U23 Việt Nam đã khiến đối thủ phải căng thẳng như thế nào?

120 phút chung kết có lẽ lần đầu tiên tại Giải U23 châu Á 2018, người Uzbekistan cảm thấy sợ hãi. Bằng chiến thuật và sự quả cảm, U23 Việt Nam xứng đáng ngẩng cao đầu rời giải.

U23 Việt Nam có thể ngẩng cao đầu rời giải sau trận chung kết đầy cảm xúc và kịch tính. Ảnh: Hoàng Hà.

Băng tuyết đã làm hại U23 Việt Nam như thế nào?

120 phút trên sân Thường Châu là một sự bất công ghê gớm khi U23 Việt Nam phải lần đầu tiên chơi bóng trong điều kiện thời tiết xa lạ nhưng quen thuộc với đối thủ.

Trước U23 Việt Nam, U23 Uzbekistan tiếp tục là đội bóng cửa trên, là kẻ làm chủ thế trận như 5 trận trước đó từ đầu giải. Hiểu biết về thời tiết là lợi thế cực lớn của thầy trò HLV Ravshan Khaydarov. Họ lập tức từ bỏ lối chơi quen thuộc, lấy tấn công biên và lật cánh đánh đầu làm chiến thuật chủ đạo.

Đó là lựa chọn hoàn hảo trong điều kiện sân trơn, bóng ướt và Uzbekistan có chiều cao tốt hơn Việt Nam. 30 phút đầu tiên, đội bóng Trung Á cầm bóng 68%, tranh chấp trên không thành công 57,6%, thực hiện tới 9 quả tạt bóng so với chỉ 1 lần của U23 Việt Nam. Cả 2 bàn thắng của U23 Uzbekistan đều là các tình huống bóng bổng. Trong đó, bàn mở tỷ số của Rustamjon Ashurmatov đến ở ngay phút thứ 8.

Highlights U23 Việt Nam 1-2 U23 Uzbekistan U23 Việt Nam đã chiến đấu rất nỗ lực nhưng bàn thua ở những phút cuối của hiệp phụ khiến thầy trò HLV Park Hang-seo chấm dứt giấc mơ vô địch.

Đối đầu U23 Uzbekistan là thử thách lớn nhất của U23 Việt Nam từ đầu giải. Đội bóng của ông Park Hang-seo vừa phải gặp đối thủ mạnh, vừa đối diện thời tiết khắc nghiệt. 30 phút đầu trận, Xuân Trường và đồng đội gần như không triển khai được lối chơi.

Những đường chuyền sệt bị vô hiệu hóa. Tốc độ bóng, ước lượng lực, độ cản của tuyết, mọi thứ đều trở nên xa lạ và làm khó U23 Việt Nam. Lối chơi bóng ngắn, đột phá cá nhân của Quang Hải và đồng đội gần như bị triệt tiêu.

30 phút đầu trận, tỷ lệ chuyền bóng chính xác của toàn đội hình chỉ là 56,7% - thấp nhất từ đầu giải. U23 Việt Nam buộc phải chuyển sang phương án bóng bổng. Gần 30% số đường chuyền của đội tuyển là chuyền dài, cao hơn hẳn so với 14% của U23 Uzbekistan. 30 phút ấy, các học trò của thầy Park không có nổi một lần sút trúng khung thành đối thủ.

Mặt sân đầy băng tuyết khiến U23 Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong suốt hiệp một. Ảnh: Tùng Lê.

Bất lợi khủng khiếp ấy cộng với bàn thua sớm, U23 Việt Nam lẽ ra phải thua tiếp, thua đậm ngay trong hiệp một. Nhưng may cho họ, vì phía sau vẫn còn Park Hang-seo.

Một lần nữa, chúng ta ngả mũ trước thầy Park

Trận chung kết với U23 Uzbekistan chứng kiến sự trở lại của sơ đồ 5-4-1 với U23 Việt Nam. Lần đầu tiên tại vòng knock-out, ông Park dựng lại hệ thống “xe bus” trước khung thành Bùi Tiến Dũng.

Quang Hải được trả về biên trái để hỗ trợ Văn Thanh kèm số 8 Jasurbek Yakhshiboev. Văn Đức dạt biên phải trong khi Công Phượng chơi cao nhất trên hàng công. Ba người họ cũng chính là những hậu vệ đầu tiên, những cầu thủ phòng ngự từ xa rất quan trọng của đoàn quân áo đỏ. Quang Hải là cầu thủ tranh chấp thành công nhiều nhất đội hình (14 lần) trong khi Công Phượng có tỷ lệ tranh chấp cao nhất (87%).

