U23 châu Á phơi bày hạn chế của bóng đá Nhật Bản

Thất bại ở U23 châu Á cho thấy nền bóng đá đất nước mặt trời mọc còn nhiều việc phải làm nếu muốn vươn mình ra thế giới.

Hơn 6 tháng nữa, Olympic Tokyo 2020 sẽ bắt đầu. Người Nhật kỳ vọng đội bóng đá nam sẽ đạt kết quả cao ở kỳ Thế vận hội trên quê nhà, như lời khẳng định cho sự tiến bộ của bóng đá xứ hoa anh đào.

Tuy nhiên, niềm hy vọng của người Nhật bị dội một gáo nước lạnh khi U23 Nhật Bản bị loại ngay từ vòng bảng giải châu Á.

 U23 Nhật gây thất vọng ở giải châu Á. Ảnh: AFC.

U23 Nhật gây thất vọng ở giải châu Á. Ảnh: AFC.

Đội tuyển trẻ gây thất vọng nhất lịch sử

Người Nhật thường tự hào về công tác đào tạo và phát triển tài năng trẻ. Tuy nhiên, kết quả tệ hại ở U23 châu Á khiến họ phải nhìn nhận lại cách làm bóng đá của mình. Lần đầu trong lịch sử giải U23 châu Á, Nhật Bản bị loại từ vòng bảng và không có nổi một chiến thắng nào.

Lần đầu tiên sau 32 năm, bóng đá Nhật Bản mới để thua 2 trận liên tiếp ở một giải đấu cấp châu lục. Tại Asian Cup năm 1988, tuyển Nhật Bản bị loại từ vòng bảng sau 2 trận thua trước Hàn Quốc và Qatar.

Tuy nhiên, trận thua đó ở cấp độ đội tuyển quốc gia, trong giai đoạn mà bóng đá Nhật Bản chưa có cuộc cách mạng toàn diện để đạt những thành công như thời gian qua.

U23 Nhật Bản tham dự giải đấu ở Thái Lan lần này là một trong những đội tuyển được LĐBĐ Nhật Bản (JFA) chuẩn bị kỹ nhất. JFA xây dựng một lứa cầu thủ chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020 từ nhiều năm trước.

Nhiều thành viên của U23 Nhật Bản dự giải châu Á đã chinh chiến từ các giải trẻ châu Á, ASIAD 2018 hay mới đây là cúp Đông Á (EAFF E1 Championship) trong màu áo đội tuyển quốc gia Nhật Bản. Theo cây viết Atsushi Ito, JFA đã tính xa, nhưng có vẻ như không thành.

Vắng sao châu Âu chưa phải vấn đề lớn nhất

U23 Nhật Bản dự giải châu Á lần này chưa phải đội Olympic mạnh nhất trên lý thuyết của bóng đá Nhật Bản. Ở độ tuổi U23 bóng đá Nhật còn Ritsu Doan (PSV), Takefusa Kubo (Mallorca) hay Takehiro Tomiyasu (Bologna),.. cùng nhiều cái tên đang thi đấu ở châu Âu. Ít nhất 8 cầu thủ có thể chơi cho đội U23 Nhật Bản không dự giải đấu ở Thái Lan lần này, vì các CLB châu Âu không nhả quân.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất với bóng đá Nhật Bản, nói như lời HLV Philippe Troussier là khả năng "kết nối giữa các cầu thủ", cũng như "cá tính và sự táo bạo trong thi đấu".

Từng có nhiều năm dẫn dắt ĐTQG cũng như các CLB Nhật Bản, HLV Troussier tin rằng các cầu thủ Nhật thường chơi quá an toàn, và điều này khiến họ khó có những bước tiến xa hơn.

"Tôi cho rằng đây có thể là một giai đoạn mà bóng đá Nhật Bản đang khan hiếm tài năng", ông Troussier nói. "Tôi khá ngạc nhiên khi các cầu thủ Nhật Bản được lựa chọn cho giải lần này thiếu và yếu nhiều kỹ năng để trở thành một cầu thủ hàng đầu".

