Uẩn khúc việc Cục thuế Đà Nẵng 'nương nhẹ' doanh nghiệp trốn thuế

Phát hiện doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ thuế lên tới gần 3 tỷ đồng, thay vì chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật thì Cục thuế TP Đà Nẵng lại 'tạo điều kiện' để doanh nghiệp'tự nguyện khai báo' và phạt cho tồn tại vì 'vi phạm lần đầu'.

Từ lá đơn tố cáo của đối tác

Từ năm 2016 tới nay, bà Trần Thị Ngọc Lan, giám đốc công ty CP Gia Trần liên tiếp có đơn tố cáo Công ty Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bách Đạt (Công ty Bách Đạt) trốn thuế tới các cơ quan chức năng.

Theo hồ sơ bà Ngọc Lan cung cấp, từ năm 2011 công ty Gia Trần đã đầu tư 50 tỷ đồng vào 6 dự án bất động sản của công ty Bách Đạt. Quá trình hợp tác, bà Ngọc Lan phát hiện công ty mình góp vốn liên tiếp thực hiện nhiều phương thức, thủ đoạn để trốn thuế nhà nước, số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Cụ thể, tại dự án khu đô thị 7B tại Điện Nam- Điện Ngọc (Quảng Nam), bằng phương thức bán đất cho khách hàng dưới danh nghĩa Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trả góp hoặc Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất song phương, công ty Bách Đạt đã trốn thuế lên tới 5,4 tỷ đồng. Giá bán xác lập theo các hợp đồng này là giá do Công ty Bách Đạt quy định theo Bảng giá bán thực tế đã thỏa thuận với Công ty Gia Trần cũng như đã ký với Nhà Phân phối Đất Xanh. Khi ra công chứng, Công ty Bách Đạt yêu cầu Khách hàng ký kết Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại cơ quan Công chứng với Đơn giá công chứng thấp hơn nhiều so với Bảng giá bán thực tế. Sau đó Công ty Bách Đạt thu hồi Hợp đồng thực bán và phiếu thu thực bán, giấu đi phần Doanh thu thực bán. Khi khai thuế với Nhà nước thì Công ty Bách Đạt chỉ khai với Doanh thu thấp theo giá trị Hợp đồng công chứng, và từ đó hoàn thành Hành vi trốn thuế và chiếm đoạt số tiền thuế VAT.

Bằng phương thức tương tự, tại dự án Chợ Điện Dương, số tiền công ty Bách Đạt trốn thuế khoảng 730.738.453 đồng, trong đó số tiền thuế VAT bị chiếm đoạt là: 224.773.440đ đồng.

Xác định rõ hành vi trốn thuế của công ty Bách Đạt nhưng cục thuế Đà Nẵng đã viện lý do "lần đầu vi phạm, tự nguyện khai báo, để phạt cho tồn tại.

Xác định rõ hành vi trốn thuế của công ty Bách Đạt nhưng cục thuế Đà Nẵng đã viện lý do "lần đầu vi phạm, tự nguyện khai báo, để phạt cho tồn tại.

Tới sự “vào cuộc” trễ nải, xử lý "nương nhẹ" của ngành thuế

Nhận được đơn tố cáo của công ty Gia Trần, thay vì nhanh chóng “vào cuộc”, áp dụng các biện pháp truy thu tối đa số thuế đã trốn, đã gian lận, đồng thời chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng để điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự thì Cục thuế Đà Nẵng khá “chùng chình”.

Phản ảnh của đơn vị tố cáo cũng như hồ sơ vụ việc cho thấy cơ quan này đã không chủ động mà chỉ “vào cuộc” khi Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) kiến nghị thanh tra, kiểm tra thuế đối với Công ty Bách Đạt. Ngày 23/2/2016, Cục thuế TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định thanh tra đối với Công ty Bách Đạt trong niên độ năm 2013 và năm 2014.

Tuy nhiên, ngay sau đó, việc thanh tra lại tạm hoãn cho mãi tới đến quý III/2016 Cục thuế Đà Nẵng mới tiến hành công tác thanh tra. Ngày 09/6/2016, Đoàn thanh tra của Cục thuế TP Đà Nẵng đã có biên bản xác định tổng số thuế mà Công ty Bách Đạt đã sai phạm phát hiện qua thanh tra là hơn 2,7 tỷ đồng.

