Ukraine hối hả tự lực cánh sinh sản xuất vũ khí

Ukraine đặt mục tiêu tự chế tạo vũ khí để có thể đưa cuộc xung đột trở lại Nga. Nhưng điều đó đòi hỏi phải có đủ thời gian mà Ukraine dường như không có.

Quân đội Ukraine chỉ có một khẩu pháo Bohdana trong kho vũ khí khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022. Khẩu pháo này được chế tạo ở Ukraine vào năm 2018 và có thể bắn đạn tiêu cỡ nòng của NATO. Trong những ngày đầu của cuộc xung đột, nó đã phát huy hiệu quả đến mức nó được vận chuyển đến các chiến trường trên khắp đất Ukraine, từ thành phố Kharkiv phía Đông Bắc đến bờ biển phía Tây Nam dọc Biển Đen.

Hiện nay, ngành công nghiệp vũ khí Ukraine đang chế tạo 8 hệ thống pháo tự hành Bohdana mỗi tháng. Mặc dù giới chức Ukraine không cho biết có tổng cộng bao nhiêu khẩu pháo đã được sản xuất, nhưng sản lượng tăng lên báo hiệu tiềm năng bùng nổ trong sản xuất vũ khí nội địa.

Sự tăng tốc diễn ra vào thời điểm quan trọng. Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã tăng gấp 4 lần sản lượng vũ khí với hoạt động sản xuất diễn ra suốt ngày đêm.

Ukraine đang tăng sản lượng chế tạo các hệ thống pháo cỡ nòng lớn. Ảnh: AP

Sức ép thời gian

Lực lượng Ukraine đang mất lãnh thổ ở một số khu vực quan trọng, bao gồm cả thành phố chiến lược Avdiivka ở miền Đông. Gói viện trợ bổ sung của Mỹ đang bị treo tại Quốc hội. Các công ty quốc phòng châu Âu vẫn còn dè dặt với việc mở dây chuyền sản xuất ở Ukraine, còn các nhà sản xuất vũ khí lớn của Mỹ chưa cam kết lập cơ sở sản xuất ở Ukraine khi xung đột chưa kết thúc.

Trong bối cảnh như vậy, Ukraine cần phải xây dựng lại ngành công nghiệp quốc phòng trong nước để không phải phụ thuộc vào phương Tây trong nhiều năm tới. Thực tế, các đồng minh và đối tác đều đã có lúc ngần ngại gửi các hệ thống vũ khí tinh vi - bao gồm hệ thống phòng không, xe tăng, pháo tầm xa và tên lửa cho Ukraine.

Nhưng liệu điều đó có thể được thực hiện kịp thời để thay đổi quỹ đạo của một cuộc xung đột vốn được dự đoán là sẽ trở nên khó khăn hơn nếu Ukraine không có thêm viện trợ quân sự của Mỹ hay không?

Các kỹ sư quân sự Ukraine đã thể hiện kỹ năng đáng ngạc nhiên trong việc trang bị cho các hệ thống vũ khí cũ với hỏa lực hiện đại hơn. Chỉ riêng trong năm 2023, các công ty quốc phòng Ukraine đã chế tạo số lượng xe bọc thép nhiều gấp 3 lần số lượng họ sản xuất trước xung đột và đã tăng gấp 4 lần sản lượng tên lửa chống tăng.

Theo phân tích về ngân sách quân sự Ukraine đến năm 2030 của công ty tình báo quốc phòng Janes, kinh phí dành cho nghiên cứu và phát triển được dự báo sẽ tăng gấp 8 lần trong năm nay, từ 162 triệu USD lên 1,3 tỷ USD. Mua sắm quốc phòng cũng tăng lên mức cao nhất trong 20 năm, gần 10 tỷ USD trong năm 2023. Con số này trước xung đột chỉ khoảng 1 tỷ USD mỗi năm.

Tháng trước, Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Ukraine Alexander Kamyshin, cho hay: “Chúng tôi sẽ không ngồi yên chờ đợi cho đến khi các nước khác giúp đỡ chúng tôi. Chúng tôi phải cố gắng tự mình làm ra mọi thứ”.

Một số loại vũ khí khó sản xuất ở Ukraine hơn những loại khác. Trong đó có đạn pháo 155 mm, loại đạn rất cần trên chiến trường nhưng lại phải phụ thuộc vào nguyên liệu thô nhập khẩu và giấy phép từ các nhà sản xuất hoặc chính phủ các nước phương Tây.

Ông Kamyshin cho biết việc sản xuất đạn pháo 155 mm ở Ukraine “đang được tiến hành” nhưng không cho biết là khi nào.

Châu Âu rục rịch mở nhà máy sản xuất ở Ukraine

Từng là nhà cung cấp chính của Liên Xô, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đã suy giảm sau 3 thập kỷ cắt giảm ngân sách sau khi nước này tuyên bố độc lập vào năm 1991.