'Chúng ta đã nỗ lực hết sức, tại sao phải cúi đầu' Giây phút xúc động khi HLV Park Hang-seo nhắc các tuyển thủ mạnh mẽ đứng dậy sau trận thua và cám ơn khán giả đã đến SVĐ Thường Châu để cổ vũ đội tuyển. Họ đã làm nên lịch sử.

Áp lực của họ từ tuyến trên đã góp phần vô hiệu hóa ngôi sao Jasurbek Yakhshiboev bên phía đối thủ. Tiền vệ phải của Uzbekistan - chủ nhân 3 bàn thắng trong 2 trận gần nhất, đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Yakhshiboev bị Văn Thanh và Quang Hải kèm chặt.

Anh không có nổi một cú sút, một đường kiến tạo, tạt bóng 3 lần đều hỏng, tranh chấp tay đôi 5 lần mất cả 5. Sau 45 phút, Yakhshiboev chỉ có 19 đường chuyền và phải cay đắng rời sân giữa giờ nghỉ.

HLV Park Hang-seo đã thành công trong việc bẽ gãy mũi khoan chủ lực của đối thủ. Cánh phải bị vô hiệu hóa khiến hệ thống tấn công của U23 Uzbekistan lệch hẳn một bên. Đó là điều kiện lý tưởng để Xuân Trường, Đức Huy rảnh tay vây ráp nhạc trưởng Javokhir Sidikov ở trung lộ. Số 10 của Uzbekistan vẫn cho thấy đẳng cấp của mình. Nhưng anh hiếm khi được thảnh thơi cầm bóng, gần như không có cơ hội ngoặt vào trung lộ sút xa.

Một lần nữa, HLV Park Hang-seo thể hiện được bản lĩnh và kinh nghiệm cầm quân của mình trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: Tùng Lê.

Sidikov bị bao vây khiến Zabikhillo Urinboev bị cô lập. Tiền đạo chủ lực của U23 Uzbekistan không có nổi một cú sút trúng đích, chỉ có 17 đường chuyền suốt 120 phút và đương nhiên, không có bàn thắng nào.

Khi ba cái tên quan trọng nhất được chăm sóc, thế trận tấn công của U23 Uzbekistan đi vào bế tắc. Đoàn quân Trung Á cầm bóng nhiều, chuyền bóng vượt trội nhưng gần như bất lực trước bức tường phòng ngự của U23 Việt Nam. Cả 2 bàn thắng của U23 Uzbekistan đều là những tình huống cố định. Với bóng sống, họ bất lực.

Giữa 2 pha lập công ấy là 112 phút im lặng đáng sợ của hàng công mạnh nhất giải. Khoảng thời gian ấy chính là cơ hội cho U23 Việt Nam.

U23 Việt Nam đã khiến đối thủ phải sợ hãi như thế nào?

Sau 30 phút đầu chịu trận, đoàn quân áo đỏ bắt đầu phản công. 30 phút đầu tiên, tỷ lệ kiểm soát bóng giữa đôi bên là 68% - 32%, tỷ số dứt điểm là 3-1, tỷ số phạt góc là 3-2 nghiêng về phía U23 Uzbekistan. Sang 15 phút cuối, tỷ lệ ấy lần lượt là kiểm soát bóng 35% - 65%, dứt điểm 2-1, phạt góc 2-0 nghiêng về phía Việt Nam.

U23 Việt Nam, nhà vô địch trong tim người hâm mộ Kết thúc giải vô địch U23 châu Á 2018, các chàng trai của U23 Việt Nam đã làm nên lịch sử với vị trí á quân cùng dấu ấn đậm nét trong lòng hàng triệu người hâm mộ.

Đoàn quân của HLV Park Hang-seo cho thấy khi đã thích nghi được với thời tiết, họ không phải là kẻ dễ bị bắt nạt. Bàn thắng của Quang Hải ở phút 41 là một siêu phẩm nhưng nó chỉ là kết quả tất yếu từ một thế trận tấn công trội hơn trong khoảng 1/3 thời gian cuối hiệp.

Bàn thắng ấy mang tới niềm tin rằng U23 Việt Nam có thể thắng và khiến đối thủ phải chột dạ. Khi Quang Hải sút tung lưới thủ thành Botirali Ergashev, người Uzbekistan lần đầu tiên nhận ra rằng họ có thể thua.

Sự bối rối của nhà vô địch tương lai là có thật. 5 trận trước đó, đội bóng Trung Á nhận 6 thẻ vàng. Chỉ một trận chung kết, họ “ăn” tới 4 thẻ. Hai trận gần nhất trước Nhật Bản, Hàn Quốc, Uzbekistan thanh thoát, gọn gàng bao nhiêu thì trận này khó khăn bấy nhiêu. Hai trận trước, họ ghi bàn như lấy đồ trong túi. Trận này, bàn quyết định chỉ đến ở phút hiệp phụ cuối cùng.

