Ðưa tranh dân gian vào đời sống đương đại

Cùng với bảo tồn nguyên trạng các dòng tranh dân gian, thì việc kế thừa, phát huy giá trị của chúng trong cuộc sống đương đại là thách thức không nhỏ. Nhưng đối với các nhà thiết kế, các họa sĩ và một số doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, yếu tố truyền thống đang được biến thành lợi thế trong thiết kế sản phẩm. Tranh Kim Hoàng và tranh Hàng Trống - hai dòng tranh nổi bật của Hà Nội, đang hồi sinh dưới hình thức mới trên những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống đương đại.

Hướng dẫn các bạn nhỏ thêu theo mẫu tranh Kim Hoàng.

Hướng dẫn các bạn nhỏ thêu theo mẫu tranh Kim Hoàng.

Cùng với bảo tồn nguyên trạng các dòng tranh dân gian, thì việc kế thừa, phát huy giá trị của chúng trong cuộc sống đương đại là thách thức không nhỏ. Nhưng đối với các nhà thiết kế, các họa sĩ và một số doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, yếu tố truyền thống đang được biến thành lợi thế trong thiết kế sản phẩm. Tranh Kim Hoàng và tranh Hàng Trống - hai dòng tranh nổi bật của Hà Nội, đang hồi sinh dưới hình thức mới trên những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống đương đại.

Bất kỳ ai nhìn vào những sản phẩm của Công ty cổ phần Lụa Nha Xá đều thấy vừa lạ, vừa quen, nhất là những chiếc khăn lụa nhiều mầu sắc. Bởi những họa tiết trang trí trên khăn lụa Nha Xá được "chắt lọc" từ những họa tiết trên tranh Hàng Trống. Giám đốc Công ty cổ phần Lụa Nha Xá Ðinh Phú Quý chia sẻ: "Chúng tôi rất trăn trở trong việc làm ra sản phẩm vừa có giá trị truyền thống, vừa mang hơi thở đương đại, để chỉ nhìn thấy người ta đã nhận ra đó là sản phẩm của Việt Nam". Những trăn trở này đã được tháo gỡ khi lãnh đạo Công ty cổ phần Lụa Nha Xá biết đến dự án Họa sắc Việt của nhà thiết kế Trịnh Thu Trang (Khoa Mỹ thuật công nghiệp Trường đại học Kiến trúc Hà Nội) và Công ty TNHH Truyền thông và sáng tạo S-River, đơn vị đã nhiều năm nghiên cứu, khai thác những họa tiết trang trí của tranh Hàng Trống để sáng tạo nên họa tiết mới. Sự kết hợp giữa sản phẩm của nhóm S-River và các nhà sản xuất lụa đã tạo nên những sản phẩm lụa hết sức độc đáo, mang bản sắc Việt như mong muốn của ông Ðinh Phú Quý.

Ngoài sản phẩm lụa Nha Xá, triển lãm "Ứng dụng họa tiết truyền thống trong thiết kế sản phẩm và thiết kế bao bì" do Công ty TNHH Truyền thông và sáng tạo S-River phối hợp Trung tâm thiết kế Việt Nam - Hàn Quốc tổ chức còn đem đến nhiều sản phẩm được ứng dụng họa tiết truyền thống. Khi nhìn vào bao bì của các sản phẩm làm đẹp mang thương hiệu Cỏ Mềm rồi so sánh với trang trí bao bì những sản phẩm khác, dễ nhận ra, nhiều sản phẩm trang trí tưởng chừng mang phong cách truyền thống, nhưng thật ra đều đi "vay mượn" trang trí của các nước Á Ðông khác. Bao bì Cỏ Mềm sử dụng tranh Hàng Trống làm chất liệu, vừa có độ tinh tế, vừa thể hiện nét đẹp truyền thống hàng Việt. Ðiển hình như một số bao bì được lấy cảm hứng từ bức tranh Phật Bà Quan Âm. Những sản phẩm thời trang, ốp lưng điện thoại, bao lì xì, sổ tay, túi xách... sử dụng họa tiết tranh Hàng Trống cũng đem đến sự độc đáo cho người sử dụng.

