UBTVQH tán thành cần thiết xây dựng Luật Kiến trúc

Đa số ý kiến của UBTVQH đều đồng tình với việc ban hành Luật Kiến trúc nhằm khắc phục những tồn tại thời gian qua.

Ngày 11-8, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 26, UBTVQH đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Kiến trúc.

Tờ trình về dự án Luật Kiến trúc do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày cho biết, thời gian qua, nền kiến trúc Việt Nam và đội ngũ kiến trúc sư đã có những bước phát triển quan trọng, có đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật...

Tuy nhiên, quá trình này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: công tác quản lý kiến trúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tổ chức không gian, cảnh quan, kiến trúc công trình ở đô thị và nông thôn còn thiếu thống nhất, thiếu bản sắc; các điều kiện hành nghề kiến trúc chưa đầy đủ; dịch vụ tư vấn kiến trúc chưa đa dạng, chưa có nhiều tác phẩm kiến trúc đặc sắc có giá trị lớn...

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập nêu trên có nguyên nhân về thể chế, cụ thể là: đã có một số quy định pháp luật điều chỉnh về kiến trúc nhưng còn tản mạn ở một số văn bản, thiếu tính hệ thống, chưa thống nhất và đồng bộ.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân như: chất lượng đội ngũ kiến trúc sư, công tác đào tạo, công tác lý luận phê bình, phản biện chưa đáp ứng yêu cầu trong nước và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: QH

“Vì vậy, Chính phủ cho rằng, thực tiễn phát triển và yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam cho thấy việc ban hành Luật Kiến trúc là hết sức cần thiết”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ: Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Kiến trúc theo Tờ trình của Chính phủ.

Việc xây dựng Luật Kiến trúc đã được cơ quan quản lý nhà nước và giới kiến trúc sư đề xuất từ hơn 20 năm trước nhằm khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc.

Cơ quan thẩm tra cũng thống nhất với phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật như trong dự thảo vì đã phản ánh đầy đủ những chính sách cơ bản, đáp ứng mục tiêu quản lý, phát triển kiến trúc và hành nghề kiến trúc như chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đặt ra đối với Luật Kiến trúc.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng trước mắt, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nên tập trung vào nội dung hành nghề kiến trúc và tên gọi của Luật là Luật Kiến trúc sư…

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, phạm vi điều chỉnh của luật còn bó hẹp, mới chỉ tập trung về hành nghề kiến trúc. Trong khi đó, bản sắc kiến trúc Việt Nam là quan trọng.

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị, Luật Kiến trúc phải tạo hành lang pháp lý bảo đảm các công trình kiến trúc, các đô thị tới đây phải thể hiện được bản sắc kiến trúc của Việt Nam, phải phù hợp với khí hậu, văn hóa, con người và điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho rằng, hiện nay chúng ta có nhiều loại kiến trúc nhưng lại chưa thể hiện rõ bản sắc kiến trúc. Do đó, cần có chế tài để các kiến trúc sư và nhà đầu tư phải giữ gìn bản sắc này. Việc quy định chế tài sẽ tránh được tình trạng tùy tiện, không phải cứ “thích vẽ gì thì vẽ”…

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận nội dung phiên họp. Ảnh: QH

Đa số ý kiến của UBTVQH đều đồng tình với việc ban hành Luật Kiến trúc nhằm khắc phục những tồn tại thời gian qua. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước và định hướng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, bảo đảm tính thống nhất với các luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở… để tránh xung đột pháp lý.

Ngoài ra, cần rà soát để bảo đảm tính cụ thể, khả thi của các quy định nhằm hướng tới nền kiến trúc hiện đại và giữ bản sắc Việt Nam, chú ý quy định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, tránh tình trạng kiến trúc “ngoại lai” phản cảm…

Theo Chính phủ, dự thảo Luật Kiến trúc không đề xuất phát sinh về tổ chức, nhân sự. Do vậy, sau khi Luật kiến trúc được ban hành và có hiệu lực thi hành, về cơ bản không ảnh hưởng lớn tới vấn đề tổ chức hành chính, nhân sự, các đề xuất sửa đổi, bổ sung một số ít luật không ảnh hưởng lớn tới việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ubtvqh-tan-thanh-can-thiet-xay-dung-luat-kien-truc-120357.html