HLV Park Hang-seo cũng kịp thời điều chỉnh để hạn chế lối chơi lật cánh đánh đầu của đối thủ. Hai hậu vệ cánh Văn Thanh và Xuân Mạnh được mạnh dạn dâng cao. Họ chủ động kèm người ngay khi đối thủ bước vào 1/3 sân cuối cùng.

Họ chơi chắn chắn, không cho tiền vệ cánh của đội bạn qua người. U23 Việt Nam không cho Uzbekistan đưa bóng xuống sát biên ngang, buộc đối thủ phải tạt sớm từ khoảng cách rất xa.

Thống kê của U23 Việt Nam trong cuộc đối đầu với U23 Uzbekistan. Đồ họa: Quý Sáng.

Hệ quả là U23 Uzbekistan không còn những tình huống căng ngang nguy hiểm. Họ phải lật bóng bổng, phải trực tiếp đối mặt với một Bùi Tiến Dũng đang có phong độ đỉnh cao. Trước Uzbekistan, chàng thủ môn đẹp trai đã chiến thắng tuyệt đối trong tất cả các tình huống tranh chấp trên không và dưới đất. Anh có 7 pha cứu thua, 5 lần đấm bóng và là vị thần bảo hộ cho khung thành U23 Việt Nam.

Bộ đôi tiền vệ cánh Jasurbek Yakhshiboev, Dostonbek Khamdamov cùng cầu thủ vào thay người Doniyorjon Narzullaev chỉ có 5 lần thành công sau 27 nỗ lực tạt bóng, đạt tỷ lệ 18% - thấp nhất kể từ đầu giải. Chính họ là nguyên nhân khiến U23 Uzbekistan phải lần thứ hai bước vào hiệp phụ.

Rất nhiều tình huống trong trận chung kết, các cầu thủ U23 Uzbekistan chủ động lao vào tranh cãi, gây gổ với U23 Việt Nam. Các pha tranh chấp giữa đôi bên ở phút 35 và 40 đều tới trong khoảng thời gian Uzbekistan bị U23 Việt Nam dồn ép. Sự căng thẳng, áp lực kỳ vọng, nỗi sợ hãi của đối thủ là có thật.

U23 Uzbekistan đã phải trải qua 120 phút cực kỳ khó khăn trước đối thủ lỳ lợm nhưng không kém phần khoa học. Ảnh: AFC.

Khi tiếng còi kết thúc thời gian hiệp phụ càng tới gần, ta càng cảm thấy rõ sự nôn nóng của đội bóng Trung Á. Không sợ hãi sao được khi U23 Uzbekistan sắp phải bước vào loạt luân lưu với đối thủ đã giành chiến thắng ở cả 2 trận trước đó.

U23 Uzbekistan xứng đáng giành ngôi vô địch. Nhưng đó thực sự là một danh hiệu không dễ dàng.

Quang Hải đã sánh ngang Huỳnh Đức, Công Vinh chưa?

Một lần nữa, Quang Hải khiến cả châu Á phải gọi tên anh. Trước U23 Uzbekistan, Quang Hải lần đầu tiên được trả về cánh trái. Đây là vị trí quen thuộc đã làm nên tên tuổi của anh ở CLB Hà Nội và U20 Việt Nam. Trước đó, cả 4 bàn thắng của Quang Hải đều được thực hiện từ biên phải. Nhưng khi số 19 đang thăng hoa, phải hay trái cũng không ngăn được anh.

Pha lập công của Rustamjon Ashurmatov là lần thứ 3 liên tiếp, U23 Việt Nam bị dẫn bàn ở vòng knock-out. Cũng giống như 2 lần trước, Quang Hải tiếp tục là người gỡ hòa cho đội tuyển. Từ khoảng cách 18 m, cú dứt điểm của anh vẽ nên một đường cong tuyệt đẹp trên nền trời Thường Châu.

Trái bóng đi xoáy, vọt ra khỏi sự che chắn của hàng rào trước khi cuộn lại, cắm thẳng vào góc cao khung thành Uzbekistan. Đó là một cú dứt điểm hoàn hảo mà dù đã đoán đúng hướng, thủ thành Botirali Ergashev vẫn phải bất lực.

Quang Hải rơi nước mắt tiếc nuối khi chia sẻ sau trận đấu Chia sẻ sau trận đấu với U23 Uzbekistan, Quang Hải cho biết đây là một giải đấu vô cùng ý nghĩa và anh sẽ phải nỗ lực hơn nữa ở các giải đấu sau.

