UBND xã Khánh Thượng dọa nạt, cản trở báo chí tác nghiệp

Sau bài viết: 'Tan hoang di tích núi Sậu do nổ mìn phá đá' đăng trên NNVN ngày 23/4/2018, PV đã liên hệ làm việc với UBND xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô (Ninh Bình) nhưng không nhận được sự hợp tác.

Cụ thể, một số cán bộ xã có lời lẽ thách thức, dọa nạt, cản trở PV.

Một người nói là cán bộ tư pháp xã liên tiếp chỉ tay, dọa nạt PV

Cụ thể ngày 4/5, PV về UBND xã Khánh Thượng liên hệ làm việc, trao đổi thông tin về tình trạng nổ mìn phá đá núi Sậu kéo dài hàng chục năm nay, gây bức xúc dư luận địa phương. Tìm gặp ông Phạm Văn Điển, Chủ tịch UBND xã, theo yêu cầu của ông Điển, tôi xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan, các giấy tờ liên quan.

Tiếp theo, ông Điển đề nghị PV gọi điện cho lãnh đạo báo ký giấy giới thiệu, để xác minh thông tin PV có đúng người báo cử đến làm việc hay không. Sau đó ông Điển nói, nếu làm việc thì không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm... Khi ông Điển đưa ra yêu cầu, PV giải thích về Luật Báo chí, ông Điển đồng ý làm việc nhanh, vì ông sắp bận họp.

Trong khi làm việc, ông Điển luôn tìm cách bắt bẻ PV, trả lời hời hợt, thường xuyên chối bỏ, lái sang những vấn đề không liên quan… Theo ông Điển, núi Sậu được UBND xã cho khai thác đá từ những năm 2000, đến năm 2012 núi này được UBND tỉnh cấp giấy phép cho khai thác đá vôi. Đến tháng 3/2013, UBND tỉnh có quyết định số 633 cho phép Cty Thanh Bình tiếp tục khai thác đá tại đây.

Ông Điển cho biết: “Không phải công ty tự khai thác đá mà có quyết định của UBND tỉnh, mà người ta làm trong phạm vi cho phép 1,4ha. Bảo phá núi thì không phải. Bà con đâu không có ý kiến gì, thậm chí mong muốn công ty khai thác để lấy vật liệu xây dựng cho xã. Tuy nhiên Hội con em Đồng hương Khánh Thượng tại Hà Nội có ý kiến, đề nghị dừng việc khai thác đá núi Sậu”.

Sau khoảng 20 phút trao đổi, ông Điển lấy lý do đang có hội nghị tổng kết sản xuất, phải chủ trì hội nghị, ông sẽ cử Phó Chủ tịch xã làm việc. Nhưng khi ông Điển ra khỏi phòng, thì một người xưng là cán bộ tư pháp xã đến quay phim, chụp ảnh, dọa nạt, bắt PV phải xuất trình thẻ nhà báo.

Ông Lê Minh Cường, cán bộ văn phòng xã nói khi nào PV có thẻ nhà báo thì đến liên hệ làm việc

PV nói chưa có thẻ nhà báo, nhưng có giấy giới thiệu của cơ quan cử đến làm việc, thì ông này nói giấy giới thiệu ghi là phóng viên, vậy thẻ phóng viên đâu và chỉ thẳng vào mặt PV nói, không có thẻ không tiếp, không làm việc. PV giải thích là đã xuất trình giấy tờ liên quan với chủ tịch UBND xã. Vị cán bộ tư pháp xã vẫn tiếp tục dọa nạt, hùng hổ chỉ trỏ, với lời lẽ thách thức rồi bỏ đi.

Chưa dừng lại đó, khi ông cán bộ tư pháp đi khỏi, thì ông Lê Minh Cường, Chánh văn phòng UBND xã nói lãnh đạo đang bận chủ trì hội nghị nên ông sẽ trao đổi với PV. Nhưng cũng như ông cán bộ tư pháp, ông Cường đòi xuất trình thẻ nhà báo và ông nói công văn của UBND tỉnh Ninh Bình và Sở TT- TT Ninh Binh gửi các xã, phải có thẻ nhà báo mới làm việc.

Ông Cường đọc công văn của Sở TT- TT tỉnh Ninh Bình: “Ngày7/4/2017 chế độ làm việc báo chí đến liên hệ làm việc, cơ quan thông tin có quyền yêu cầu xuất trình thẻ nhà báo do Bộ TT- TT cung cấp, phù hợp với cơ quan báo chí. Nếu không có thẻ nhà báo thì có quyền từ chối làm việc, cung cấp thông tin” .

Sau khi đọc công văn của quý Sở, ông Cường mời PV ra về vì cho rằng không có thẻ nhà báo. Khi nào có thẻ nhà báo PV đến liên hệ làm việc tiếp. Mặc cho PV giải thích, ông Cường nói chỉ làm theo công văn của Sở TT- TT gửi địa phương. Chưa dừng lại, ông tiếp tục đọc ra rả điều 25 Luật Báo chí. Thời gian còn lại, PV phải ngồi chờ ông Chủ tịch xã đến trưa họp xong để tiếp tục làm việc, nhưng rồi ông nói làm việc nhanh, để còn có việc riêng.

Có thể nói, UBND xã Khánh Thượng đã vi phạm Luật Báo chí khi cho rằng phải có thẻ nhà báo mới tiếp PV, đồng thời cán bộ xã đã có lời lẽ xúc phạm, đe dọa, cản trở PV hành nghề. Nghị định 159 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) mở rộng đối tượng được bảo vệ trong khi tác nghiệp báo chí, bao gồm hai đối tượng “nhà báo” và “phóng viên”. Nhà báo là người hoạt động báo chí, được Bộ TT- TT cấp thẻ. Phóng viên là những người hoạt động báo chí, đưa tin bài, chụp ảnh, được cơ quan báo chí cử đi tác nghiệp báo chí mà chưa có thẻ nhà báo.

Trụ sở UBND xã Khánh Thượng

Luật Báo chí năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017), quy định tại khoản 12, điều 9: Nghiêm cấm hành vi “đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”...

TRẦN HỒ

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/ubnd-xa-khanh-thuong-doa-nat-can-tro-bao-chi-tac-nghiep-post217902.html