Ukraine cầu Mỹ chống chiến tranh điện tử Nga: Đã thừa nhận

Trước đây, các tướng lĩnh Mỹ đã từng thừa nhận Nga có thể đã áp dụng tác chiến điện tử ở miền Đông Ukraine, giúp đỡ lực lượng ly khai Donbass.

Kiev và các quốc gia phương Tây gần đây đã bày tỏ quan ngại của họ về “những hành động gây hấn” do Moscow gây ra ở Ukraine. Cụ thể, Washington nói về sự leo thang “hành động gây hấn” và việc di chuyển quân đội Nga ở Crimea và vùng biên giới phía tây (giáp phía đông Ukraine).

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ coi Nga là “kẻ gây hấn” trên biên giới Nga-Ukraine, trong bối cảnh “không có dấu hiệu nào cho thấy Kiev đã có những bước đi gây căng thẳng”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết, Nga đã tung ra chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch, được thiết kế để cáo buộc một cách sai sự thật về các hành động của Ukraine mà thực ra đó là những hành động do Điện Kremlin thực hiện.

Bên cạnh đó, Washington cũng tuyên bố sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Ukraine. Hiện nay, một đội quân gồm 160 lính Mỹ đang đóng quân thường trực tại đất nước này, nếu nhu cầu tăng lên và cần thiết phải tăng, Lầu Năm Góc sẽ triển khai thêm quân sang Ukraine.

Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal kêu gọi Washington mở rộng chương trình huấn luyện cho binh sĩ Ukraine. Theo ông, việc mở rộng hợp tác quân sự-kỹ thuật là “yếu tố răn đe kẻ xâm lược” (ám chỉ Nga).

Đài radar di động 39N6 Casta2, máy bay trinh sát quang-điện tử Tu-214R và hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga

Đài radar di động 39N6 Casta2, máy bay trinh sát quang-điện tử Tu-214R và hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga

Bên cạnh đó, Kiev đã yêu cầu Washington giúp đỡ trong việc mua thiết bị tác chiến điện tử (EW) để chống lại Moscow, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters.

Bộ trưởng giải thích rằng, ông đã đưa ra yêu cầu trên trong cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào tuần trước. Theo Kuleba, Kiev cần thiết bị tác chiến điện tử để “chống lại việc Nga có khả năng ngăn chặn thông tin liên lạc của Ukraine”.

Các quan chức chính quyền Kiev nhiều lần cáo buộc trước đây Nga đã từng triển khai các phương tiện tác chiến điện tử ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, sử dụng chúng để giúp lực lượng ly khai Donetsk và Lugansk đánh bại “lực lượng chống khủng bố” của Kiev.

Hồi tháng 7/2015, Tờ báo Mỹ Wall Street Journal cho biết, Nga đã chế tạo được những hệ thống tác chiến điện tử thế hệ mới nhất vô cùng hiện đại và đã đem ra thử nghiệm trên chiến trường miền đông Ukraine, hỗ trợ phe ly khai, đồng thời sử dụng “quấy phá” các cuộc tập trận của Mỹ và NATO.

Theo Wall Street Journal, các công nghệ vô tuyến Mỹ cho phép liên lạc ở mức độ bảo mật rất cao, nhưng do hạn chế về luật xuất khẩu, các máy điện đài có thể không được cung cấp cho quân đội đồng minh, vì vậy họ sử dụng các thiết bị thông tin đơn giản hơn, dẫn đến tính năng bảo mật kém.

Pod gây nhiễu điện tử KNIRTI SAP-518 của Viện nghiên cứu khoa học khí tài vô tuyến kĩ thuật Kaluga (gọi tắt là Viện KNIRTI)

Khả năng của lực lượng đối kháng điện tử Nga ở trên chiến trường miền Đông Ukraine cũng được Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại châu Âu, Trung tướng Ben Hodges, thừa nhận.

Trung tướng Ben Hodges cho biết, hệ thống liên lạc của quân đội Ukraine đang bị các thiết bị gây nhiễu điện tử của lực lượng ly khai gây cản trở, khiến họ rất khó để sử dụng sóng vô tuyến, điện thoại và các phương tiện liên lạc khác vì các thiết bị gây nhiễu của lực lượng ly khai có tính năng vượt trội.

Tướng Ben Hodges nhận xét, lực lượng ly khai Ukraine còn có khả năng gây nhiễu tín hiệu đáng kể khiến các hệ thống radar quân sự của quân chính phủ không thể hoạt động bình thường. Điều này dẫn tới tình trạng quân đội Ukraine không thể khai hỏa ngay cả khi xác định được mục tiêu.

Không chỉ như vậy, những hệ thống tác chiến điện tử hiện đại nhất của Nga cho phép chặn thu tín hiệu liên lạc của đối phương hoặc gây nhiễu chế áp thiết bị của họ là thách thức nghiêm trọng đối với các lực lượng đồng minh của Mỹ khi tiến hành cuộc tập trận ở Đông Âu.

Các công nghệ được phát triển cho phép quân đội Nga không chỉ xác định thành công các nguồn tín hiệu vô tuyến của đối phương, mà còn có thể ngụy trang tốt hơn thông tin vô tuyến riêng của mình, cho phép duy trì bí mật khi di chuyển các lực lượng vũ trang - tờ báo Mỹ viết.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/su-kien/ukraine-cau-my-chong-chien-tranh-dien-tu-nga-da-thua-nhan-3431033/