Ukraine 'thắng lớn' sau khi ký hiệp ước lịch sử với 2 cường quốc EU

Chuyên gia quân sự Thụy Điển Mikael Valtersson nhận định rằng Ukraine hy vọng việc ký kết các thỏa thuận an ninh song phương với Đức và Pháp sẽ giúp nước này tránh khỏi kết cục thất bại trong cuộc xung đột hiện tại với Nga.

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ký thỏa thuận an ninh với Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhân chuyến thăm Berlin hôm 16/2. Ảnh: Getty

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa ký kết loạt thỏa thuận lịch sử với lãnh đạo Pháp và Đức trong chuyến công du tới hai nước, nhằm đảm bảo sự ủng hộ của châu Âu giữa thời điểm hỗ trợ tài chính và quân sự của Mỹ dành cho Kiev ngày càng giảm.

Theo hãng tin AP, tối ngày 16/2, Tổng thống Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã ký kết thỏa thuận đảm bảo an ninh song phương kéo dài 10 năm.

Tổng thống Macron tuyên bố, Paris sẽ cung cấp các gói hỗ trợ quân sự trị giá 3 tỷ euro (tương đương 3,2 tỷ USD) cho Kiev trong năm nay, tăng mạnh từ mức 1,7 tỷ euro năm 2022 và 2,1 tỷ euro trong năm ngoái.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) bắt tay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Điện Elysee ở Paris, sau khi ký thỏa thuận an ninh song phương hôm 16/2. Ảnh AFP

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Zelensky đã ký thỏa thuận tương tự với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Berlin. Theo đó, Berlin sẽ cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế cho Kiev trong 10 năm tới.

Bên cạnh đó, chính phủ Đức đã chuẩn bị một gói hỗ trợ tức thời trị giá 1,22 tỷ USD để cung cấp cho Kiev 36 khẩu pháo, 120.000 viên đạn pháo và một số hệ thống phòng không.

Đức hiện là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ. Thủ tướng Scholz gần đây đã kêu gọi các nước châu Âu khác đẩy mạnh cung cấp thêm vũ khí.

Trong khi đó, Pháp tháng trước đã công bố kế hoạch giao hệ thống pháo Caesar cho Ukraine, đồng thời cam kết cung cấp 3.000 quả đạn pháo 155mm mỗi tháng trong năm nay, cũng như khoảng 40 tên lửa hành trình tầm xa Scalp.

Các đồng minh châu Âu trong những ngày gần đây hối thúc Quốc hội Mỹ phê duyệt một gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD cho Kiev. Số tiền này phần lớn dành cho các doanh nghiệp quốc phòng của Mỹ sản xuất tên lửa, đạn dược và các khí tài quân sự khác để gửi đến chiến trường ở Ukraine.

Vào tháng 1 vừa qua, Ukraine đã ký thỏa thuận an ninh song phương đầu tiên với Anh. Tổng thống Zelensky trước đó nói rằng đang xem xét nhiều thỏa thuận với các nước khác.

Theo giới phân tích quân sự, các thỏa thuận an ninh dường như chủ yếu nhằm gửi đi thông điệp đoàn kết lâu dài khi Ukraine quay trở lại thế phòng thủ trong cuộc xung đột hiện tại, do thiếu đạn dược và nhân lực.

Nhận định với hãng tin Sputnik, chuyên gia quân sự Mikael Valtersson cho biết, các hiệp ước an ninh song phương giữa Ukraine với các cường quốc châu Âu nhằm cung cấp các gói hỗ trợ tạm thời trong bối cảnh Kiev khó có thể sớm gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

theo chuyên gia Valtersson, cựu chánh văn phòng đảng Dân chủ Thụy Điển, các hiệp ước trên cũng giúp trấn an giới chức Ukraine nhờ những cam kết hỗ trợ lâu dài cho Kiev của các nước thành viên NATO,

Ông Valtersson lưu ý thêm, Ukraine cũng hy vọng việc ký kết các thỏa thuận an ninh song phương với các cường quốc châu Âu sẽ giúp nước này tránh bị thất bại trong cuộc xung đột hiện tại với Nga.

Chuyên gia Valtersson cho rằng các thỏa thuận an ninh nói trên chỉ mang tính biểu tượng, trên thực tế các gói viện trợ quân sự và kinh tế của Anh, Pháp và Đức cho Ukraine trong dài hạn sẽ không thay đổi nhiều so với thời điểm hiện tại.

Bên cạnh đó, chuyên gia quân sự của Thụy Điển cho biết, ông không thực sự tin tưởng nhiều vào các cam kết hỗ trợ quân sự của phương Tây đối với Kiev sau khi EU “thất hứa” về việc cung cấp 1 triệu quả đạn pháo cho Ukraine.

“Việc đưa ra những lời hứa không khó, song không dễ dàng để EU thực hiện đúng các cam kết với Ukraine. Được biết, Brussels mới gửi được khoảng 300.000 quả đạn pháo cho Kiev trong khi khả năng sản xuất của các quốc gia EU rất hạn chế” - chuyên gia Valtersson cho hay.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ukraine-thang-lon-sau-khi-ky-hiep-uoc-lich-su-voi-2-cuong-quoc-eu.html