UBND tỉnh Hà Giang không làm đúng quy hoạch của Chính phủ

Năm 2017, Chính phủ từng chỉ đạo không xây dựng mới, bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ Đồng Văn, khu di tích Đồn Cao, cột cờ Lũng Cú, hình thành không gian có giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng của Cao nguyên đá Đồng Văn. Nhưng UBND tỉnh Hà Giang đang làm ngược khi liên tiếp cho xây dựng hai dự án mang tên: Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú và Dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao, huyện Đồng Văn.

Chính phủ yêu cầu bảo tồn còn tỉnh lại cho xây mới

Bộ VH-TT&DL vừa có ký Công văn số 4316/BVH-TT&DL-DSVH gửi UBND tỉnh Hà Giang đề nghị địa phương này kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những sai phạm ở hai dự án: Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú và Dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Công văn nêu rõ, Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú đề xuất sử dụng một phần diện tích đất thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú và Dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ II của di tích Phố cổ Đồng Văn, huyện Đồng Văn...

Ngày 7-4-2017, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, đến năm 2030. Các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc là vùng bảo tồn di sản địa chất với 30 cụm di sản.

Vùng bảo vệ cảnh quan, danh lam thắng cảnh có tổng diện tích 2.564 ha, gồm các khu vực bảo vệ cảnh quan Mã Pì Lèng và di tích Cột cờ Lũng Cú. Khu vực bảo vệ cảnh quan Mã Pì Lèng có diện tích 796,3 ha. Khu bảo vệ cảnh quan di tích Cột cờ Lũng Cú, diện tích 101,5 ha, bao gồm phạm vi Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia Cột cờ Lũng Cú và khu vực phụ cận. Bảo vệ hệ sinh thái trên núi đá vôi kết hợp bảo tồn di tích Cột cờ Lũng Cú, cột mốc biên giới phía Bắc, phát triển du lịch tham quan, dã ngoại. Khu phố cổ Đồng Văn, làng văn hóa Quyết Tiến, khu di tích Đồn Cao tại thị trấn Đồng Văn được coi là công viên địa văn hóa, lịch sử.

Tại các khu vực này, Chính phủ chỉ đạo, hạn chế xây dựng mới, bảo tồn, tôn tạo các công trình văn hóa, lịch sử hiện có. Nâng cấp, cải tạo hạ tầng các điểm dân cư nông thôn gắn với các hoạt động sản xuất, phát triển du lịch sinh thái, homestay, đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực tới cảnh quan môi trường tự nhiên.

Nhưng chưa đầy một năm khi quy hoạch chính thức có hiệu lực, UBND tỉnh Hà Giang đã đồng ý cho thực hiện hai dự án: Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú và Dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao. Trong đó, Dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú triển khai tại xã Lũng Cú có tổng diện tích sử dụng hơn 75ha đang triển khai tại xã Lũng Cú do Cty CP Phúc Lộc Hà Giang làm chủ đầu tư với tổng vốn dự kiến hơn 800 tỷ đồng gồm 2 hạng mục chính: khu tâm linh chùa Lũng Cú (diện tích 70,5ha) và đại tượng Phật (diện tích khoảng 4,5ha).

Tháng 4 và tháng 6-2018, Bộ VH-TT&DL từng có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Giang nói rõ, trong phạm vi thực hiện dự án có di tích Cột cờ Lũng Cú với giá trị nhiều mặt về lịch sử và danh lam thắng cảnh, bao gồm các yếu tố cần được bảo vệ như: Cột cờ Lũng Cú được xây dựng trên đỉnh núi Rồng, 2 hồ nước (mắt Rồng) ở hai bên núi Rồng, cảnh quan núi Rồng và hệ sinh thái trên núi đá vôi... Vì vậy, để hạn chế tác động tới giá trị di tích Cột cờ Lũng Cú cũng như cảnh quan môi trường của di tích, Bộ VH-TT&DL đề nghị tỉnh Hà Giang không xây dựng các công trình và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong khu vực bảo vệ di tích Cột cờ Lũng Cú...

Bộ VH-TT&DL cũng yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành, trong đó, cần đề xuất được những giải pháp bảo vệ môi trường nhằm tránh gây ảnh hưởng tới di tích Cột cờ Lũng Cú và hoạt động phát triển du lịch tại Công viên địa chất toàn cầu và Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn…

Sau các văn bản của Bộ VH-TT&DL, dự án vẫn được chủ đầu tư tiến hành.

Một góc dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú. Ảnh: V.N.N

Một góc dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú. Ảnh: V.N.N

Khu di tích Đồn Cao hình thành ngược quy hoạch

Theo Quy hoạch của Chính phủ về xây dựng bốn đô thị - trung tâm du lịch, thị trấn Đồng Văn chính là Trung tâm du lịch văn hóa lịch sử, diện tích tự nhiên 3.038 ha. Dân số hiện trạng 6.388 người, dự báo đến năm 2020 khoảng 8.000 - 9.000 người, đến năm 2030 khoảng 10.000 - 11.000 người. Đây được coi là trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng, tỉnh Hà Giang nói chung.

Thị trấn Đồng Văn nằm trong vùng bảo tồn và khu vực đặc thù gồm các khu vực có giá trị địa chất, các khu vực có giá trị bảo vệ cảnh quan, môi trường, các khu vực rừng phòng hộ. Chính vì vậy Chính phủ chỉ đạo không xây dựng mới, bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ Đồng Văn, làng văn hóa Quyết Tiến, khu di tích Đồn Cao, hình thành không gian có giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng của Cao nguyên đá Đồng Văn.

Như vậy, khu di tích Đồn Cao không được xây công trình mới nhưng trên thực tế nó đã được UBND tỉnh Hà Giang đồng ý cho một dự án khác mang tên: Dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao ra đời với lời quảng cáo sẽ có hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ, quầy bar… trên đỉnh núi. Dự kiến sẽ có 3.500 khách/ngày. Không chỉ vi phạm quy hoạch của Chính phủ, theo Bộ VH-TT&DL, dự án này còn nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ II của di tích Phố cổ Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Chuyên gia phong thủy Lương Ngọc Huỳnh không khỏi lo lắng khi gần đây hàng loạt công trình tâm linh thi nhau xây dựng trên những quả núi có phong thủy tốt. Từ đó đã phá vỡ phong thủy không chỉ với địa phương mà còn ảnh hưởng đến cả khu vực rộng lớn. Những vị trí được coi là địa linh, thay vì được giữ nguyên nhằm phát huy hết sự linh thiêng của mình thì lại bị con người đào xới và ấn vào đó những công trình, những nhà vệ sinh phục vụ hàng ngàn du khách. Lâu ngày các chất ố tạp thẩm thấu dần xuống sâu phía dưới, ngăn chặn sự sinh sôi của long mạch. Chính vì vậy, các đỉnh núi cao của đất nước cần được bảo vệ bằng mọi giá. Đó chính là nơi linh khí thiên địa hàng triệu năm tuôn chảy mang lại vận khí cho sự sinh sôi vùng hạ lưu.

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ubnd-tinh-ha-giang-khong-lam-dung-quy-hoach-cua-chinh-phu-168080.html