Ukraine chặn bán Motor Sich cho Trung Quốc vì Mỹ

Việc mua lại nhà máy sản xuất động cơ máy bay Motor Sich của Ukraine bởi công ty Trung Quốc có thể bị chặn lại.

Ủy ban chống độc quyền của Ukraine (AMCU) dự kiến sẽ công bố lệnh cấm công ty Trung Quốc mua lại nhà máy sản xuất máy bay Motor Sich vào tháng 3 tới, theo nguồn tin tiết lộ với Tạp chí BuzzFeed News của Mỹ.

Nhà máy sản xuất động cơ máy bay Motor Sich của Ukraine. Ảnh: AP

Nhà máy sản xuất động cơ máy bay Motor Sich của Ukraine. Ảnh: AP

Cụ thể, các quan chức Ukraine giấu tên quen thuộc với tình hình đã tiết lộ rằng, quyết định này được đưa ra tương ứng với quyết định của Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky khi tính đến "các hành vi vi phạm pháp luật" của Trung Quốc và "các vấn đề địa chính trị liên quan đến vấn đề này".

Công ty Trung Quốc được nhắc tới là Công ty Đầu tư Công nghiệp Hàng không Skyrizon Bắc Kinh.

Từ tháng 5/2017, Phó Thủ tướng Ukraine là Stepan Kubiv tuyên bố rằng Motor Sich cùng với công ty Trung Quốc nói trên xây dựng một nhà máy ở Trùng Khánh, Trung Quốc.

Ngoài ra, công ty Trung Quốc đã thương thảo và được sự đồng ý của Chủ tịch Motor Sich Vyacheslav Boguslaev sẽ mua cổ phần kiểm soát lại nhà máy này đổi lại sẽ đầu tư 250 triệu USD vào việc phát triển sản xuất.

Thỏa thuận cần có sự cho phép của Ủy ban chống độc quyền của Ukraine và vào cuối năm 2017 Skyrizon đã gửi yêu cầu tới bộ chủ quản.

Nhưng đến đầu năm 2018, Dịch vụ An ninh Ukraine đã mở một vụ án hình sự về việc xuất khẩu một phần thiết bị Motor Sich sang Trung Quốc, cho một nhà máy mới ở Trùng Khánh. Cổ phiếu Motor Sich và sổ đăng ký cổ đông đã bị thu giữ, vì vậy các thỏa thuận giữa Skyrizon và Motor Sich không thể hoàn thành.

Mùa hè năm 2019, tình hình xung quanh Motor Sich đã càng trở nên tồi tệ hơn sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ công bố một báo cáo nói rằng Trung Quốc muốn biến quân đội của mình thành một bộ máy quân sự hạng nhất để cạnh tranh với người Mỹ trên khắp thế giới.

Sau đó, Washington đã đóng băng chương trình hỗ trợ quân sự cho Ukraine trị giá 391 triệu USD.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã trì hoãn việc cấp giấy phép cung cấp vũ khí và đạn dược cho Kiev. Thỏa thuận này, người Ukraine đã trả 30 triệu USD nhưng cuối cùng vẫn nằm chờ ở kho.

Khi giải thích về sự trì hoãn các thỏa thuận về quân sự, phía Mỹ đã đề cập đến việc Ukraine chuẩn bị bán Motor Sich cho công ty Trung Quốc và hối thúc Kiev xem xét lại hợp đồng trước khi đề nghị Mỹ giải quyết các vấn đề khác.

Tháng 8/2019, trong chuyến thăm Kiev, ông John Bolton khi đó là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đã chỉ ra rằng, Motor Sich là một vấn đề quan trọng không chỉ đối với Ukraine, mà còn đối với Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Úc, Canada và những người khác các nước.

Vài ngày sau, SBU đã mở một cuộc điều tra chống lại Motor Sich vì nghi ngờ "có thể chuẩn bị phá hoại và có hành động phản quốc". Công ty này bị nghi ngờ đã giao sản phẩm cho Nga, điều bị coi là bất hợp pháp. Cuối cùng thỏa thuận với công ty Trung Quốc cuối cùng cũng bị phá vỡ.

