UBND tỉnh họp, cho ý kiến về Đề án phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Sáng nay, 11/5, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp trực tuyến nghe và cho ý kiến vào dự thảo Đề án Hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.

Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Dự thảo Đề án Hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 do Ban Dân tộc tỉnh tham mưu xây dựng gồm 15 mục tiêu và 28 chỉ tiêu. Đề án dự kiến thực hiện tại 86 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ninh với tổng kinh phí gần 6.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2020-2025. Trong đó tập trung ưu tiên đối với các xã, thôn mới hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK giai đoạn 2017 - 2020 và các xã, thôn biên giới trên địa bàn tỉnh.

Qua đánh giá thực trạng phát triển KT-XH của các xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, Đề án đưa ra các chỉ tiêu, lộ trình, nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Từ đó từng bước cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 của Quốc hội phù hợp với thực tiễn Quảng Ninh.

Tại cuộc họp, các địa phương, sở, ngành đề nghị Ban Dân tộc tỉnh điều chỉnh, bổ sung một số nội dung như: Thêm vùng biên giới, hải đảo vào tên Đề án; giảm chỉ tiêu về tỷ lệ dân số vùng đồng bào DTTS và miền núi sử dụng nước sạch nông thôn quá cao so với thực tế; tăng nguồn vốn vay dành cho phát triển sản xuất vì tiêu chí xây dựng hiện quá thấp so với nhu cầu của đồng bào; nghiên cứu, khảo sát thêm tiêu chí môi trường để điều chỉnh hợp lý.

Một số ý kiến tại cuộc họp cũng đề nghị Đề án cần có thêm giải pháp về đảm bảo quốc phòng an ninh và ứng dụng, chuyển giao KHCN; gắn nhiệm vụ bảo tồn văn hóa dân tộc vùng đồng bào DTTS và miền núi để phát triển du lịch; rà soát kỹ các hạng mục công trình cần đầu tư, tránh dàn trải…

Nhấn mạnh về ý nghĩa quan trọng của Đề án đối với sự phát triển của đồng bào DTTS và miền núi, hải đảo, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng Đề án cần phải tập trung nâng cao chất lượng đời sống người dân theo hướng nông thôn mới và nông thôn kiểu mẫu. Đồng chí yêu cầu Ban Dân tộc rà lại các chỉ tiêu theo quy định chung để điều chỉnh bổ sung vào Đề án cho phù hợp. Trong đó, lưu ý một số nội dung về nâng cấp hệ thống điện cho vùng này để phát triển KT –XH; cứng hóa hệ thống giao thông; phát triển sản xuất phải theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với ứng dụng thành tựu của KHCN để nâng giá trị sản phẩm. Ngoài ra, Đề án cũng cần nâng cao tiêu chí cứng hóa nhà vệ sinh, môi trường nông thôn để cải thiện chất lượng đời sống của đồng bào. Về nguồn vốn thực hiện, cần xem xét đảm bảo phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tiễn để phát huy hiệu quả, tránh tình trạng dàn trải, manh mún.

Đồng chí cũng yêu cầu: Đề án cần căn cứ vào tờ trình của Chính phủ, các tiêu chí của Quốc hội về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi; tuy nhiên, không rập khuôn mà phải bám sát vào tình hình thực tiễn và mục tiêu phát triển của tỉnh để xây dựng. Các địa phương được hưởng lợi từ Đề án này phải rà soát và đăng ký lại danh mục công trình đầu tư cũng như phát triển sản xuất để đảm bảo tính hiệu quả của Đề án. Ban Dân tộc tỉnh tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện dự thảo Đề án báo cáo Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến vào ngày 20/5 tới.

Nguyên Ngọc

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202005/ubnd-tinh-hop-cho-y-kien-ve-de-an-phat-trien-kt-xh-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-mien-nui-2482854/