U não ở trẻ em mức độ ác tính cao hơn người lớn

Theo các chuyên gia y tế, có tới 120 loại u não, trong đó hay gặp nhất là u di căn não, u tế bào thần kinh đệm, u màng não và u tuyến yên. Không chỉ người lớn mới mắc, u não còn xuất hiện nhiều ở trẻ nhỏ. Đáng lo ngại, u não ở trẻ em mức độ ác tính cao hơn người lớn và đứng thứ hai trong số bệnh lý bệnh ung thư ở trẻ em.

Trẻ 2 tháng tuổi mắc u não

Dù chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng tỷ lệ mắc u não ở nước ta cũng tương đương với các nước trên thế giới, khoảng từ 200-300 người/100.000 dân. Riêng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trung bình mỗi năm khám và điều trị khoảng 3.000 bệnh nhân liên quan u não, trong đó 80% gặp ở người lớn, phổ biến ở độ tuổi từ 30-60; 20% còn lại là ở trẻ em.

Các bác sĩ khám và tư vấn bệnh lý u não cho bệnh nhi tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, ngày 16/5

Các bác sĩ khám và tư vấn bệnh lý u não cho bệnh nhi tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, ngày 16/5

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh cho biết: Bệnh viện từng tiếp nhận bệnh nhân mắc u não nhỏ tuổi nhất, được phẫu thuật khi mới 2 tháng tuổi. "Phát hiện bé có biểu hiện đầu to ra, thóp phồng, gia đình đưa bé đến Bệnh viện khám. Khi chụp phim, chúng tôi phát hiện bé bị u não lành tính. Sau cuộc phẫu thuật, bé hoàn toàn khỏe mạnh, không để lại di chứng. Hiện tại, bé đã 8 tuổi", Phó giáo sư Đồng Văn Hệ nói.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, khi nói đến u não, nhiều người thường cho rằng đây là bệnh lý nguy hiểm. Thế nhưng, có những loại u não có thể chữa khỏi hoàn toàn. Đó là những loại u não lành tính, xuất hiện ở những vị trí không nguy hiểm và được phát hiện sớm, có thể phẫu thuật.

Đơn cử, như trường hợp chị Đinh Thị Tuyết đưa con trai 10 tuổi – cháu Trương Văn Kiên từ Vân Đồn (Quảng Ninh) lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám, tư vấn miễn phí về bệnh u não vào sáng 16/5. Chị Tuyết cho biết, cách đây 2 năm, cháu Kiên thường xuyên kêu đau đầu. “Cơn đau thường đến bất chợt, tôi cho con tới Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh khám, sau khi chụp chiếu, bác sĩ chẩn đoán cháu bị u nang nhện trong não, bệnh lành tính, không phải dùng thuốc. Tuy nhiên, cơn đau đầu đến thường xuyên khiến cháu Kiên không tập trung học tập được, tôi rất lo”, chị Tuyết nói. Tại buổi khám tại Bệnh viện, bác sĩ cũng kết luận u nang nhện của cháu Kiên là một dạng lành tính, không phải dùng thuốc, khi nào đau đầu quá thì cho cháu uống thuốc giảm đau.

Tương tự như cháu Kiên, cháu Nguyễn Ngọc Hiếu, 6 tuổi, ở Kiến Xương (Thái Bình) cách đây 5 tháng bất ngờ bị co giật. Theo mẹ cháu Hiếu– chị Bùi Thị Thanh, trước đó cháu không ốm, không sốt, chỉ thỉnh thoảng kêu đau đầu. Kết quả khám tại bệnh viện địa phương cho thấy bé có một nang trong não, đồng thời có biểu hiện động kinh. Tiếp nhận trường hợp này, Phó giáo sư Đồng Văn Hệ cho biết nang được xác định trong não bé Hiếu hoàn toàn không đáng lo ngại. Nhiều người thấy có nang dịch thì nghĩ ngay đến đây là điều “bất thường” và lo lắng mình mắc bệnh nặng. Song không phải trường hợp nào cũng như vậy. “Nang dịch là lành tính và chỉ mổ khi có triệu chứng nặng, nhưng rất hiếm người phải thực hiện phẫu thuật này, do vậy người dân không nên quá lo lắng”, Phó giáo sư Đồng Văn Hệ phân tích.

Ông khẳng định quan niệm u ở não là nguy hiểm không đúng. U não có nhiều loại khác nhau, trong đó, nhiều loại lành tính hoặc được phát hiện sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng. “Tôi từng mổ cho một nữ bệnh nhân có khối u ở não hơn 6 cm. Sau mổ 2 tuần, cô ấy quay lại làm việc bình thường. Điều đó có nghĩa u não cũng có thể chữa khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng hay ảnh hưởng tới cuộc sống, công việc của bệnh nhân”, Phó Giám đốc Bệnh viện cho hay.

