Ukraine gặp khó khi yêu cầu gửi máy bay chiến đấu

Việc Ukraine liên tục đòi hỏi máy bay chiến đấu nhằm chống trả quân đội Nga có nguy cơ gây mâu thuẫn với các đồng minh phương Tây.

Xe tăng ở thủ đô Kiev, Ukraine, ảnh chụp 31/1/2023. Nguồn: AP

Hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov sẽ có mặt tại Paris để thương lượng với các nước đồng minh việc chuyển giao máy bay chiến đấu.

Quan chức Kiev đã nhiều lần kêu gọi đồng minh gửi máy bay phản lực giúp họ chống trả không quân Nga.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy các quốc gia phương Tây sẽ sớm đưa ra quyết định điều máy bay chiến đấu tới Ukraine. Một số nước cũng giảm dần cung cấp cho Kiev tên lửa tầm xa có khả năng tấn công lãnh thổ Nga.

Cả Ukraine và Nga được cho là đang xây dựng kho vũ khí cho một cuộc tổng tấn công dự kiến trong vài tháng tới khi tình hình chiến sự gần như rơi vào bế tắc trong suốt mùa đông.

Khi được hỏi về việc Litva kêu gọi các nước phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa cho Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết lời kêu gọi này thể hiện thái độ hung hăng của các nước Baltic và Ba Lan - những quốc gia sẵn sàng làm mọi việc để kích động căng thẳng leo thang mà không suy nghĩ đến hậu quả.

Vào hôm 30/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nước này vẫn tiếp tục gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine, nhưng kèm thêm nhiều điều kiện hơn.

Ông cho biết các điều kiện bao gồm: không làm gia tăng căng thẳng hoặc sử dụng máy bay tấn công nước Nga cũng như không làm suy yếu quân đội Pháp.

Vị tổng thống này cũng cần một lời yêu cầu chính thức từ Ukraine - điều có thể thực hiện khi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine đặt chân đến Paris.

Sau nhiều tháng đàm phán, chính quyền Ukraine đã thuyết phục các đồng minh phương Tây gửi xe tăng. Yêu cầu này được đưa ra bất chấp sự e ngại từ một số quốc gia thành viên NATO, trong đó có Mỹ và Đức.

Mới hôm qua, 30/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trả lời báo giới Nhà Trắng sẽ không gửi máy bay chiến đấu F-16 tới Ukraine.

Còn Thủ tướng Đức Olaf Scholz dường như đang lo ngại khả năng cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine vì ông cho rằng mỗi quốc gia đang có những bất ổn chính trị riêng.

Vào hôm 30/1, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte khẳng định không có bất kỳ hạn chế nào trong việc giúp đỡ Ukraine. Tuy nhiên, ông cho biết việc gửi máy bay phản lực là một bước đi vô cùng quan trọng nên cần phải thận trọng.

Trong khi đó, Ba Lan luôn là quốc gia đi đầu trong Liên minh châu Âu viện trợ quân sự cho Ukraine. Quốc gia này cùng với Slovakia và các nước Baltic ở sườn phía đông của NATO luôn cảm nhận được mối đe dọa đặc biệt từ Nga.

Ngược lại, tổng thống Croatia, thành viên NATO, chỉ trích phương Tây cung cấp cho Ukraine xe tăng hạng nặng và các loại vũ khí khác. Tổng thống Zoran Milanović cho rằng việc cung cấp vũ khí sẽ chỉ kéo dài chiến tranh.

Trước đó, tâm điểm của các cuộc thảo luận luôn hướng đến khả năng cung cấp cho Kiev các máy bay chiến đấu MiG-29 do Liên Xô sản xuất mà phi công Ukraine sử dụng bấy lâu.

Vào tháng 3/2022, Mỹ đã từ chối đề xuất của Ba Lan về việc chuyển máy bay chiến đấu MiG-29 của nước này tới Kiev thông qua một căn cứ của Mỹ ở Đức, với lý do sẽ gia tăng căng thẳng giữa Nga và NATO.

Máy bay chiến đấu từ phương Tây sẽ là nguồn bổ sung quan trọng cho quân đội Ukraine, nhưng việc chống lại lực lượng không quân Nga hùng mạnh vẫn là thách thức vô cùng lớn.

Ukraine được thừa hưởng một phi đội máy bay chiến đấu do Liên Xô sản xuất, bao gồm máy bay chiến đấu Su-27 và MiG-29 và máy bay tấn công mặt đất Su-25.

Việc chuyển sang sử dụng máy bay phương Tây sẽ yêu cầu các phi hành đoàn Ukraine phải trải qua quá trình huấn luyện lâu dài và cũng sẽ đặt ra những thách thức liên quan đến bảo trì và sửa chữa.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ukraine-gap-kho-khi-yeu-cau-gui-may-bay-chien-dau.html