UBND TP Đà Nẵng bị 'tố' chậm thi hành bản án của Tòa

Trước kiến nghị của doanh nghiệp về việc UBND TP Đà Nẵng chậm thi hành án theo bản án của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về vấn đề nêu trên.

Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu UBND TP Đà Nẵng giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp

Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu UBND TP Đà Nẵng giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp

“Phớt lờ” quy định về thi hành án hành chính

Ngày 23/6/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu UBND TP Đà Nẵng xem xét, giải quyết theo đúng quy định pháp luật nhằm giải quyết dứt điểm các nội dung phản ánh, kiến nghị của Công ty Vipico (trụ sở tại Hà Nội) liên quan đến vụ việc UBND TP Đà Nẵng hủy kết quả đấu giá quyền sử dụng đất và chậm thi hành bản án của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/2020.

Theo hồ sơ, tháng 6/2017, Công ty Vipico được Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP Đà Nẵng công nhận là đơn vị trúng đấu giá khu đất A20 với diện tích 11.487m2, sau đó UBND TP Đà Nẵng ban hành quyết định công nhận kết quả đấu giá. Đến ngày 16/11/2018, UBND TP Đà Nẵng ban hành quyết định hủy quyết định công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu đất A20 đường Võ Văn Kiệt.

Ngày 28/11/2018, Công ty Vipico khởi kiện UBND TP Đà Nẵng ra tòa. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm diễn ra từ ngày 25/9- 26/9/2019, HĐXX TAND TP Đà Nẵng đã chấp nhận đơn khởi kiện của Vipico. UBND TP Đà Nẵng sau đó đã có đơn kháng cáo. Ngày 02/3/2020, TAND cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên xét xử phúc thẩm, HĐXX đã quyết định bác kháng cáo, giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm. Ngoài ra, HĐXX còn buộc UBND TP Đà Nẵng phải thực hiện nhiệm vụ theo quy định đối với quyết định công nhận kết quả đấu giá.

Diễn biến vụ việc cho thấy, UBND TP Đà Nẵng có dấu hiệu chưa thực hiện đúng Nghị định số 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ, quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa. Cụ thể, Điều 7 quy định: “Tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án; Chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp về việc để xảy ra chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án tại cơ quan, tổ chức do mình là người đứng đầu. Ngoài ra, người đứng đầu có trách nhiệm xử lý kỷ luật đối với cá nhân thuộc phạm vi quản lý có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án”.

Tại Điều 8, Nghị định số 71 cũng quy định người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án; Xem xét xử lý kỷ luật hoặc đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật…

Quyết định buộc thi hành án đối với UBND TP Đà Nẵng.

Buộc thi hành án đối với UBND TP Đà Nẵng

Trước đó, ngày 07/4/2020 TAND TP Đà Nẵng đã ra quyết định buộc thi hành án đối với UBND TP Đà Nẵng về việc công nhận kết quả trúng thầu của Vipico đối với lô đất A20.

Đối với trường hợp này, Điều 12 của Nghị định số 71 quy định: “…Khi nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính, người phải thi hành án có trách nhiệm thi hành ngay bản án, quyết định của Tòa án; Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án có trách nhiệm tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp về việc không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án”.

Việc chậm thi hành bản án hành chính sẽ bị xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc, túy theo tính chất, mức độ. Thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Điều 28, Nghị định số 71 quy định: “... Người nào có hành vi không thi hành án, không chấp hành án, cố ý cản trở việc thi hành án có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự. Người đứng đầu, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hành chính tùy theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong thi hành án hành chính”.

Khu “đất vàng” liên quan vụ kiện.

Để nâng cao hiệu quả trong thi hành án hành chính, ngày 15/11/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 26/CT- TTg về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ và kiến nghị sau giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính; Khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính ở bộ, ngành, địa phương thuộc phạm vi quản lý.

Thi hành, chỉ đạo thi hành nghiêm túc và dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; Khắc phục ngay tình trạng tồn đọng các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được thi hành.

Tâm Phúc

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phap-luat/ubnd-tp-da-nang-bi-to-cham-thi-hanh-ban-an-cua-toa-48173.html