Motor Sich là nhà sản xuất động cơ máy bay và trực thăng của Ukraine. Khoảng 80% các sản phẩm được các nhà máy máy bay Nga mua trong quá khứ. Tuy nhiên, vào tháng 3/2014, Kiev đã cấm cung cấp các sản phẩm quốc phòng cho Nga với cáo buộc Moscow là kẻ xâm lược.

Điều này đã dẫn tới công ty lâm vào tình trạng khó khăn và giúp công ty Trung Quốc nhanh chân ký hợp đồng mua lại với giá rất cạnh tranh.

Theo Chủ tịch và là cổ đông chính của Motor Sich Vyacheslav Boguslaev, nhà máy chỉ sản xuất động cơ máy bay không chiến đấu, ví dụ chiếc L-15 phục vụ huấn luyện. Tuy nhiên, công ty Trung Quốc muốn mở rộng phạm vi sản xuất hơn nữa.

Ý đồ này được lý giải là dù Bắc Kinh đã dành nguồn lực khổng lồ cho phát triển ngành hàng không của riêng họ song họ chưa thể đạt được những tham vọng lớn hơn. Tiếp cận và sở hữu công nghệ của Liên Xô thông qua nhà sản xuất máy bay Ukraine sẽ giúp Trung Quốc giải quyết được các vướng mắc về kỹ thuật.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc chủ yếu quan tâm đến động cơ máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130 của Nga và động cơ của máy bay trực thăng Mi-26 lớn nhất thế giới. Trung Quốc đã mất khoảng 5 năm để nghiên cứu tạo ra một cỗ máy tương tự nhưng đã gặp nhiều khó khăn. Sở hữu Motor Sich cũng như "lắp thêm cánh" cho tham vọng của Trung Quốc vậy

Cuối cùng mọi thỏa thuận và hứa hẹn đều có nguy cơ đổ vỡ do sự can thiệp từ phía Mỹ.

Mỹ thế chân công ty Skyrizon mua lại Motor Sich?

Sau các rắc rối đến việc mua bán cổ phần của Motor Sich với người Trung Quốc, ngay lập tức phía Mỹ đã chào mời các khách hàng tiềm năng khác.

Công ty Ukraine sẽ bán Motor Sich cho công ty Mỹ?

Một trong số các công ty ít được biết đến ở Mỹ là Oriole Capital Group. Hossein Mousavi là quản lý của Oriole đã xác nhận với BuzzFeed News rằng, họ đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết trong việc mua lại Motor Sich.

"Các quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ và Đại sứ quán Mỹ tại Kiev đã giúp chuẩn bị thỏa thuận" - người này cho biết.

Tập đoàn Oriole Capital là một cái tên quen thuộc đối với người Ukraine. Năm 2017, công ty này hứa sẽ đầu tư 150 triệu USD vào Nhà máy Hàng không Nhà nước Kharkov (KhGAZ). Oriole Capital đã lên kế hoạch vào hoàn thành máy bay AN-74, được đặt hàng bởi cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Sau cái chết của ông, sản xuất bị đóng băng, vì không có khách hàng khác. Oriole hứa sẽ sắp xếp mọi thứ và giờ đây họ đang chuẩn bị mua lại Motor Sich.

Sự ưu ái của Ukraine đối với công ty Mỹ rất rõ ràng song nó cũng khiến Kiev khó xử trong mắt đối tác mua hàng lớn nhất - Trung Quốc.

Khi ông John Bolton nhắc đến tầm quan trọng của Motor Sich đến nhiều quốc gia khác vào tháng 8/2019, thì Đại sứ Trung Quốc tại Kiev Dai Wei cũng đã lập tức triệu tập một cuộc họp để cáo buộc người Mỹ về những nhắc nhở không thân thiện của họ. Ông nhấn mạnh, Ukraine cần biết ai là đối tác kinh tế lớn nhất của họ, đó chính là Trung Quốc.

Khi lựa chọn gạt công ty Trung Quốc ra khỏi thỏa thuận với Motor Sich, Ukraine có thể sẽ phải cân nhắc rất nhiều để bồi thường về các thiệt hại kinh tế cho Skyrizon.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ukraine-chan-ban-motor-sich-cho-trung-quoc-vi-my-3397506/