thân. Ðặc biệt, phải tạo điều kiện để trẻ được thực hành, vận dụng các kỹ năng trẻ được học.

TS VÕ VĂN NAM, giảng viên Khoa Tâm lý Trường ÐH Sư phạm TP HCM:

Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên

Khi giảng dạy KNS cho trẻ, điều kiện cần và đủ là giáo viên phải được chuẩn hóa, đào tạo bài bản về KNS. Tránh tình trạng giáo viên vừa yếu vừa thiếu KNS. Ðể làm được điều này, các cấp, ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) cần có chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên này một cách chuyên nghiệp, hiệu quả.

Riêng đối với HS, cần dạy những kiến thức cần thiết, phù hợp với lứa tuổi để có thể vận dụng hằng ngày. Tránh tình trạng "ép chín" khi trẻ phải tiếp nhận những kiến thức xa vời với tâm sinh lý lứa tuổi, dẫn đến không áp dụng được. Mà một khi không thực hành, áp dụng được thì không hình thành nên thói quen, hành động, kỹ năng.

BÙI THỊ DIỄM THU, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM:

Không cho phép chương trình "lạ"

Hiện nay, danh sách các trung tâm được cấp phép giảng dạy KNS, Sở GD-ÐT TP HCM đã công khai. Yêu cầu của sở là tất cả trung tâm phải tổ chức giảng dạy an toàn, hiệu quả, dạy và học thực chất. Không ôm đồm và không ép buộc phụ huynh. Ngoài ra, không được đưa các chương trình "lạ", chưa được bộ và sở thẩm định vào giảng dạy. Khi sở công khai các trung tâm, cũng là một kênh thông tin để phụ huynh giám sát, phản ánh. Nếu thấy chương trình nào không đúng như cam kết, không phù hợp với quy định đều có thể báo cáo về sở để xử lý.

Sở GD-ÐT TP HCM cũng thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra tình hình hoạt động đối với cơ sở giáo dục được cấp phép giáo dục KNS và hoạt động ngoài giờ chính khóa; chỉ đạo triển khai thực hiện hoạt động giáo dục kỹ năng, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các cơ sở giáo dục trực thuộc; chỉ đạo tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục KNS trong trường học.

PHAN THU TRANG, một phụ huynh tại quận 8, TP HCM:

Hấp dẫn hơn nội dung giảng dạy

Mong muốn của phụ huynh là nhà trường và đơn vị liên kết giảng dạy KNS làm sao để nội dung các chuyên đề KNS phong phú và hấp dẫn hơn. Có thể linh hoạt hình thức tổ chức, không nhất thiết tận dụng trong giờ chào cờ, nội dung lại chạy theo các vấn đề thời sự khiến trẻ không hào hứng. Vì trẻ không mặn mà nên phụ huynh buộc lòng phải tìm đến các trung tâm bên ngoài có nhiều bài học thú vị hơn.

Với các buổi học KNS bằng hình thức dã ngoại, phụ huynh mong tổ chức thành nhiều đợt, mỗi đợt số lượng vừa đủ để HS được trải nghiệm thật sự chứ không phải chỉ đi quan sát mà không được thực hành.

(*) Xem Báo Người Lao Ðộng từ số ra ngày 27-8

ÐẶNG TRINH thực hiện

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/u-kieu-day-ky-nang-song-cho-hoc-sinh-chung-ta-da-voi-vang-trong-cach-day-20190828221919183.htm