Ukraine thỏa thuận kinh tế với EU thiệt nhiều hơn được

Cố gắng có được thỏa thuận kinh tế với EU, Ukraine đang gánh chịu thâm hụt thương mại lớn với EU.

Hãng tin RT của Nga đưa tin, Ukraine đang phải chịu sự mất cân bằng thương mại với hầu hết các đối tác châu Âu.

Thỏa thuận kinh tế với EU không mang lại lợi ích cho Ukraine.

Thỏa thuận kinh tế với EU không mang lại lợi ích cho Ukraine.

Theo các dữ liệu thống kê từ Ukraine, trong quý đầu tiên của năm hiện tại, thâm hụt thương mại giữa Ukraine với Liên minh châu Âu là 535 triệu USD. Trong đó, thâm hụt lớn nhất là với nền kinh tế số một của châu Âu là Đức.

Thỏa thuận thương mại cho phép Ukraine chỉ được cung cấp 36 loại sản phẩm miễn thuế và với số lượng hạn chế cho thị trường EU. Nghĩa là, Ukraine được bán thêm 3.000 tấn mật ong, 500 tấn rượu, 650.000 tấn bột ngô/ngô, 7.800 tấn lúa mạch và bột mì, 4.000 tấn yến mạch và một số sản phẩm khác.

Sau khi cạn kiệt hạn ngạch, các nhà sản xuất Ukraine phải cung cấp hàng hóa cho châu Âu mà không có lợi ích thương mại. Hạn ngạch thường được điền vào đầu mỗi năm tài chính.

Đầu tuần này, cựu bộ trưởng kinh tế của Ukraine, Viktor Suslov, đã đổ lỗi cho EU vì thỏa thuận thương mại bất lợi cho Ukraine, cáo buộc các quan chức EU áp đặt quy định bất lợi đối với Kiev khi ký thỏa thuận.

Cựu quan chức Ukraine cho rằng, sự bất lực của Kiev trong việc cạnh tranh với các quốc gia thành viên EU trong vấn đề kinh tế đã khiến nước này chấp nhận các điều khoản bất công của thỏa thuận. Kiev phải chấp nhận hạn ngạch và hạn chế hàng hóa trong khi mở cửa thị trường cho dòng hàng hóa vô hạn định từ châu Âu.

"EU đưa ra hạn ngạch đối với các sản phẩm của Ukraine, họ tạo ra các quy chế về chất lượng và số lượng nhập khẩu đối với các ngành mũi nhọn của chúng ta, tuy nhiên Kiev lại không đưa ra bất kỳ ràng buộc nào với đối tác này" - ông Suslov cho biết.

Ukraine đã ký thỏa thuận với EU hơn 5 năm trước, ngay sau khi cuộc cách mạng Maidan hạ bệ chính phủ của Tổng thống lúc đó là ông Viktor Yanukovich. Ý nghĩa chính trị của thỏa thuận đã có hiệu lực kể từ tháng 9/2014 và nội dung kinh tế đã bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2016.

Ông Viktor Yanukovich đã từng từ chối thỏa thuận vì thấy được sự bất công mà Ukraine phải chịu. Tuy nhiên, sau khi ông này bị lật đổ vì chính biến Maidan, chính quyền Tổng thống Petro Poroshenko đã đạt thỏa thuận kinh tế này với EU. Đây được coi như là một dấu ấn vẻ vang cho thấy những bước tiến tích cực của Ukraine tiến gần hơn đến các giá trị phương Tây.

Nhưng cho đến nay Ukraine vẫn đang chật vật để đáp ứng các tiêu chuẩn hàng hóa khắt khe nhưng ít ỏi từ những đơn hàng của EU. Trong khi đó, hàng hóa EU đã ngập tràn tại Ukraine.

Các nhà phân tích cho rằng, logic của chính sách kinh tế Ukraine không chỉ làm giảm tốc thương mại của đất nước, mà còn khiến Kiev mắc nợ lớn sau khi phá vỡ mọi mối quan hệ với Nga.

Vladimir Rojankovsky, chuyên gia tại Trung tâm tài chính quốc tế nhận định: "Quyết định duy nhất của cựu Tổng thống Petro Poroshenko là phá vỡ mọi mối quan hệ với Nga và vội vàng giải quyết các vấn đề hội nhập với Tây Âu, bất chấp các tiêu chuẩn công nghệ châu Âu như ISO và DIN là khác rất nhiều so với những tiêu chuẩn ở Ukraine, được thừa hưởng từ Liên Xô".

Vị chuyên gia cho rằng, hành động đánh mất một thị trường và không có lợi ích gì từ một thị trường khác là "một vết thương kinh tế mà Ukraine tự gây ra".

"Người ta hoàn toàn có thể xác định rằng các công ty máy móc hạng nặng như Motor Sitch hay giả sử, nhà sản xuất máy bay Antonov - không phù hợp để bán sản xuất của họ cho Tây Âu hoặc bất cứ nơi nào khác ngoại trừ Nga trong tương lai gần nhất. Song họ vẫn kiên quyết từ bỏ thị trường Nga" - ông Rojankovsky nói.

Thương mại EU - Ukraine có thể đã khá hơn dưới thời ông Yanukovich.

Các nhà kinh tế khác có chung nhận định rằng, hiệu quả kinh tế của Ukraine đã trở nên tồi tệ trong những năm qua giữa bối cảnh nợ nước ngoài ngày càng tăng. Tổng nợ nội bộ và nợ nước ngoài đã tăng thêm 13 triệu USD trong thời gian Ukraine hợp tác tài chính với Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Khoản nợ đã chiếm tới 70% GDP của nước này.

Nhà phân tích cao cấp tại ngân hàng đầu tư BCS Premier Serge Suverov có trụ sở tại Moscow cho rằng, con số nợ này chưa đạt đến mức nghiêm trọng hiện nay, nhưng đủ lớn để Ukraine phải xem xét việc không thực hiện chương trình thắt lưng buộc bụng và liên tục vay nợ nước ngoài.

"Tất nhiên, vay nợ nước ngoài không phải là cách tốt nhất, vì nó sẽ khiến đồng tiền quốc gia mất giá mạnh, tăng lạm phát, làm xấu đi mức sống trung bình của người dân Ukraine" - ông Suverov nhận định, đồng thời cho rằng, Ukraine có thể giảm các khoản viện trợ tài chính từ bên ngoài trong một số năm tới.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ukraine-thoa-thuan-kinh-te-voi-eu-thiet-nhieu-hon-duoc-3380987/