UBND TP Hải Dương có thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết đơn kiến nghị của người dân?

Nhiều năm qua, người dân gửi đơn kiến nghị lên UBND TP Hải Dương đề nghị xem xét vụ việc liên quan đến đất đai nhưng không được giải quyết.

Báo Pháp luật Việt Nam đã đăng tải nhiều bài viết liên quan đến việc các hộ dân nằm trong diện có đất ở bị thu hồi, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án xây dựng nút giao thông Tây Bắc cầu Tam Giang, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương gồm: Hộ ông Nguyễn Viết Xuyên, ông Đinh Bá Tâm và ông Đào Xuân Dinh.

Được biết, các hộ dân trên, có đất ở bị thu hồi để xây đường từ 20 năm trước.

Theo chính sách của UBND tỉnh Hải Dương, các hộ dân trong diện có đất bị thu hồi, tùy từng trường hợp sẽ được cấp đất tái định cư và được quyền mua thêm một suất đất ở với giá tốt để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt.

Thế nhưng dự án đã thực hiện xong từ rất lâu, nhưng nhiều hộ dân vẫn không được mua đất theo chính sách nêu trên. Dường như trải qua bao nhiều đời lãnh đạo ở tỉnh Hải Dương, nhưng các vị trên đều “bỏ quên” mất quyền lợi chính đáng của người dân.

Khu đất của các hộ dân hiện đã được làm được giao thông, trồng cây xanh.

Khu đất của các hộ dân hiện đã được làm được giao thông, trồng cây xanh.

Cụ thể, ngày 23/11/2007, UBND tỉnh Hải Dương ban hành thông báo số 174/TB-VP công bố ý kiến của ông Lê Hồng Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong cuộc họp với các Sở, ngành, UBND TP Hải Dương về giao đất tái định cư cho các hộ gia đình bị thu hồi đất để giải phóng mặt bằng (GPMB) xây dựng một số dự án trên địa bàn TP Hải Dương.

Qua thông báo này, vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định, thống nhất bán cho mỗi hộ gia đình một lô đất tại khu tái định cư theo giá UBND tỉnh quy định đối với các hộ ông bà: Nguyễn Viết Xuyên, Đinh Bá Tâm, Đào Xuân Dinh, Đỗ Thị Nga, Nguyễn Xuân Năm. Do 5 hộ dân này nằm trong diện có đất ở bị thu hồi để thực hiện dự án xây dựng nút giao thông Tây Bắc cầu Tam Giang (TP Hải Dương) từ hơn 20 năm về trước.

Chính sách được UBND tỉnh Hải Dương áp dụng cho các hộ dân nằm trong diện có đất bị thu hồi là được cấp đất tái định cư và được mua một suất đất khác với giá ưu đãi để giảm bớt thiệt hại cho các hộ dân khi giá đền bù của nhà nước và giá thị trường có sự chênh lệch nhau rất lớn.

Tuy nhiên, đường làm xong đã lâu nhưng không thấy chính quyền giải quyết quyền được mua thêm đất, các hộ dân làm đơn kiến nghị và nhận được phúc đáp của vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh nên trên. Đáng tiếc, lãnh đạo tình chỉ đạo xong, dân vẫn phải tiếp tục chờ đợi.

UBND TP Hải Dương cần đảm bảo quyền lợi chính đáng của các hộ dân.

Ngày 22/4/2009, một lần nữa, các hộ dân làm đơn đề nghị gửi UBND TP Hải Dương để yêu cầu giải quyết vấn đề bán đất theo chính sách mà UBND tỉnh đã thông qua.

Gần 2 năm sau, ngày 4/8/2011, ông Đoàn Việt Hùng, Chủ tịch UBND TP Hải Dương ký văn bản số 605/UBND-GPMB gửi UBND tỉnh Hải Dương, các Sở gồm: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường kiến nghị giải quyết việc bán đất cho một số hộ nêu trên.

Nội dung văn bản này cho thấy, trong số các hộ nêu trên thì UBND tỉnh Hải Dương đã cấp đất cho hộ bà Đỗ Thị Nga. Vị trí lô đất là F1, 2 mặt đường với mức giá là 10.000.000 đồng/m2.

Với các hộ còn lại, UBND TP Hải Dương đề nghị UBND tỉnh Hải Dương áp dụng mức giá tương đương với giá áp dụng cho hộ bà Nga.

Tháng 10/2011, UBND tỉnh Hải Dương ban hành văn bản chỉ đạo các Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở TN&MT và UBND TP Hải Dương với nội dung: “Cho phép UBND TP Hải Dương căn cứ vào quỹ đất hiện có để giao thêm cho các hộ gia đình ông Nguyễn Viết Xuyên, Đinh Bá Tâm, Đào Xuân Dinh, mỗi hộ thêm 01 lô đất. Giá thu tiền sử dụng đất thực hiện theo cơ chế sát giá thị trường tại thời điểm giao đất”.

Cùng một chỉ đạo nhưng 2/5 hộ dân đã được cấp đất, chuyển nhượng cho người khác xây nhà, ở ổn định nhiều năm còn 3/5 hộ dân đang bị tỉnh Hải Dương bỏ rơi.

Cũng trong tháng 10/2011, Ban giải phóng mặt bằng TP Hải Dương ban hành báo cáo kết quả khảo sát giá chuyển nhượng đất ở trên thị trường, đề xuất đơn giá thu tiền sử dụng đất đối với các trường hợp được UBND tỉnh xét duyệt cho mua đất ở tại khu tái định cư Đông Ngô Quyền (giai đoạn 2).