Ðể có thể đưa họa tiết tranh Hàng Trống lên sản phẩm có tính thương mại, nhà thiết kế Trịnh Thu Trang và nhóm S-River đã trải qua một quãng đường rất dài. Từ chỗ đam mê vẻ đẹp của tranh Hàng Trống, Trịnh Thu Trang đã dày công sưu tập, nghiên cứu thành lập nhóm S-River (Dòng sông nhỏ) và cho ra đời dự án Họa sắc Việt. Song song với bảo tồn, quảng bá các dòng tranh dân gian tới mọi người, dự án Họa sắc Việt hướng tới khai thác, làm mới chất liệu dân gian. Các họa sĩ, nhà thiết kế đã khai thác những họa tiết của tranh Hàng Trống, sáng tạo, phối hợp thành họa tiết mới và số hóa chúng. Cách đây tròn một năm, nhóm thực hiện dự án đã tổ chức triển lãm "Những điều xưa cũ mới mẻ". Ðó là lần đầu dòng tranh Hàng Trống nổi tiếng được "làm mới", khi những họa tiết của tranh được gợi ý đưa lên các sản phẩm dân dụng, sản phẩm thời trang. Tháng 3-2018, cuốn sách Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống với hàng trăm mẫu hoa văn, họa tiết trang trí của dự án được giới thiệu đến công chúng. Tuy nhiên, Trịnh Thu Trang và nhóm S-River chỉ là những người thiết kế. "Từ tranh ra sản phẩm" còn phụ thuộc vào các nhà sản xuất. Nhà thiết kế Trịnh Thu Trang nhiều lúc băn khoăn về tương lai những họa tiết trang trí lấy từ "vốn" tranh dân gian. Rất may, không chỉ một, mà nhiều nhà sản xuất đồ thủ công, thời trang đã cảm nhận được vẻ đẹp, nét độc đáo của các họa tiết tranh dân gian và đưa vào ứng dụng trên sản phẩm của họ.

Tranh Kim Hoàng cũng là một dòng tranh dân gian của Hà Nội. Từng bị thất truyền suốt bảy thập kỷ, nhưng Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đã triển khai dự án Khôi phục tranh Kim Hoàng. Sau khi thành công với việc khôi phục kỹ thuật và nhiều mẫu tranh, những người thực hiện dự án tiếp tục khai thác nét đẹp của tranh Kim Hoàng để tạo ra các sản phẩm cho cuộc sống. Mới đây, Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đã "trình làng" một loạt sản phẩm lấy cảm hứng từ tranh Kim Hoàng như: lợn gốm lấy cảm hứng từ tranh "Lợn độc"; tranh "Lợn độc" chuyển thể sang tranh đậu bạc; các sản phẩm lọ hoa, bát đĩa..., đồ trang trí đương đại trên gỗ, chặn giấy, gối dựa lưng... khai thác các họa tiết từ tranh Kim Hoàng. Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ: "Việc đưa những hình ảnh, họa tiết của tranh Kim Hoàng vào sản phẩm đương đại là cách để khai thác, phát triển vốn cổ; đồng thời, khi người dân biết đến hình ảnh, họa tiết tranh Kim Hoàng ngày một nhiều thì ý thức về việc bảo tồn nguyên gốc cũng sẽ tăng lên".

Hai dòng tranh Hàng Trống và Kim Hoàng đều đã trải qua những giai đoạn thăng trầm. Nhưng với nỗ lực của các nhà thiết kế, họa sĩ, phần lớn là những người trẻ tuổi cùng các doanh nghiệp, cả hai dòng tranh đang từng bước "hồi sinh" dưới một dạng thức mới trong đời sống đương đại.

Bài và ảnh: GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/38293502-%C3%B0ua-tranh-dan-gian-vao-doi-song-duong-dai.html