UBND huyện Yên Lập: Tín hiệu tích cực từ công tác dồn đổi đất nông nghiệp

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 61- NQ/HU ngày 16/3/2017 về công tác dồn đổi đất nông nghiệp, đến thời điểm này, huyện Yên Lập có 9/17 xã, thị trấn triển khai thực hiện, trong đó, có 8 xã, thị trấn xây dựng được mô hình về dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp.

Những tín hiệu tích cực trong công tác dồn đổi ruộng đất tại huyện Yên Lập. Ảnh: TL

Thực hiện Nghị quyết số 08 - NQ/TU ngày 15/4/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ. UBND huyện đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 61- NQ/HU ngày 16/3/2017 về công tác dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đến năm 2020. Sau hơn 2 năm thực hiện, đến thời điểm này, huyện Yên Lập có 9/17 xã, thị trấn triển khai thực hiện, trong đó, có 8 xã, thị trấn xây dựng được mô hình về dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp.

Hiện tại, có 4 xã: Mỹ Lung, Hưng Long, Đồng Thịnh và thị trấn Yên Lập đã xây dựng phương án dồn đổi ruộng đất của xã, của khu dân cư và đang triển khai thực hiện dồn đổi gần 110ha; 5 xã: Mỹ Lung, Ngọc Đồng, Xuân Thủy, Mỹ Lương, Ngọc Lập thực hiện 8 mô hình tích tụ, tập trung đất đai với tổng diện tích hơn 70ha.

Đối với xã Mỹ Lung, UBND huyện đã phê duyệt phương án dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai tại đồng Soi Chinh, khu 9, với tổng diện tích thực hiện 10,79 ha, tổng số hộ đăng ký thực hiện dồn đổi là 53 hộ/197 thửa. Số thửa còn lại sau dồn đổi 60 thửa/48 hộ (giảm 137 thửa).

Những khu vực dồn đổi, đã xây dựng tuyến kênh chính và kênh nội đồng, giao thông nội đồng bằng bê tông xi măng. Thị trấn Yên Lập thực hiện dồn đổi, tích tụ ở 2 khu vực với tổng diện tích hơn 76ha. Sau khi dồn đổi thị trấn đã chỉ đạo các hộ tham gia tổ chức sản xuất tập trung, quy trình kỹ thuật, cùng giống lúa chất lượng cao J02.

Xã Ngọc Đồng triển khai 3 mô hình như: Mô hình trang trại nuôi lợn công nghệ cao của hộ bà Nguyễn Thị Liên tại khu 10, doanh thu gần 1 tỷ đồng /năm. Mô hình trồng cây dược liệu tại khu 8 của hộ ông Lương Văn Doanh. Mô hình trang trại tổng hợp của hộ ông Nguyễn Văn Giang tại khu 7...

Xã Xuân Thủy thực hiện dự án trồng cây ăn quả có múi (cây bưởi Diễn) diện tích 10ha tại các khu 2, khu 3 và khu 4 với 19 hộ tham gia; mô hình trang trại nuôi gà mía thương phẩm của hộ ông Nguyễn Đức Thịnh với thu nhập trên 600 triệu đồng/năm…Từ đó, giá trị tăng thêm nông - lâm nghiệp, thủy sản tăng 6,03%, mỗi một ha bình quân đạt 101,95 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 23,7 triệu đồng/người/năm.

Trên tinh thần chỉ đạo không bằng mọi giá để thực hiện xong việc dồn đổi đất đai mà phải có sự đồng thuận, ủng hộ cao của người dân; UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, xã, thị trấn tổ chức thực hiện, trong đó chú trọng tới công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện, tự giác thực hiện.

Các xã, thị trấn triển khai xây dựng kế hoạch dồn điền đổi thửa phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch nông thôn mới.

Đồng thời đầu tư hạ tầng như giao thông, thủy lợi gắn với dồn đổi tích tụ và tập trung đất đai, tạo tiền đề đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy quá trình phân công lại lao động, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thành công lớn nhất ở đây là tư tưởng, nhận thức của nhân dân đã có những chuyển biến tích cực, nhiều hộ gia đình, cá nhân chủ động tự dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiêp.

Mặc dù nhân dân đã tích cực triển khai thực hiện dồn đổi theo đúng chủ trương, kế hoạch, song việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở một số nơi lại chậm chễ, gây bức xúc cho nhân dân. Thành viên tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo dồn đổi cấp huyện chưa chủ động kiểm tra đôn đốc hướng dẫn các xã xây dựng và thực hiện phương án dồn đổi cũng như tổng hợp báo cáo tiến độ thực hiện của xã được phân công phụ trách…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền còn hạn chế; hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được các yêu cầu sản xuất của địa phương; bên cạnh đó đặc thù của huyện phần lớn là ruộng bậc thang, không đồng nhất về tính chất đất đai; diện tích trên một thửa đất không lớn, dân cư phân tán, không tập trung dẫn đến việc canh tác của nhân dân còn khó khăn.

Nhận thức của một bộ phận người dân về công tác dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai còn hạn chế vẫn mang nặng tư tưởng tập quán canh tác cũ…

Nhiệm vụ giải pháp đến năm 2020 được huyện đề ra để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác dồn đổi ruộng đất đó là: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; rà soát xây dựng lại các chỉ tiêu; duy trì các mục tiêu đã đạt được; tập trung kinh phí từ các nguồn lực, đặc biệt là từ nguồn xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng cho các khu vực thực hiện dồn đổi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng phương án cụ thể từng khu vực; mỗi xã phải đăng ký xây dựng 1 mô hình phát triển nông nghiệp gắn với dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai…

Với những phương án cụ thể đó, hy vọng thời gian tới huyện Yên Lập sẽ đạt kết quả cao trong công tác dồn đổi, tích tụ ruộng đất theo tinh thần Nghị quyết của tỉnh và huyện đã đề ra.

Vũ Lân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ubnd-huyen-yen-lap-tin-hieu-tich-cuc-tu-cong-tac-don-doi-dat-nong-nghiep-post70049.html