Tự dưng co giật, đau đầu phải nghĩ ngay đến u não

Theo Phó giáo sư Đồng Văn Hệ, u não có thể tái phát sau điều trị, nhưng cũng có loại không tái phát hoặc u không phát triển to hơn sau nhiều năm. Vì vậy, bệnh nhân phải được khám, tư vấn và theo dõi khối u liên tục, thường xuyên. Thời gian sống thêm sau khi điều trị u não phụ thuộc rất nhiều vào loại u, tuổi bệnh nhân, vị trí, kích thước, phương pháp điều trị... Các phương pháp điều trị não phụ thuộc vào loại u, kích thước u. Phẫu thuật là phương pháp lựa chọn đầu tiên với đại đa số u não, nhằm cắt bỏ hoàn toàn/tối đa u, bảo tồn được các vùng não có chức năng quan trọng.

Tuy nhiên, Phó giáo sư Đồng Văn Hệ lưu ý, u não đứng thứ 2 trong tất cả các loại ung thư ở trẻ em. Với bệnh lý u não ở trẻ thì có tới 70% là ung thư. U não cũng chiếm 1/4 số bệnh nhân tử vong do ung thư dưới 19 tuổi."Dấu hiệu u não ở trẻ đôi khi rất mơ hồ, khó nhận biết. Dù vậy, dấu hiệu quan trọng để nghi ngờ trẻ mắc u não đó là nôn. Tại Bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhi được bố mẹ đưa đến khám khi thấy con nôn rất nhiều. Khi chụp cắt lớp não, bác sĩ đã phát hiện ra khối u lớn. Do vậy, theo lời khuyên của bác sĩ, khi cha mẹ thấy con có biểu hiện bất thường phải đưa tới cơ sở y tế để thăm khám và điều trị ngay", Phó giáo sư Đồng Văn Hệ nói.

Mặc dù có tới 120 loại u não nhưng có 4 nhóm u não hay gặp nhất, đó là u di căn não, u tế bào thần kinh đệm, u màng não và u tuyến yên. Có loại u não phát triển rất chậm, mỗi năm to thêm 2-3mm nên dấu hiệu rất mờ nhạt. Nhiều người được chẩn đoán u não sau khi khối u rất to (đường kính 8-10cm) và khối u đã phát triển từ 5-10 năm. Thế nhưng, một số u não phát triển rất nhanh, chỉ sau vài tuần hoặc vài tháng.

Theo Phó giáo sư Đồng Văn Hệ, u não có thể tái phát sau điều trị, nhưng cũng có loại không tái phát hoặc u không phát triển to hơn sau nhiều năm. Vì vậy, bệnh nhân phải được khám, tư vấn và theo dõi khối u liên tục, thường xuyên. Thời gian sống thêm sau khi điều trị u não phụ thuộc rất nhiều vào loại u, tuổi bệnh nhân, vị trí, kích thước, phương pháp điều trị...Các phương pháp điều trị não phụ thuộc vào loại u, kích thước u. Phẫu thuật là phương pháp lựa chọn đầu tiên với đại đa số u não, nhằm cắt bỏ hoàn toàn/tối đa u, bảo tồn được các vùng não có chức năng quan trọng.

Về dấu hiệu nhận biết u não, với một người trưởng thành chưa từng bị co giật, nếu một ngày bị co giật thì 80-90% khả năng là mắc u não. Ngoài ra, còn có các dấu hiệu phát hiện sớm khác như: Tự nhiên bị méo mồm, điếc tai, lác mắt, sụp mi, một cánh tay bị yếu, thay đổi tính nết, mất tập trung... Khi xuất hiện các dấu hiệu không đi được, hôn mê, rối loạn tâm thần, nhìn mờ, rối loạn nội tiết thì u não đã bước vào giai đoạn nặng.

Đề cập đến việc làm thế nào để phân biệt một người bị đau đầu do bệnh lý u não với đau đầu do căng thẳng, áp lực trong cuộc sống và công việc, Phó giáo sư Đồng Văn Hệ cho rằng, thông thường, có đến 80% nguyên nhân gây đau đầu là do áp lực công việc, cuộc sống, chỉ có 20% do bệnh lý. "Nếu đau đầu do áp lực tâm lý, khi nghỉ ngơi, dùng thuốc sẽ hết. Còn nếu đau đầu do bệnh lý, sau khi uống thuốc, cơn đau lại tái phát, thậm chí tình trạng đau đầu sẽ tăng lên theo thời gian. Với người bị u não, cơn đau đầu thường xuất hiện nhiều vào ban đêm", Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh Bệnh viện cho biết thêm.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/u-nao-o-tre-em-muc-do-ac-tinh-cao-hon-nguoi-lon-108405.html