Ukraine và Nga sẽ cùng nhau giải quyết khủng hoảng

Các thành viên của nội các Ukraine đã bắt đầu tham vấn với các đối tác Nga nhằm giảm bớt leo thang căng thẳng giữa hai nước, Thủ tướng Ukraina Arseny Yatsenyuk cho biết hôm thứ Ba (4/3).

Tờ Tân Hoa Xã của Trung Quốc trích dẫn lời phát biểu của ông Yatsenyuk trong một cuộc họp báo cho biết: "Tham vấn cấp Bộ giữa Ukraine và Nga đã bắt đầu. Mặc dù quá trình đàm phán sẽ diễn ra khá chậm chạp, tuy nhiên những bước đầu tiên cũng đã được thực hiện".

Thủ tướng Ukraina Arseny Yatsenyuk.

Ông Yatsenyuk nói chính phủ của ông đã sử dụng tất cả các biện pháp có thể để ổn định tình hình trong nước.

Căng thẳng giữa Kiev và Matxcơva đã leo thang trong tuần qua, khi các nhóm vũ trang đã chiếm giữ tòa nhà chính phủ và quốc hội tại nước Cộng hòa Crimea và nắm quyền kiểm soát hai sân bay. Cờ Nga đã bay trên nóc các tòa nhà bị chiếm đóng.

Hôm 1/3, thượng viện của quốc hội Nga đã chấp thuận yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin cho việc sử dụng lực lượng vũ trang ở Ukraine vì "tình hình bất thường và các mối đe dọa tới cuộc sống của các công dân Nga".

Trong khi đó, dư luận quốc tế tiếp tục gia tăng mối bận tâm tới khủng hoảng ở Ukraine sẽ lan rộng và ảnh hưởng tới các quốc gia khác. Nhật Bản đã tỏ ra lo ngại các biện pháp áp đặt trừng phạt kinh tế của phương Tây sẽ làm ảnh hưởng tới mối quan hệ kinh tế phụ thuộc toàn cầu hiện nay, đặc biệt là quan hệ Tokyo – Matxcơva.

Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo G7 khác đang bàn luận về biện pháp trừng phạt hoặc phản ứng trừng phạt, các quan chức Nhật Bản khẳng định nói quan hệ của họ với Nga vẫn đi đúng hướng.

Chưa có sự thay đổi theo hướng ngoại giao kinh tế và tài nguyên giữa Nhật Bản và Nga, Bộ trưởng Thương mại Toshimitsu Motegi cho biết. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đã tạo một “cú sốc” tới chính phủ Nhật Bản.

Mối quan hệ gần gũi hơn đang được thúc đẩy bởi lợi ích năng lượng lẫn nhau, khi Nga có kế hoạch tăng gấp đôi xuất khẩu khí đốt vào châu Á trong 20 năm tới. Nhật Bản hiện buộc phải nhập khẩu một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch để thay thế năng lượng bị mất từ ngành công nghiệp điện hạt nhân của mình. Các nhà máy điện hạt nhân đã đóng cửa sau thảm họa Fukushima năm 2011.

"Nếu các quốc gia phương Tây đồng thuận hành động áp đặt trừng phạt kinh tế lên Nga, chúng ta có thể bị ảnh hưởng", một quan chức cấp cao tại một công ty Nhật Bản tham gia vào lĩnh vực năng lượng tại Nga cho biết, "Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra vào lúc này, nhưng tôi e sợ lĩnh vực năng lượng sẽ gây rất nhiều sự chú ý".

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã xem việc tạo dựng quan hệ thân thiết với Matxcơva là một ưu tiên và ông đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần kể từ khi trở lại văn phòng từ năm 2012.

MINH ANH (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ukraine-va-nga-se-cung-nhau-giai-quyet-khung-hoang-post121339.info