Ukraine kêu gọi ngắt Internet toàn cầu tại Nga

Vào ngày 28/2, Ukraine đã gửi một bức thư tới ICANN - tổ chức quản lý tên miền và địa chỉ IP trên toàn thế giới với yêu cầu thu hồi các miền được cấp ở Nga và đóng các máy chủ DNS chính ở nước này.

Vùng DNS gốc là một yếu tố quan trọng đối với chức năng tổng thể của Internet, chịu trách nhiệm xử lý các truy vấn tới các miền cấp cao nhất chẳng hạn như .com và các miền dành riêng cho quốc gia như .ru của Nga.

Ukraine kêu gọi ngắt Internet toàn cầu tại Nga

Ukraine kêu gọi ngắt Internet toàn cầu tại Nga

Nếu yêu cầu này của Ukraine được thực hiện sẽ khiến các trang web của Nga không thể tải trang chủ, địa chỉ email sẽ ngừng hoạt động, smartphone, máy tính và các thiết bị được kết nối khác ở Nga sẽ không thể truy cập mạng từ trong nước. Nga sẽ bị tách biệt hoàn toàn khỏi Internet toàn cầu.

Andrii Nabok, người đại diện cho Ukraine trong Ủy ban Cố vấn Chính phủ của ICANN cho biết mục đích của hành động này để giúp người dùng Internet truy cập thông tin uy tín, ngăn chặn tuyên truyền và thông tin sai lệch.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này có thể “lợi bất cập hại”. Mallory Knodel, Giám đốc công nghệ tại Trung tâm Dân chủ và Công nghệ cho biết kế hoạch này sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng quyền truy cập Internet của người dân ở Nga nhưng sẽ không ảnh hưởng đến các tổ chức hệ thống như quân đội và chính phủ.

Thêm vào đó nó sẽ phá vỡ một số chức năng xác thực và bảo mật web quan trọng hiện đang được đưa vào Internet. Ngoài ra điều này còn có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho phép các quốc gia khác thực hiện các yêu cầu tương tự.

Vào năm 2021, Nga đã tiến hành một cuộc thử nghiệm ngắt Internet toàn cầu, nhằm đánh giá khả năng hoạt động của mạng nội bộ (Runet) trong tình huống đối mặt với các mối đe dọa bên ngoài. Vì thế động thái kêu gọi này của Ukraine có thể thực hiện đúng mong muốn của điện Kremlin: để người dân không kết nối với thông tin bên ngoài.

Trong nhiều năm, ICANN đã thận trọng xây dựng hình ảnh là nhà quản lý phi chính trị của các chức năng Internet. Tổ chức hoạt động dựa trên sự đồng thuận của các thành viên không chỉ bao gồm các chính phủ mà còn có các nhóm xã hội dân sự và các chuyên gia kỹ thuật. Do đó, không có một cá nhân nào có thể toàn quyền đưa ra quyết định.

Angelina Lopez, người phát ngôn của ICANN, xác nhận với CNN rằng bức thư đã được nhận và các quan chức đang xem xét, nhưng từ chối bình luận thêm.

Hương Dung(Tổng hợp)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/vien-thong/ukraine-keu-goi-ngat-internet-toan-cau-tai-nga-820180.html