Theo HLV Troussier, ngoài chất lượng chuyên môn, khả năng liên lạc và kết nối trên sân không tốt của các cầu thủ Nhật cũng là lý do khiến họ thất bại. Trang Number Web bình luận rằng bóng đá Nhật Bản sẽ gặp nhiều khó khăn ở Olympic 2020, ngay cả khi các cầu thủ từ châu Âu trở về. Lý do là vì ngoại trừ những cầu thủ từng lên ĐTQG, các ngôi sao trẻ còn lại hiếm khi chơi cùng nhau trước đó.

Ngoài chất lượng đào tạo cầu thủ, lý do khác khiến bóng đá Nhật Bản gặp vấn đề còn nằm ở LĐBĐ Nhật Bản (JFA). Theo cây viết Atsushi Ito, JFA tham vọng và lo xa cho Olympic, nhưng họ chậm chạp trong việc thay đổi khi mọi chuyện đi chệch hướng.

Điển hình như vị trí của HLV trưởng Hajime Moriyasu. Truyền thông Nhật Bản tin rằng ông Moriyasu rất may mắn khi không bị sa thải ngay lập tức, sau trận thua 1-2 trước U23 Syria.

Trang Football Zone tin rằng mọi thay đổi trên băng ghế huấn luyện lẽ ra nên đến sớm hơn. Việc JFA bổ nhiệm Moriyasu thay Akira Nishino sau World Cup 2018 từng nhận được nhiều lời khen. Thế nhưng kể từ đó đến nay, HLV 51 tuổi này đã thất bại trong các mục tiêu quan trọng nhất.

Ở Asian Cup 2019, HLV Moriyasu từng nhận chỉ trích nặng nề khi xóa bỏ lối chơi truyền thống chủ động cầm bóng, để mang lại một tuyển Nhật thực dụng và có phần xấu xí.

Tiền vệ Gaku Shibasaki, người đang chơi cho Deportivo de La Coruna khi đó phải lên tiếng than phiền về phong cách thi đấu của đội. Dù vậy, ngay cả khi chơi thực dụng, Nhật Bản của HLV Moriyasu nhận thất bại toàn diện 1-3 trước Qatar ở chung kết. Sau đó, vào cuối năm 2019, tuyển Nhật Bản tiếp tục để Hàn Quốc vô địch cúp Đông Á (EAFF E1 Championship).

HLV Hajime Moriyasu chưa thể giúp bóng đá Nhật có thành tích tốt. Ảnh: AFC.

Giấc mơ huy chương Olympic xa vời?

Truyền thông Nhật Bản đang khá dè dặt về cơ hội của đội bóng đá nam nước này ở Olympic. Lần duy nhất bóng đá Nhật Bản giành huy chương Olympic đã cách đây 52 năm. Ở Olympic 1968 tại Mexico, tuyển Nhật giành huy chương đồng sau khi đánh bại chủ nhà ở trận tranh 3/4.

Sau tấm huy chương đồng đó, Nhật Bản có thêm 1 lần vào tới bán kết môn bóng đá Nam Olympic London 2012. Tuy nhiên, thế hệ của Maya Yoshida sau đó thất bại 0-2 trước Hàn Quốc.

Cây viết Atsushi Ito tin rằng nếu so với người láng giềng Hàn Quốc, bóng đá trẻ Nhật Bản đang có những kết quả kém hơn. Ở ASIAD 2018, Olympic Hàn Quốc vượt qua chính Nhật Bản để giành huy chương vàng. Thành tích ở các kỳ Olympic gần đây của bóng đá Hàn Quốc cũng tốt hơn Nhật Bản.

"Sẽ là một cuộc khủng hoảng thật sự với nền bóng đá nếu không thay đổi", Atsushi Ito kết luận.

Bàn thua khiến Nhật Bản bị loại khỏi giải U23 châu Á Phút 88 trong trận đấu tối 12/1, Ahmad Dali có pha đột phá từ sân nhà trước khi tung cú dứt điểm gọn gàng, chấm dứt hành trình của Nhật Bản tại vòng chung kết U23 châu Á.

Hồng An

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/u23-chau-a-phoi-bay-han-che-cua-bong-da-nhat-ban-post1036449.html