Uber, Grab khuyến mại chưa chắc là cạnh tranh không lành mạnh

Nhấn mạnh việc Uber, Grab phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, nhưng đại diện Bộ Công Thương không khẳng định 2 đơn vị này vi phạm cạnh tranh.

Nhấn mạnh việc Uber, Grab phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, nhưng đại diện Bộ Công Thương không khẳng định 2 đơn vị này vi phạm cạnh tranh. Ảnh: Internet

Nhấn mạnh việc Uber, Grab phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, nhưng đại diện Bộ Công Thương không khẳng định 2 đơn vị này vi phạm cạnh tranh. Ảnh: Internet

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương tổ chức ngày 14/7, trước câu hỏi liên quan tới chuyện quản lý hoạt động của loại hình taxi Uber, Grab, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận, mô hình kinh doanh mới này vừa ra đời trước hết người tiêu dùng là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên.

Khi được hỏi về nhận định của Bộ Công Thương (cụ thể là Cục Quản lý cạnh tranh và Cục Xúc tiến thương mại) về việc Uber và Grab liên tục khuyến mại gây mất bình đẳng trong cạnh tranh, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, việc doanh nghiệp liên tục khuyến mại không có nghĩa là vi phạm.

"Các doanh nghiệp có thể có nhiều khuyến mại nhưng vẫn phải đăng ký và tuân thủ đúng theo quy định pháp luật", ông Hải nói.

Ông Hải còn cho biết, về phía Bộ Công Thương, Bộ rất quan tâm đến tính cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng của hai loại hình kinh doanh này. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng giám sát hai loại hình này ở hai lĩnh vực mà Ngành quản lý.

Trước đó, cuối tháng 5/2017 Hiệp hội Taxi Hà Nội và Hiệp hội Taxi Việt Nam đã có công văn gửi Cục Xúc tiến thương mại, khiếu nại việc Uber và Grab vi phạm Luật Cạnh tranh khi liên tục đưa ra chương trình giảm giá, khuyến mại. Các Hiệp hội này cũng đưa ra hàng loạt ví dụ cho thấy Grab vi phạm quy định tổng thời gian giảm giá trong một năm không vượt quá 90 ngày, vi phạm quy định thời gian tối đa cho một chương trình giảm giá là 45 ngày, cũng như vi phạm quy định tổng giá trị hàng hóa dịch vụ dùng để khuyến mại không vượt quá 50% tổng giá trị hàng dùng để khuyến mại...

Theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Việt Nam, việc 2 đơn vị này bỏ cả nghìn tỷ đồng để khuyến mại, giảm giá nhằm thôn tính thị phần, "ép chết" doanh nghiệp taxi truyền thống.

Theo một tính toán của đơn vị này, thị phần số cuốc xe taxi của các hãng truyền thống đã giảm tới 60%, một lượng lớn khách hàng chuyển từ đi taxi sang xe ôm Uber hay Grab.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Ban Pháp chế của VCCI, sở dĩ các doanh nghiệp taxi truyền thống không cạnh tranh được với Uber, Grab còn vì các doanh nghiệp này đang phải chịu gánh nặng chi phí đầu tư vào thủ tục hành chính gây tốn kém, chứ không hẳn là do lỗi của Uber hay Grab.

Có chung quan điểm này, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để phán xét Uber hay Grab có vi phạm pháp luật về cạnh tranh hay không thì cần các chuyên gia phân tích, mổ xẻ kỹ lưỡng, bởi vấn đề này đang nằm giữa ranh giới có hay không bảo đảm tính cạnh tranh.

Diệu An (Tổng hợp)

Pháp luật Net

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/thuong-hieu/uber-grab-khuyen-mai-chua-chac-la-canh-tranh-khong-lanh-manh