UB Xã hội họp phiên toàn thể lần thứ 7: Góp ý kiến với tinh thần trách nhiệm cao

Từ 28-30/9, tại TP.HCM, Ủy ban Xã hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 7, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, với chương trình làm việc từ ngày 28-30/9, Ủy ban Xã hội sẽ cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Đây là hai dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Ba và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật vào tháng 8 và tháng 9 vừa qua.

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các thành viên Ủy ban tại phiên họp này, các dự thảo Luật sẽ tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Ủy ban Xã hội cũng thẩm tra 5 báo cáo của Chính phủ về: Việc quản lý và sử dụng quỹ Bảo hiểm Y tế năm 2021; Việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về nội dung phòng, chống Covid-19; Việc thực hiện chế độ, chính sách Bảo hiểm Xã hội, việc quản lý và sử dụng quỹ Bảo hiểm Xã hội năm 2021; Việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022; Tình hình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững từ tháng 7/2021 đến nay.

Cùng với đó, các thành viên Ủy ban cũng sẽ cho ý kiến về việc thực hiện các Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 về lĩnh vực y tế, dân số, lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội; việc thực hiện Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV đối với lĩnh vực y tế và lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội.

Ủy ban Xã hội cũng sẽ xem xét, thông qua dự kiến Chương trình giám sát của Ủy ban năm 2023; cho ý kiến Báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm Xã hội giai đoạn 2016-2021; Báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội và các biện pháp cấp bách liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thuộc lĩnh vực Ủy ban Xã hội phụ trách.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị, các thành viên Ủy ban tiếp tục phát huy trí tuệ, tập trung thảo luận, đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao để có bảo đảm chất lượng tốt nhất các nội dung trình Quốc hội.

Mục tiêu chính của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là lấy người bệnh làm trung tâm

Tại phiên họp ngày 28/9, trước khi thảo luận, các đại biểu đã nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận về nội dung dự thảo luật này.

Tham dự phiên họp toàn thể lần thứ 7, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Văn Cường - đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho hay, hệ thống cấp cứu là hệ thống yếu nhất trong khám chữa bệnh ở Việt Nam. "Tôi đề nghị cần có lộ trình để bảo hiểm y tế thanh toán chi phí vận chuyển", ông Cường đề nghị.

Về khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa, theo ông Cường việc này đặc biệt hiệu quả trong thời gian dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, nếu không xảy ra dịch bệnh và thu phí thì mọi người sẽ sử dụng rất ít.

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội góp ý. Về điều 4 của chính sách nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, mặc dù trong dự thảo luật đưa ra nhiều chính sách khám bệnh, chữa bệnh như: miễn giảm trong khám bệnh, chữa bệnh, cấp cứu ngoại viện, chính sách đãi ngộ về khám bệnh, chữa bệnh... đây đều là những chính sách cần có, tuy nhiên lại thiếu hướng dẫn để thực hiện bởi vẫn chung chung.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cảm ơn các đại biểu đã có ý kiến tham gia tích cực.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế

Người đứng đầu Bộ Y tế cũng cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi trong bối cảnh Quốc hội và Chính phủ cũng đang sửa đổi rất nhiều luật khác. Chính vì vậy, có những vấn đề xử lý trong luật này và có những vấn đề phải xử lý đồng hành trong những luật khác. Đơn cử như vấn đề đấu thầu, giá, bởi ngoài giá khám, chữa bệnh, đấu thầu quy định trong ngành y, có những nguyên tắc, nguyên lý của Luật Giá, Luật Đấu thầu.

Trước những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết với trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Xã hội của Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý.

"Mục tiêu của chúng tôi khi xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) này để sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009. Đó là cách tiếp cận lấy người bệnh là trung tâm, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Đây là mục tiêu chính của Luật Khám bệnh, chữa bệnh khi sửa đổi", Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.

Theo Quyền Bộ trưởng, đến nay, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 chỉ còn một điểm chưa hoàn thiện đó là vấn đề quy chuẩn quốc gia chưa có hướng dẫn nên còn khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, còn lại các nội dung khác đã được triển khai, hướng dẫn.

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho rằng, việc xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trong bối cảnh liên quan đến rất nhiều quy định của các luật khác. Đơn cử về luật giáo dục, chẳng hạn như ngày xưa ngành y chỉ có một số cơ sở trường y của ngành y tế đào tạo nhưng bây giờ có nhiều bộ ngành, lĩnh vực khác cũng đào tạo. Cho nên vấn đề đặt ra là làm sao để kiểm soát được chất lượng đào tạo ngành y để người dân được khám những bác sĩ có chất lượng.

Kết luận buổi thảo luận cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, vào giai đoạn này tất cả các cơ quan soạn thảo, kiểm tra đều đang giúp việc cho Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý và giải trình theo ý kiến của đại biểu quốc hội. Ủy ban Xã hội của Quốc hội sẽ phối hợp với Bộ Y tế tiếp thu, chỉnh lý thấu đáo để có một dự thảo tốt nhất để báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4 tới.

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội; Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ub-xa-hoi-hop-phien-toan-the-lan-thu-7-gop-y-kien-voi-tinh-than-trach-nhiem-cao-post229989.gd