Chính phủ ở Kiev hiện có kế hoạch chi khoảng 6 tỷ USD trong năm nay cho vũ khí sản xuất tại Ukraine, bao gồm 1 triệu máy bay không người lái.

Ở châu Âu, các giám đốc điều hành doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội thị trường mới trong việc thúc đẩy các dự án sản xuất quân sự ở Ukraine, cho dù có thể phải mất vài năm trước khi bất kỳ loại vũ khí hoặc trang thiết bị nào đó đến được chiến trường.

Tập đoàn vũ khí khổng lồ Rheinmetall của Đức và nhà sản xuất máy bay không người lái Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ đang trong quá trình xây dựng các nhà máy sản xuất ở Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp hồi tháng 3 cho biết, 3 công ty Pháp sản xuất máy bay không người lái và thiết bị tác chiến trên bộ đang tiến gần đến các thỏa thuận tương tự. Cũng trong tháng 3, Đức và Pháp đã công bố một liên doanh thông qua tập đoàn quốc phòng KNDS để chế tạo các bộ phận của xe tăng và pháo ở Ukraine.

Các chuyên gia cho biết, quân đội Ukraine đã bố trí các hệ thống phòng không xung quanh một số nhà máy sản xuất vũ khí quan trọng nhất của nước này. Có khả năng các nhà máy được nước ngoài hậu thuẫn sẽ được xây dựng ở phía Tây Ukraine, cách xa tiền tuyến và cũng sẽ được bố trí lực lượng phòng không bảo vệ.

Christian Seear, Giám đốc điều hành hoạt động tại Ukraine của BAE Systems, cho biết ngay cả những động thái ban đầu của các nhà sản xuất nước ngoài cũng gửi đi “một thông điệp quan trọng, rằng họ có thể đến Ukraine và bắt đầu thiết lập mọi thứ”.

BAE Systems hiện tập trung vào các cơ sở sửa chữa ở Ukraine. Ảnh: AP

Ông Seear cho biết, BAE Systems có ý định sản xuất vũ khí ở Ukraine trong tương lai, nhưng hiện tại công ty này tập trung vào các cơ sở sửa chữa trước, để sửa chữa vũ khí bị hư hỏng trong chiến đấu tại các nhà máy ở Ukraine và đưa chúng trở lại tiền tuyến nhanh hơn. Nhiều loại vũ khí được Ukraine sử dụng trong cuộc xung đột với Nga như pháo M777, pháo Archer, xe chiến đấu Bradley và CV90 hay xe tăng Challenger 2 - đều do BAE Systems sản xuất.

“Chúng tôi muốn đảm bảo các hệ thống đó sẽ tiếp tục tham chiến và rõ ràng là Ukraine không thể tiếp tục bảo trì chúng ở các nước láng giềng. Việc những khẩu pháo hữu dụng và hiệu quả phải di chuyển hàng trăm km trong một cuộc chiến tiêu hao kéo dài là điều không thể chấp nhận được”, ông Seear nói.

Mỹ vẫn còn ngần ngại

Các quan chức Ukraine và Mỹ cho biết, cho đến nay, chưa có nhà sản xuất vũ khí lớn nào của Mỹ công bố kế hoạch mở dây chuyền sản xuất tại Ukraine. Tuy nhiên, một số giám đốc điều hành cấp cao đã đến thăm Kiev trong những tuần gần đây để gặp ông Kamyshin và các quan chức khác. Tháng 12/2023, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tổ chức các cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo Ukraine và các công ty quốc phòng Mỹ.

Việc giúp Ukraine xây dựng lại ngành công nghiệp quốc phòng càng trở nên quan trọng hơn khi đảng Cộng hòa tại Quốc hội phản đối gói viện trợ tài chính và quân sự trị giá 60 tỷ USD của Mỹ cho Ukraine.

Nhưng Kiev có thể làm chùn bước một số nhà đầu tư khi các đề xuất phải thông qua 3 bộ gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số và Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine.

William B. Taylor, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, người đang dẫn đầu nỗ lực của Viện Hòa bình Mỹ nhằm giúp liên kết các công ty quốc phòng của Mỹ với Ukraine cho biết: “Các công ty Mỹ có rất nhiều cơ hội đầu tư vào những nơi khác trên thế giới. Nhưng đây là nơi lợi ích quốc gia của Mỹ đang bị đe dọa. Đó là lý do tại sao chúng tôi tạo ra những mối liên hệ này”.

Vì Ukraine đang rất cần đạn pháo cỡ nòng 155 mm, ông Taylor gợi ý rằng liên doanh ban đầu giữa các công ty Ukraine và Mỹ có thể tập trung vào việc tăng cường sản xuất loại đạn này.

Tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrskyi cho hay: “Nếu các công ty nước ngoài tham gia vào quá trình sản xuất đạn pháo với số lượng mà họ hứa hẹn, chúng tôi sẽ giải quyết được cơn khát đạn pháo theo thời gian”.

Hoàng Phạm/VOV.VN NY Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ukraine-hoi-ha-tu-luc-canh-sinh-san-xuat-vu-khi-post1086803.vov