Một lần nữa, Quang Hải là ánh sáng của U23 Việt Nam. Khi đội bóng cần, anh luôn xuất hiện đúng lúc. Siêu phẩm vào lưới Uzbekistan là pha lập công thứ 5 của Hải từ đầu giải, là bàn thứ 3 tính từ bán kết. Trận cầu càng căng thẳng, Quang Hải chơi càng hay. Tính chất trận đấu càng quyết định, Hải càng lỳ lợm và bình tĩnh.

Nhiều người từng cho rằng 3 trận knock-out sẽ là thời điểm khó khăn của Quang Hải. Ấn tượng mãnh liệt anh tạo ra sau vòng bảng khiến mọi đối thủ đều phải dè chừng. Họ sẽ phân tích, sẽ theo kèm và nỗ lực bắt chết anh.

Trước U23 Uzbekistan, Quang Hải là người bị phạm lỗi nhiều nhất (4 lần, con số tương tự của Công Phượng và Văn Thanh lần lượt là 3 và 2 lần). Dù vậy, đối thủ vẫn không tài nào cản nổi anh.

Những thống kê nói rằng Quang Hải là ngôi sao toàn năng của U23 Việt Nam. Trong 3 cầu thủ tấn công, anh là cái tên sút nhiều nhất (4 lần), chuyền bóng trên sân đối thủ tốt nhất (tỷ lệ 60 %). Chính anh chứ không phải những hậu vệ là người có nhiều pha tắc bóng nhất (7 lần), tranh chấp tốt nhất (14 lần).

Quang Hải tiếp tục là người hùng với màn trình diễn siêu đẳng.

5 bàn thắng giúp Quang Hải khép lại giải đấu với chỉ 1 bàn xếp sau Vua phá lưới Almoez Ali (Qatar, 6 bàn). Anh cũng là cầu thủ duy nhất tại Giải U23 châu Á 2018 có 4 bàn từ các cú sút xa - một thống kê khủng khiếp. Việc số 19 của U23 Việt Nam không được trao bất kỳ danh hiệu cá nhân nào thực sự sự bất công.

21 tuổi, vô địch V.League, là đội trưởng U20 Việt Nam dự World Cup, là Quả bóng đồng Việt Nam 2017, là người hùng U23 Việt Nam ở chung kết giải châu Á, Quang Hải gần như vô đối trong cuộc bình chọn Quả bóng vàng 2018 dù hiện giờ mới chỉ là tháng 1.

Ngày anh đứng bên cạnh Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Vinh trong ngôi đền huyền thoại của bóng đá Việt Nam có lẽ không còn xa nữa.

Cảm ơn các anh, vì tất cả

Ai đó từng nói hạnh phúc là đích đến chứ không phải hành trình.

Ta biết điều đó là sự thật. Bởi giải đấu này đã giúp U23 Việt Nam và bóng đá Việt Nam học được rất nhiều điều. Nhưng, ta vẫn không ngăn được chữ nhưng ấy bật lên trong chua xót.

Người hâm mộ vẫn xuống đường và hát về niềm tự hào U23 VN U23 VN thua trận chung kết giải U23 châu Á đầy tiếc nuối, nhưng vẫn không khiến các CĐV ngừng tự hào về màn trình diễn của họ.

Khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, khi những lá cờ đỏ rủ xuống, ta vẫn ước rằng đây không phải là sự thật. Ta ước rằng hiện thực kia chỉ là lời nói dối.

Đau đớn lắm.

Bởi Giải U23 châu Á 2018 là chiến dịch tuyệt vời nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Bỏ qua chức vô địch AFF Cup 2008, bỏ qua thành tích tứ kết Asian Cup 2007, danh hiệu Á quân U23 châu Á 2018 là lần đầu tiên trong lịch sử, bóng đá Việt Nam đứng trên những Nhật Bản, Hàn Quốc.

Cảm ơn U23 Việt Nam vì những cảm xúc không thể nào quên mà các cầu thủ đã đem lại cho người hâm mộ Việt Nam. Ảnh: AFC.

Trên đất Trung Quốc, HLV Park Hang-seo không có lợi thế sân nhà, không cần sự may mắn kỳ diệu của Công Vinh, bị đánh giá yếu nhất giải, phải đối diện với lịch thi đấu khó khăn, những quyết định tranh cãi của trọng tài và điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Nhưng các chiến thắng của U23 Việt Nam đều thuyết phục, đều quả cảm và không thể tranh cãi.

Quan trọng hơn, lần đầu tiên sau nhiều năm, bóng đá đã mang cả dân tộc tới gần nhau hơn.

U23 Việt Nam, cảm ơn các anh vì tất cả.

Thanh Hà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/u23-viet-nam-da-khien-doi-thu-phai-cang-thang-nhu-the-nao-post815582.html