UBND cấp tỉnh linh hoạt trong sử dụng kết quả đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật

Theo Bộ Tư pháp, thời hạn thực hiện đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và xã đạt chuẩn nông thôn mới hiện nay quy định có điểm 'vênh'.

Ngày 17-10-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1980/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, một trong những điểm mới quan trọng của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 là đã bổ sung vào tiêu chí thứ 18 “Hệ thống chính trị và pháp luật” tiêu chí thành phần 18.5 về “Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định”.

Với quy định này, lần đầu tiên chuẩn tiếp cận pháp luật được xác định và trở thành một trong nội dung của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Điều đó có nghĩa là kết quả xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một trong các tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo Bộ Tư pháp, đây là cơ sở quan trọng nhằm gắn kết, thực hiện toàn diện các mục tiêu, nội dung xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg; tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân tại cơ sở, nâng cao nhận thức pháp luật, giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật. Đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, cán bộ, công chức cấp xã; đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật. Khẳng định vai trò của pháp luật và ngành Tư pháp trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy, giữa thời hạn thực hiện đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và xã đạt chuẩn nông thôn mới hiện nay quy định có điểm “vênh”. Cụ thể việc đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ của chính quyền cấp xã tính trong 1 năm từ ngày 1-1 đến ngày 31-12 hằng năm. Còn việc đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới được thực hiện mang tính “động”. Do đó, trên thực tế có thể phát sinh tình trạng chờ đợi trong đánh giá, công nhận đạt chuẩn các tiêu chí này.

 Ảnh minh họa: Các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật là căn cứ để xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có tác động trực tiếp đến thực hiện toàn diện mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân mà Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 đề ra.

Ảnh minh họa: Các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật là căn cứ để xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có tác động trực tiếp đến thực hiện toàn diện mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân mà Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 đề ra.

Khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Tư pháp cho biết, tại Điều 6 Thông tư số 07/2017/TT-BTP, Bộ Tư pháp đã có quy định mang tính giải pháp. Đó là: Trong trường hợp việc đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới được tổ chức đồng thời với đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì sử dụng kết quả đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm đánh giá để xét, đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong trường hợp việc đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới được tổ chức trước thời điểm đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì UBND cấp tỉnh quyết định sử dụng kết quả đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm trước liền kề năm đánh giá hoặc sử dụng kết quả của năm đánh giá nhưng phải tuân thủ quy định tại Quyết định số 619/QĐ-TTg.

Ví dụ: Xã A thuộc diện đăng ký để đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019. Đến tháng 6-2019, xã đã tiến hành đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí về xã nông thôn mới, trong khi việc đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải chờ đến cuối năm để bảo đảm quy định về kết quả thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật phải tròn 1 năm tính từ ngày 1-1 đến 31-12-2019. Do vậy, để xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, có thể sử dụng kết quả đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm 2018 hoặc nếu sử dụng kết quả của năm 2019 thì phải chờ kết quả xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Việc sử dụng kết quả của năm 2018 hoặc năm 2019 sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Với vai trò là cơ quan đầu mối tham mưu, giúp UBND cùng cấp tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương, Bộ Tư pháp lưu ý, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch cần chú trọng, bám sát hướng dẫn nêu trên để tham mưu thực hiện.

Nguyên An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ubnd-cap-tinh-linh-hoat-trong-su-dung-ket-qua-danh-gia-chuan-tiep-can-phap-luat-160026.html