Theo đúng quy định và trình tự, Cục thuế TP Đà Nẵng phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp truy thu tối đa số thuế công ty Bách Đạt đã gian lận, đồng thời chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự thế nhưng đơn vị này lại tiếp tục chùng chình. Mãi tới ngày 02/12/2016 Cục Thuế TP Đà Nẵng mới ban hành kết luận Thanh tra và ra Quyết định xử lý với tổng số tiền là hơn 4,2 tỷ đồng, trong đó bao gồm: Truy thu thuế với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng, tiền phạt và tiền chậm nộp là hơn 1,5 tỷ đồng.

Động thái của ngành thuế khá bất thường, nếu như không muốn nói có dấu hiệu tiếp tay, bao che cho công ty Bách Đạt. Hồ sơ vụ việc cho thấy, nghi vấn này hoàn toàn có cơ sở.

Cụ thể, tại kết luận thanh tra thuế số 5235/ CT-KLTTr2 ngày 2/12/2016 do ông Kiều Thế Phong, Phó Cục trưởng Cục thuế TP Đà Nẵng ký còn sai lệch với sự thật khi đơn vị này "biện" lý do: Hành vi trốn thuế của công ty Bách Đạt là vi phạm lần đầu, đã tự nguyện khai báo và tự giác nộp đủ số tiền trốn thuế vào ngân sách nhà nước trước thời điểm ra quyết định xử phạt. Do đó, ngành thuế áp dụng điều 10 nghị định số 129/2013/NĐ-CP để xử phạt hành chính thay vì khởi tố hình sự.

Thế nhưng, hồ sơ vụ việc cho thấy, công ty Gia Trần tố cáo hành vi trốn thuế của công ty Bách Đạt tới cơ quan công an và Cục thuế Đà Nẵng chứ không phải công ty Bách Đạt "tự nguyện khai báo". Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) kiến nghị thanh tra, kiểm tra thuế đối với Công ty Bách Đạt thì ngành thuế mới kiểm tra và phát hiện sai phạm đúng như đơn tố cáo của công ty Gia Trần. Quyết định thanh tra thuế được ban hành ngày 32/2/2016 nhưng đến 6 tháng sau ngày 9/6/2016 mới có Biên bản thanh tra thuế. Việc “tạo thời gian” này của ngành thuế đã giúp công ty Bách Đạt nộp tiền khắc phục bằng đúng số tiền mà sau đó biên bản thanh tra đề cập ở trên. Sau khi có biên bản thanh tra, mãi tới 6 tháng sau, ngày 2/12/2016 Cục thuế Đà Nẵng mới ra quyết định xử phạt hành chính và không chuyển hồ sơ sang cơ quan công an như luật định. Như vậy, rõ ràng cục thuế Đà Nẵng đã cố ý cho công ty Bách Đạt thời gian để hợp thức hóa và nượng nhẹ khi xử lý hành vi trốn thuế của doanh nghiệp này.

Thêm vào đó, Cục thuế Đà Nẵng cũng không mở rộng điều tra tình hình chấp hành pháp luật thuế ở các dự án khác của công ty Bách Đạt mà chỉ điều tra trên hồ sơ công ty Gia Trần cung cấp. "Chỉ riêng một Dự án 7B thôi, số tiền công ty Bách Đạt trốn thuế lớn hơn số tiền mà chúng tôi phát hiện, tố cáo. Tổng số đất nền kinh doanh của Dự án 7B là: 171.263m2, đến ngày 13/8/2014 Công ty Bách Đạt đã ra sổ đỏ cho 616 lô, tương đương 82.405,01m2. Các sổ đỏ này sẵn sàng cho việc chuyển nhượng cho Khách hàng. Tuy số liệu thực tế Công ty Bách Đạt bán ra nhiều hơn, nhưng chúng tôi chỉ tìm hiểu được số liệu của 163 lô đã bán, tương đương 19.147m2 (chiếm chỉ 12% dự án)", bà Trần Thị Ngọc Lan cho biết.

