Úc hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả làm nông nghiệp và du lịch bền vững

Dự kiến gần 30.000 phụ nữ, trong đó khoảng 70% là các phụ nữ dân tộc thiểu số sẽ hưởng lợi nhờ nâng cao năng lực trong sản xuất nông nghiệp và du lịch bền vững thông qua những hỗ trợ từ Chính phủ Úc.

Trong ảnh, cặp vợ chồng người dân tộc thiểu số ở Sơn La đã xây dựng và kinh doanh homestay với sự hỗ trợ của GREAT. Ảnh: Đại sứ quán Úc cung cấp.

Đây là mục tiêu được đặt ra ở giai đoạn hai của dự án Thúc đẩy bình đẳng Giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế trong Nông nghiệp và Du lịch (GREAT) do UBND tỉnh Lào Cai và Sơn La cùng Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tổ chức.

Theo thông cáo báo chí phát đi từ Đại sứ quán Úc, GREAT là chương trình của Chính phủ Úc với mục tiêu tổng quát hướng đến nâng cao quyền năng, vị thế kinh tế và xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số tại hai tỉnh tỉnh Lào Cai và Sơn La. Giai đoạn 2 của chương trình sẽ được triển khai đến năm 2027 ở hầu hết các huyện, thành phố của hai tỉnh nói trên.

Chương trình GREAT hợp tác với các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực và năng suất của các tác nhân trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp và cung cấp dịch vụ du lịch chất lượng cao qua các chương trình tập huấn về lãnh đạo, sản xuất kinh doanh, kỹ thuật sản xuất, đào tạo nghiệp vụ, kết nối thị trường và cải thiện tiếp cận các dịch vụ tài chính.

“Thông qua GREAT, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số sẽ hưởng lợi một cách công bằng từ sự tăng trưởng của hai ngành kinh tế này”, theo bà Cherie Russell, Tham tán Hợp tác Phát triển của Đại sứ quán Úc.

Theo đó, Chính phủ Úc sẽ cung cấp một khoản tài chính lên đến 67,4 triệu đô la Úc cho dự án này.

Tập đoàn Cargill và Tổ chức Asia Society for Social Improvement and Sustainable Transformation (ASSIST) vừa công bố hợp tác và phát động dự án Aqua Xanh với mục đích góp phần giảm ô nhiễm nguồn nước thông qua việc quảng bá, thúc đẩy thực hiện các quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản bền vững ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo thông cáo báo chí do Cargill phát đi, dự án đặt mục tiêu xây dựng năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Cà Mau, theo định hướng phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Dự án Aqua Xanh đặt mục tiêu đào tạo hơn 300 người nuôi tôm theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của ASC về quản lý nguồn thức ăn, quản lý rác thải, và thực hành đa dạng sinh học. Ảnh do Cargill cung cấp.

Dự án Aqua Xanh đặt mục tiêu góp phần ứng phó với những thách thức này thông qua công tác quảng bá, thúc đẩy các quy trình, biện pháp sử dụng nguồn nước và xử lý chất thải bền vững trong ngành thủy sản tại khu vực ĐBSCL.

Một trong những hạng mục của dự án là nâng cao năng lực cho người nông dân thông qua đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật về thực hành bền vững theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản (Aquaculture Stewardship Council – ASC). Dự án cũng sẽ thiết lập một số trang trại thủy sản mẫu để tổ chức đào tạo và thực hiện tái chế, giảm thiểu rác thải, và giám sát ô nhiễm rác nhựa.

Dự án Aqua Xanh đặt mục tiêu đào tạo hơn 300 người nuôi tôm theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của ASC về quản lý nguồn thức ăn, quản lý rác thải, và thực hành đa dạng sinh học. Mười người nuôi tôm xuất sắc sẽ được tiếp tục đào tạo để hỗ trợ kỹ thuật cho các nông dân khác trong giai đoạn sau.

Ngoài ra, một hợp tác xã nuôi tôm cũng có cơ hội đạt được chứng nhận của ASC, và ba trang trại thí điểm đặt mục tiêu giảm 30% lượng nước thải và giảm 20% phát thải khí nitơ và phốt pho vào năm 2025. Thêm vào đó, dự án cũng sẽ tiếp cận hơn 1.000 thành viên cộng đồng để nâng cao nhận thức về môi trường, góp phần đạt được mục tiêu góp phần tạo dựng ngành thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Trong dự án này, Đại học Cần Thơ là đối tác kỹ thuật chính và giữ vai trò giám sát triển khai dự án, sẽ góp phần hạn chế nạn ô nhiễm nguồn nước và tạo dựng tương lai bền vững cho các cộng đồng trong khu vực ĐBSCL.

Nam Nguyên

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/uc-ho-tro-nong-dan-nang-cao-hieu-qua-lam-nong-nghiep-va-du-lich-ben-vung/