Kết quả, giá mà Ban giải phóng mặt bằng TP Hải Dương trình UBND tỉnh, các Sở, ngành thẩm định, xét duyệt là từ 30-40 triệu đồng/m2. Mức này cao gấp từ 3-4 lần so với mức giá 10 triệu đồng mà UBND tỉnh áp dụng cho hộ bà Nga và thậm chí cao hơn cả giá thị trường lúc đó.

Chưa kể đến lô cấp cho hộ bà Nga có địa thế tốt hơn, giá thị trường cao hơn nhiều so với lô đất dự kiến cấp cho các hộ còn lại. Các hộ dân nêu trên không đồng tình với mức giá này và không nhận quyền mua đất tại các vị trí được giới thiệu.

Sau đó, ngày 21/8/2012, UBND tỉnh Hải Dương đã ra quyết định phê duyệt đơn giá thu tiền sử dụng đất đối với các hộ ông Nguyễn Viết Xuyên, Đinh Bá Tâm, Đào Xuân Dinh là 40 triệu đồng/m2. Các hộ dân phẫn nộ với mức giá cao ngất ngưởng nêu trên.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 12/3, PV báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với các cơ quan chức năng TP Hải Dương, trả lời PV xung quanh phản ánh của người dân, ông Phạm Văn Thành, Chuyên viên Ban GPMB TP Hải Dương cho biết: “Việc các hộ dân kiến nghị được mua một suất đất với giá như thời điểm năm 2008 thì Ban GPMB đang tiến hành xác minh, UBND TP cũng đang chỉ đạo rà soát hồ sơ đối với các hộ dân này”.

Về nguyên nhân tại sao có hộ lại được mua một suất đất từ năm 2008 với giá 10 triệu đồng/m2, nhưng nhiều hộ khác lại không mua được suất đất từ thời điểm 2008 với giá tương tự nói trên?

Ông Phạm Văn Thành cho hay: “Tôi cũng không hiểu sao trong số 5 hộ lại chỉ có hộ bà Nga lại mua được, còn các hộ khác thì không được mua, mặc dù các hộ đều bị thu hồi đất như nhau, Ban GPMB sẽ xem xét lại việc này”.

Còn ông Trần Hồ Đăng, Phó chủ tịch UBND TP Hải Dương thì cho biết: “UBND TP đang chỉ đạo các phòng ban chức năng kiểm tra lại hồ sơ của các hộ nói trên, nguyên tắc là đảm bảo quyền lợi tối đa cho các hộ dân”.

Ông Trần Hồ Đăng- Chủ tịch UBND TP Hải Dương.

Cũng liên quan đến vụ việc trên, khi trao đổi với PV báo Pháp luật Việt Nam, ông Lê Đình Long, Bí thư Thành ủy Thành phố Hải Dương khẳng định: “Tôi cũng đã biết việc này sau khi báo Pháp luật Việt Nam phản ánh, tôi đã yêu cầu UBND TP Hải Dương xác mình làm rõ, đảm bảo quyền lợi cho người dân không bị xâm hại. Đồng thời có văn bản trả lời báo Pháp luật Việt Nam”.

Mặc dù trong buổi làm việc với PV báo Pháp luật Việt Nam diễn ra vào ngày 12/3, ông Trần Hồ Đăng- Phó chủ tịch UBND TP Hải Dương (hiện ông Đăng đã được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch UBND TP Hải Dương) khẳng định, sẽ chỉ đạo các phòng ban xem xét, kiểm tra lại hồ sơ của các hộ nói trên.

Tuy nhiên, nhiều tháng trôi qua, những kiến nghị của các hộ dân vẫn chưa được UBND TP Hải Dương xem xét, trả lời, mọi việc vẫn “bặt vô âm tín”.

Sáng ngày 20/5, PV tiếp tục có buổi làm việc với ông Trần Hồ Đăng, ông Đăng lại tiếp tục tái khẳng định “Sẽ chỉ đạo các phòng ban của thành phố xem xét lại sự việc này, trên tinh thần đảm bảo quyền lợi của người dân”.

Trả lời về việc, tại sao người dân có đơn kiến nghị nhiều năm nay mà chính quyền Thành phố Hải Dương không giải quyết dứt điểm?

Ông Trần Hồ Đăng lý giải: “Vì các cán bộ của UBND TP bận rất nhiều việc nên chưa trả lời các công dân được”(?!).

Trước những trả lời của người đứng đầu chính quyền TP Hải Dương, các hộ dân bức xúc cho biết: “Chính quyền là để phục vụ nhân dân, nhưng khi nhân dân có ý kiến, kiến nghị nhiều năm nay lại không được giải quyết, việc làm này thể hiện sự thiếu trách nhiệm của các cấp TP Hải Dương, khiến cho người dân vô cùng bức xúc, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng bộ và chính quyền TP Hải Dương.

Ở một diễn biến khác, ngay sau khi nhận được ý kiến từ PV báo Pháp luật Việt Nam, ngày 21/5, UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản gửi UBND TP Hải Dương yêu cầu kiểm tra, xem xét nội dung trên, báo cáo kết quả về UBND tỉnh.

Nhật Minh

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/ubnd-tp-hai-duong-co-thieu-trach-nhiem-trong-viec-giai-quyet-don-kien-nghi-cua-nguoi-dan-d125478.html