Bà Lan cũng bức xúc đặt nghi vấn: "Vì sao Cục thuế Đà Nẵng không chủ động phát hiện tội phạm trốn thuế, khi chúng tôi tố cáo và cung cấp hồ sơ rồi vẫn ưu ái công ty Bách Đạt như vậy. Thử hỏi, pháp luật như vậy có được ngành thuế thực hiện nghiêm minh hay không, có tạo tiền lệ xấu hay không khi các doanh nghiệp khác có thể nhìn vào Bách Đạt có thể trốn thuế rồi chờ phát hiện lại được phạt cho tồn tại".

Trong khi đó, lý giải cho sự “khác thường” này, tại văn bản số 3470/CT-TTr2 ngày 29/8/2018 gửi Ngày Nay Online do Phó Cục trưởng Cục thuế Đà Nẵng Kiều Thế Phong ký đã đổ lỗi cho “nguyên nhân khách quan”.

Ngày 15/6/2016, Cục Thuế TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an báo cáo kết quả thanh tra và xin ý kiến xử lý. Đến ngày 07/10/2016, Cục Thuế TP Đà Nẵng tiếp tục có văn bản nhắc Bộ Công an cho hướng xử lý hành vi của Công ty để Cục Thuế kết luận thanh tra theo quy định.

Sau khi đợi quá lâu không có ý kiến phản hồi của Bộ Công an, ngày 02/12/2016 Cục Thuế TP Đà Nẵng đã ban hành kết luận Thanh tra và ra Quyết định xử lý với tổng số tiền là hơn 4,2 tỷ đồng, trong đó bao gồm: Truy thu thuế với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng, tiền phạt và tiền chậm nộp là hơn 1,5 tỷ đồng”, văn bản của Cục thuế Đà Nẵng gửi Ngày Nay Online cho biết.

Được biết, trước dấu hiệu bất thường trong công tác thanh kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm pháp luật thuế của công ty Bách Đạt, mới đây Tổng cục Thuế tiếp tục yêu cầu Cục thuế TP Đà Nẵng kiểm tra, làm rõ những tố cáo của công ty Gia Trần về hành vi trốn thuế của công ty Bách Đạt, báo cáo về Tổng cục Thuế, đồng thời chuyển các nội dung không thuộc thẩm quyền của Cơ quan Thuế đến các cơ quan chức năng khác có liên quan để xử lý theo quy định.

Tổng cục Thuế cần lật lại hồ sơ sự việc để làm rõ xem Cục thuế Đà Nẵng vì sao lại bao che, tiếp tay cho doanh nghiệp trốn thuế?

Cần nói thêm rằng, trước tình trạng doanh nghiệp vi phạm pháp luật về thuế gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội, với trách nhiệm là cơ quan “gác cổng”, kiểm tra kiểm soát nguồn thu thuế của Nhà nước, ngành thuế đã có nhiều chỉ đạo hệ thống cơ quan quản lý thuế ở các địa phương tăng cường kiểm tra kiểm soát và xử lý nghiêm minh hành vi trốn thuế của doanh nghiệp, nhất là các vụ việc lớn, số tiền trốn thuế nhà nước lên tới nhiều tỷ đồng.

Cục thuế Đà Nẵng có đi ngược lại tinh thần này của Bộ Tài Chính, Tổng cục Thuế, gián tiếp để lọt tội phạm trong lĩnh vực thuế hay không, có uẩn khúc gì phía sau vụ việc này, đề nghị Tổng cục Thuế và Bộ Công an chính thức “vào cuộc”, kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh theo đúng các quy định của pháp luật, tránh để lọt tội phạm, gây tiền lệ xấu cho môi trường kinh doanh.

Ngày Nay tiếp tục cập nhật thông tin.

Theo điều 161 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009, người nào trốn thuế với số tiền từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.

Phạm tội trốn thuế với số tiền từ ba trăm triệu đồng đến dưới sáu trăm triệu đồng hoặc tái phạm về tội này, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Phạm tội trốn thuế với số tiền từ sáu trăm triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Anh Phương- Cương Nguyễn

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/kinh-te/uan-khuc-viec-cuc-thue-da-nang-nuong-nhe-doanh-nghiep-tron-thue-126531.html