UBND tỉnh Gia Lai vào cuộc vụ phá rừng quy mô lớn

Ngày 23/7, UBND tỉnh Gia Lai vừa có văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý việc khai thác rừng trái phép quy mô lớn xảy ra trên địa bàn giáp ranh giữa hai huyện Kông Chro và Ia Pa.

Trong văn bản UBND tỉnh Gia Lai giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp cùng UBND các huyện Kông Chro, Ia Pa chỉ đạo các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng kiểm tra thực tế, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng phá rừng xảy ra trên địa bàn giáp ranh giữa hai huyện Kông Chro và Ia Pa. UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu khẩn trương triển khai và báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 25/7/2019.

Liên quan đến vụ khai thác gỗ trái phép, đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa cho biết, đơn vị đã đi kiểm tra nhưng “không phát hiện gì”, chỉ có vết xe độ và trâu bò kéo.

Trong khi đó theo định vị từ phần mềm điện thoại cũng như khẳng định của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro thì xã Ia Tul (huyện Ia Pa) là nơi rừng bị khai thác trái phép nghiêm trọng nhất với hàng trăm thân gỗ từ đường kính 80cm bị đốn hạ.

Những cây gỗ có đường kính lớn bị đốn hạ.

Ông Trần Hùng Anh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Kông Chro cho biết, đơn vị đã đi kiểm tra trên địa bàn của huyện Kông Chro, phát hiện ban đầu có 7 gốc đốn hạ (gần 16m3 gỗ tròn). Sau khi gỗ được xẻ thành các hộp vuông, lâm tặc dùng trâu kéo về hướng huyện Ia Pa.

Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện 20 con trâu dùng để kéo gỗ về trại tập kết cách “trại bà Lan” khoảng 700m (nghi là nơi tập kết gỗ lậu). Hiện Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro đã báo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai để chỉ đạo ngành chức năng tháo dỡ “trại bà Lan” vì dựng trái phép trên đất lâm nghiệp. Việc này phải làm quyết liệt để giữ rừng Kông Chro.

Trước đó, phóng viên Báo NNVN đã thâm nhập hiện trường vụ khai thác gỗ được xem là “khủng” nhất tỉnh Gia Lai từ trước đến nay. Bắt đầu từ xã Đắk Plinh (huyện Kông Chro) đi theo đường rừng hơn 15 km, tại nơi giáp ranh giữa 2 huyện Kông Chro và Ia Pa, chúng tôi đã bắt gặp những cây gỗ quý như sao xanh, giổi… đã bị lâm tặc đốn hạ, hiện trường còn lại là những gốc cây nằm trơ trọi. Thậm chí có cây gỗ với đường kính hơn 1m cũng bị lâm tặc đốn hạ, rồi xẻ hộp mang đi.

Chưa kể, hàng chục cây gỗ nằm ngổn ngang mà lâm tặc chưa kịp mang đi khiến chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi quy mô phá rừng khủng khiếp. Được biết, khi lâm tặc đốn hạ gỗ đủ số lượng sẽ đưa ra khỏi rừng về hướng xã Ia Tul (huyện Ia Pa).

Khả năng lâm tặc đốt gỗ để phi tang.

Chỉ trong vài giờ thâm nhập, chúng tôi đã ghi nhận có hơn 100 cây gỗ đốn hạ, đây đều là những cây gỗ quý, có đường kính hơn 1m, chiều dài vài chục m. Những cây bị đốn hạ nằm rải rác chứ không tập trung ở một khu nhất định.

Tiếp tục theo dấu vết của những chiếc xe độ chế để kéo gỗ, chúng tôi tới khu vực ven suối, nơi đây được xác định là bãi tập kết gỗ trước khi được vận chuyển đi. Bãi tập kết được làm bằng gỗ lợp mái tôn, có gác. Trại này bên trong có rất nhiều chiếc võng đã móc sẵn, bình ắc quy dùng để sạc điện…Theo tìm hiểu, đây là “trại bà Lan” nơi lâm tặc sinh hoạt, nghỉ ngơi trước khi trở lại rừng khai thác gỗ.

Trao đổi với phóng viên vào chiều ngày 23/7, ông Trần Cao Nguyên, Bí thư Huyện ủy Kông Chro cho biết, đã chỉ đạo lực lượng chức năng đi kiểm tra thực tế. Ngoài những vị trí mà phóng viên cung cấp thì huyện cũng chỉ đạo kiểm tra một số nơi rừng khác trên địa bàn huyện. Hiện vẫn chưa có báo cáo kết quả cụ thể.

Tuấn Anh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ubnd-tinh-gia-lai-vao-cuoc-vu-pha-rung-quy-mo-lon-post245989.html