Ðưa Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo hàng đầu cả nước

Ngoài việc là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, Hà Nội xác định mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu cả nước; tiến tới là trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực Ðông - Nam Á trên một số lĩnh vực, thật sự là thành phố sáng tạo của UNESCO.

Ngoài việc là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, Hà Nội xác định mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu cả nước; tiến tới là trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực Ðông - Nam Á trên một số lĩnh vực, thật sự là thành phố sáng tạo của UNESCO.

Nhiều năm qua, TP Hà Nội đã tích cực phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN). Từ năm 2016 đến nay, đã có 346 nhiệm vụ KH-CN cấp thành phố được triển khai, trong đó có 212 nhiệm vụ khoa học tự nhiên và công nghệ, 84 nhiệm vụ khoa học xã hội và nhân văn, 50 dự án sản xuất thử nghiệm với tổng kinh phí là 633,092 tỷ đồng; hơn 85% kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu được ứng dụng vào thực tiễn. Trong đó, các sản phẩm nghiên cứu thuộc lĩnh vực công nghiệp, tự động hóa, điện, điện tử viễn thông đã giúp hoàn thiện, phát triển các sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường, thay thế hàng nhập khẩu. Hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực này đã bước đầu hình thành một số trung tâm gia công, làm hạt nhân cho các khu công nghiệp, công nghệ cao, hỗ trợ cho đào tạo, nghiên cứu ứng dụng trong công nghiệp. Hoạt động nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao... cũng đạt những kết quả tích cực và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thành phố. Thành phố cũng tập trung phát triển hạ tầng KH-CN, nhất là các khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm, công viên công nghệ thông tin, trung tâm giao dịch, chuyển giao công nghệ... Ðến nay, diện mạo của Khu công nghệ cao Hòa Lạc cơ bản đã thành hình, hệ sinh thái của một khu công nghiệp công nghệ cao với chuỗi sản xuất đồng bộ để đưa ra các sản phẩm "Make in Việt Nam" ngày càng rõ.

Dù vậy, vai trò trung tâm khoa học công nghệ của Hà Nội ở đâu, định vị trong 5 đến 10 năm tới, Hà Nội nằm ở vị trí nào còn là câu hỏi rất lớn. Tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Ðình Huệ cho biết, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, KH-CN và đổi mới sáng tạo thật sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Theo đó, có 10 nhóm mục tiêu cụ thể, như: Xây dựng Hà Nội trở thành Trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước; phát triển nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn phục vụ cho việc đề ra các giải pháp quản lý đô thị lớn, thông minh, hiện đại gắn với đặc thù của một trung tâm văn hóa, chính trị, giáo dục - nơi văn hóa và con người đóng vai trò là nguồn lực quan trọng trong phát triển. Thành phố cũng đặt mục tiêu là đầu tàu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển công nghệ. Phấn đấu đến năm 2025, đầu tư cho KH-CN và đổi mới sáng tạo chiếm 70% tổng đầu tư của thành phố và không thấp hơn 1% GRDP của Thủ đô...

Ðể thực hiện được các mục tiêu này, đồng chí Vương Ðình Huệ mong muốn, Bộ KH và CN và thành phố Hà Nội phối hợp hiệu quả trên sáu lĩnh vực. Trong đó, đồng chí đề nghị Bộ phối hợp với thành phố trong tham vấn, xây dựng chính sách phù hợp với đặc thù của Thủ đô, cũng như thử nghiệm những chính sách mới, mô hình kinh tế mới; hỗ trợ thành phố trong xây dựng và triển khai chiến lược phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của thành phố, đồng bộ với chiến lược phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2030.

Bí thư Thành ủy Vương Ðình Huệ cũng đề nghị Bộ KH và CN phối hợp thành phố trong phát triển tiềm lực, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho KH-CN và đổi mới sáng tạo, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả "Quỹ phát triển KH-CN". Hoàn thiện chính sách tuyển dụng, thu hút đội ngũ trí thức, nhất là chuyên gia KH-CN đầu ngành, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài...; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KH-CN của thành phố. Ngoài ra, Bộ KH và CN hợp tác xây dựng vườn ươm công nghệ, công nghiệp hỗ trợ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Thành phố cam kết cùng với Bộ KH và CN, các bộ liên quan trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút nhà đầu tư lớn về KH-CN để tạo bước phát triển đột phá cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc, góp phần xây dựng đô thị vệ tinh Hòa Lạc theo quy hoạch của Chính phủ.

Trước đó, thăm và kiểm tra Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Bí thư Thành ủy Vương Ðình Huệ yêu cầu Ban Quản lý phải xác định thời cơ, tranh thủ sự đầu tư của Trung ương, thành phố để phát triển mạnh hơn. Trước mắt, không ngồi chờ các nhà đầu tư đến xin đầu tư mà phải coi các nhà đầu tư là đối tác. Trong đó quan trọng nhất là phải đặt yêu cầu về giá trị gia tăng, từ đó, lựa chọn những doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, sử dụng ít đất nhưng mang lại hiệu quả kinh tế lớn.

Mai Thanh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/ua-ha-noi-tro-thanh-trung-tam-doi-moi-sang-tao-hang-dau-ca-nuoc-609350/