Uganda quay lưng với Vành đai - Con đường do Trung Quốc chậm tài trợ

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết việc Trung Quốc chậm tài trợ đang đe dọa đến tương lai dự án đường sắt Đông Phi nối cảng Mombasa của Kenya với Uganda, Rwanda và Nam Sudan trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI).

Thất vọng sau 8 năm bị trì hoãn tài trợ, Uganda vừa hủy bỏ thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt dài 273km từ thủ đô Kampala đến thị trấn biên giới Malaba (Kenya) trị giá 2,3 tỉ USD ký với Công ty Kỹ thuật cảng biển Trung Quốc trước đó.

Perez Wamburu - quan chức Uganda phụ trách điều phối dự án - tuần trước thông báo họ đã ký một bản ghi nhớ với công ty đường sắt Thổ Nhĩ Kỳ Yapi Merkezi, dự định vay vốn từ các cơ quan tín dụng xuất khẩu để xây đường sắt.

“Kể từ lần đề xuất tài chính cuối cùng vào tháng 2.2021, chúng tôi chỉ nhận về sự im lặng. Chúng tôi chờ đợi nhiều tháng. Cho đến nay phía Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (CHEXIM) vẫn im lặng”, ông Wamburu nói với tờ The East African.

Uganda cũng cân nhắc xây dựng một tuyến đường sắt khác chạy qua nước láng giềng phía nam Tanzania, nơi Yapi Merkezi đang xây đường sắt.

Dự án đường sắt qua 4 nước Đông Phi không thể hoàn thành đúng kế hoạch - Ảnh: Bloomberg

Dự án đường sắt qua 4 nước Đông Phi không thể hoàn thành đúng kế hoạch - Ảnh: Bloomberg

Nguyên nhân gây đổ vỡ

Khoảng 10 năm trước, Uganda cùng Kenya, Rwanda và Nam Sudan nhất trí xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc khổ tiêu chuẩn (SGR) để vận chuyển hàng hóa lẫn hành khách giữa các thủ đô. Kenya nhận 5 tỉ USD từ CHEXIM thực hiện đoạn đầu tiên từ Mombasa đến Naivasha, năm 2017 đã hoàn thành.

Nhưng kế hoạch thực hiện đoạn tiếp theo đến Malaba bị đình chỉ khi Trung Quốc dính cáo buộc “giăng bẫy nợ” tại châu Phi. Năm 2018 Trung Quốc tỏ ý e dè trong cung cấp tài chính để tiếp tục triển khai dự án, yêu cầu tiến hành nghiên cứu đánh giá mới rồi mới chịu cấp thêm kinh phí.

Trong khi đó, mạng lưới đường sắt dài 2.561km giữa cảng Dar es Salaam ở Ấn Độ Dương với thành phố Mwanza mà Tanzania đang xây dựng đạt tiến độ tốt.

Giới phân tích nhận định tuyến đường sắt của Kenya phải vươn tới Uganda - quốc gia nhập khẩu nhiều mặt hàng qua thành phố Mombasa - thì mới có lợi ích về thương mại. Nhưng giờ đây Uganda muốn chuyển hướng sang phát triển đường sắt chạy qua Tanzania.

Nhà nghiên cứu Tim Zajontz (Trung tâm Chính trị quốc tế thuộc Đại học Stellenbosch) cho biết: “Kể từ năm 2017 chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều quy định hạn chế đối với hoạt động cho vay ở nước ngoài để tránh phát sinh thêm nợ xấu và nợ không bền vững. Hiện tại các ngân hàng chính sách đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô ở các nước châu Phi một cách thận trọng và thực tế hơn trước khi cho vay nhằm tránh nguy cơ nợ làm dấy lên phản ứng chính trị dữ dội, khiến danh tiếng BRI bị hoen ố”.

Theo nhà nghiên cứu Zajontz, bên cạnh việc bị trì hoãn tài trợ đóng vai trò nguyên nhân chính thì tranh cãi về chi phí dự án SGR cũng góp phần thúc đẩy Uganda từ bỏ: “Năm 2017, một ủy ban quốc hội đặt nghi vấn với khoản chi phí dự kiến2,3 tỉ USD của dự án. Họ hoài nghi quá trình đấu thầu diễn ra không cạnh tranh, nguồn cung nguyên vật liệu đơn nhất làm tăng chi phí dự án”.

Ông nhận định tương lai dự án SGR giờ đây phụ thuộc vào tình hình tăng trưởng kinh tế chung của khu vực, đồng thời lưu ý việc chỉ vận hành một đoạn đường sắt đã hoàn thành khó sinh lời đủ để bù đắp chi phí khổng lồ cho toàn dự án, nhưng tình hình tài chính hiện tại của Kenya ngăn trở nước này vay thêm. Phương thức hợp tác công - tư nhằm huy động vốn tư nhân cũng chẳng thể đáp ứng nhu cầu tiền xây dự án.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/uganda-quay-lung-voi-vanh-dai-con-duong-do-trung-quoc-cham-tai-tro-192209.html