UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 10

Sáng 3/10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị phiên thường kỳ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Cùng dự có các đồng chí: Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; các huyện, thành phố.

Mặc dù triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh có nhiều khó khăn, đặc biệt là suy thoái kinh tế thế giới đã tác động đến tốc độ tăng trưởng của cả nước nói chung, tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của Ninh Bình trong 9 tháng vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đạt kết quả tích cực.

Giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng 9 đạt trên 8.133 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đạt trên 73.000 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022.

Sản xuất nông nghiệp đảm bảo theo đúng khung thời vụ và kế hoạch đề ra. Tiếp tục thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại; đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn hữu cơ. Hoạt động chăn nuôi, sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, không bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Công tác xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo. Huyện Kim Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM và 3 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về lĩnh vực giáo dục, có thêm 63 thôn, xóm được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục được mở rộng, phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.

Đặc biệt, lĩnh vực du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mang đến những gam màu tươi sáng. Trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh đón 5,52 triệu lượt khách, tăng 99,1% so với cùng kỳ, vượt 3,2% kế hoạch năm; doanh thu du lịch đạt trên 5.060,7 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch, hoạt động giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được quan tâm, thực hiện hiệu quả. Nhiều dự án giao thông mang tính kết nối, liên vùng được đẩy nhanh, đưa vào sử dụng.

Tính đến hết tháng 9, tổng số vốn đầu tư công giải ngân đạt trên 3.330 tỷ đồng, bằng 51,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Ninh Bình đứng thứ 33/63 tỉnh, thành phố về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm được quan tâm thực hiện tốt. Tỉnh đã thực hiện tiếp nhận, thẩm định, giải quyết cho gần 3.000 trường hợp người có công với cách mạng và thân nhân được hưởng trợ cấp theo đúng quy định; tổ chức thăm hỏi, động viên các đối tượng chính sách, người có công, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng trị giá trên 50 tỷ đồng.

Công tác khám, chữa bệnh được duy trì và đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động triển khai nhiệm vụ giáo dục đầu năm, tổ chức Lễ khai giảng đảm bảo trang trọng, an toàn, thực sự là "Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường". Công tác cải cách hành chính được quan tâm. An ninh chính trị đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Bên cạnh những thuận lợi, các đại biểu cũng chỉ ra một số khó khăn trong 9 tháng đầu năm. Nổi bật là sản xuất công nghiệp và xuất, nhập khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng; nhiều đơn hàng bị cắt giảm, hoãn hủy, nhiều doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới. Thu ngân sách Nhà nước đạt thấp so với dự toán, tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất các khu đặc thù thực hiện phân chia ngân sách tỉnh 100% còn chậm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp,...

Do đó để đạt được kịch bản tăng trưởng cả năm đạt trên 7,5% các đại biểu dự hội nghị đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó, cần tập trung triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh công tác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Đẩy nhanh thực hiện công tác đấu giá, tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất. Tăng cường đôn đốc các đơn vị đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, đảm bảo đúng tiến độ. Chủ động điều hành và điều chỉnh kế hoạch vốn kịp thời, phù hợp nhằm phát huy hiệu quả sử dụng vốn. Rà soát, có biện pháp xử lý đối với các công trình, dự án nợ tiền thuê đất, bỏ địa chỉ, không thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng của một số dự án, công trình trọng điểm của tỉnh, góp phần đảm bảo đúng tiến độ thi công.

Các ý kiến cũng cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ở tất cả các cấp, ngành, đơn vị, địa phương. Chú trọng các giải pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, phòng chống tội phạm những tháng cuối năm…

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương cần tập trung cao độ mọi giải pháp để giải quyết các tồn tại, hạn chế đã nêu. Ngành Nông nghiệp tiếp tục quan tâm đến chất lượng nước sạch, đánh giá hiệu quả các công trình cấp nước tập trung; phát triển và tạo động lực cho hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển. Ngành Du lịch đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, hướng tới các thị trường khách quốc tế có chi trả cao.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng phát biểu tại hội nghị.

Tăng cường các hoạt động quản lý thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm gây nguy hiểm đến sức khỏe nhân dân. Các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện chính sách an sinh xã hội, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm văn hóa mang giá trị đặc trưng của vùng đất Cố đô Di sản.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng còn nhiều khó khăn song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự quyết tâm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của UBND tỉnh và nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đảm bảo theo kịch bản đã đề ra. Tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh ước đạt 6,84%, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu kết luận hội nghị.

Lĩnh vực công nghiệp tuy gặp khó khăn do tác động chung của bối cảnh thế giới nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, đảm bảo cơ bản việc làm, thu nhập cho người lao động, tạo nền tảng cho các ngành phát triển.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, ngành đã tìm ra dư địa để tăng trưởng phù hợp, trong đó tập trung phát triển giá trị các sản phẩm OCOP, khai thác thủy sản. Theo đó, tổng sản lượng thủy sản 9 tháng đạt 51,4 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của tỉnh. Hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ, là đòn bẩy thúc đẩy các hoạt động kinh doanh dịch vụ, đồng thời lan tỏa đến các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Kết quả này một lần nữa khẳng định định hướng phát triển đúng đắn đã được tỉnh ta xác định từ rất sớm, đó là tập trung khai thác thế mạnh dịch vụ, du lịch.

Trong 9 tháng năm 2023, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, Ninh Bình tiếp tục là điểm đến an toàn cho doanh nghiệp, nhân dân và du khách. Các lĩnh vực an sinh xã hội, giáo dục đào tạo, y tế đều phát triển ổn định. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, đến nay đã có gần 500 hộ được xây mới, sửa chữa nhà (đạt 95% kế hoạch). Đây là chính sách nhân văn thể hiện vai trò của Đảng, Nhà nước và của tỉnh trong việc chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, tạo niềm tin, phấn khởi, động lực phấn đấu trong các tầng lớp nhân dân.

Khẳng định nhiệm vụ đặt ra trong những tháng cuối năm là rất lớn, cần sự nỗ lực, tập trung cao độ để đạt được những mục tiêu cao hơn mà tỉnh đã đặt ra, vì vậy đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Bên cạnh những nhiệm vụ đề ra tại Dự thảo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm tháng 3 tháng cuối năm 2023, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung cao độ cho giải ngân vốn đầu tư công; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu để điều chỉnh vốn đầu tư công năm 2023.

Tiếp tục thúc đẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ, du lịch; tổ chức các hoạt động văn hóa đặc sắc vừa giới thiệu bản sắc độc đáo của mảnh đất Ninh Bình, vừa góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngành Nông nghiệp theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động thông tin cho bà con các phương án phòng chống dịch hại, không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi…

Đối với các cấp, các ngành, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị trên căn cứ nhiệm vụ được giao cần tiếp tục tăng cường phối hợp, bàn bạc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với quyết tâm hoàn thành và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra.

Minh Hải - Anh Tuấn - Hoàng Hiệp

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ubnd-tinh-hop-phien-thuong-ky-thang-10/d20231003142758556.htm