UNCLOS 1982: Khuôn khổ pháp lý toàn diện trên biển

Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) là cơ sở pháp lý quốc tế thiết lập trật tự pháp lý trên biển và đại dương. Công ước có tầm quan trọng mang tính toàn diện, chiến lược cũng như tính thống nhất, toàn vẹn.

Chiến sĩ canh gác tại cột mốc trên đảo Trường Sa Đông. Ảnh: TTXVN

Chiến sĩ canh gác tại cột mốc trên đảo Trường Sa Đông. Ảnh: TTXVN

Cơ sở thiết lập trật tự pháp luật quốc tế

Ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, UNCLOS là cơ sở pháp lý quốc tế thiết lập trật tự pháp lý trên biển gồm hệ thống quy định toàn diện xác lập các vùng biển, điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương. Xét về hệ thống pháp luật quốc tế, UNCLOS có giá trị cao hơn tất cả các quy định pháp luật quốc tế khác như Công ước, Hiệp định, Thỏa thuận quốc tế, tập quán quốc tế về biển...

Minh chứng rõ nét cho điều này, trong UNCLOS có điều khoản nêu rõ: “Hiệp định, Thỏa thuận giữa hai hay nhiều quốc gia thành viên UNCLOS về bất kỳ vấn đề nào được quy định tại UNCLOS thì phải phù hợp với UNCLOS; chỉ có các quyền, nghĩa vụ hình thành từ các quy tắc của pháp luật quốc tế không trái với UNCLOS là được công nhận và áp dụng bởi tòa án hay tòa trọng tài có thẩm quyền theo Phần XV Công ước”.

Giới chuyên gia pháp luật quốc tế khẳng định, chính nhờ tầm quan trọng mang tính chiến lược cũng như tính thống nhất, toàn vẹn của UNCLOS, Công ước rất cần được tiếp tục duy trì. Đặc biệt, UNCLOS quy định rõ quy chế pháp lý của các vùng biển, quyền và nghĩa vụ của các quốc gia. Điều này giúp UNCLOS là cơ sở để xác lập phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia ven biển, kể cả quốc gia quần đảo (gồm nội thủy, vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa); các vùng biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia (gồm biển cả hay còn gọi là biển quốc tế, vùng đáy biển quốc tế và tài nguyên khoáng sản).

UNCLOS cũng quy định mọi hoạt động liên quan đến thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển phải được phép của quốc gia đó; mọi hoạt động không được cấp phép đều là bất hợp pháp, vi phạm một cách rõ ràng các quy định của Công ước.

Nổi bật như Điều 121 UNCLOS quy định tiêu chí xác định “đảo” là vùng đất tự nhiên có nước bao bọc và luôn ở trên mặt nước khi thủy triều lên; các đảo có khả năng duy trì điều kiện cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng thì sẽ có đầy đủ các vùng lãnh hải, tiếp giáp, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa như lãnh thổ đất liền. Các đảo không có đáp ứng hai điều kiện nêu trên thì chỉ có lãnh hải 12 hải lý, không vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm nói chung không có lãnh hải riêng (và do đó cũng không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa) và sự có mặt của chúng không ảnh hưởng đến việc xác định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

“Nội lực” đầy đủ và nhất quán

UNCLOS thành lập các cơ quan, cơ chế với vai trò và chức năng khác nhau, có tính chất bổ sung cho nhau nhằm bảo đảm thực thi Công ước đầy đủ và nhất quán cũng như có đủ cơ chế giải quyết tranh chấp về giải thích và áp dụng Công ước. UNCLOS có quy định cơ chế giải quyết tranh chấp trong việc giải thích và áp dụng Công ước (Phần XV), bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý. Khi có tranh chấp, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ nhanh chóng trao đổi quan điểm về giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hoặc các biện pháp hòa bình khác.

Phân tích theo căn cứ quy định của UNCLOS, giới chuyên gia pháp luật diễn giải, nếu việc trao đổi, đàm phán trong một thời gian hợp lý không đạt được giải pháp, các bên có thể thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế để có phán quyết ràng buộc, đó là Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS - được thành lập theo Phụ lục VI của UNCLOS) hoặc Tòa trọng tài (theo Phụ lục VII UNCLOS), Tòa trọng tài đặc biệt (theo Phụ lục VIII UNCLOS).

Tranh chấp nếu không được giải quyết thông qua trao đổi, đàm phán trong thời gian hợp lý thì có thể đưa ra cơ chế bắt buộc - Tòa trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS (với những điều kiện nhất định), hoặc đưa ra Ủy ban hòa giải (được thành lập theo Phụ lục V của UNCLOS), trên cơ sở các khuyến nghị của Ủy ban hòa giải tuy không có giá trị ràng buộc pháp lý, các bên tranh chấp có nghĩa vụ phải đàm phán để đạt giải pháp giải quyết tranh chấp và nếu không đàm phán được, các bên có nghĩa vụ giải quyết thông qua cơ quan tài phán.

Đảo Đá Lát, Trường Sa. Ảnh: TTXVN

Phán quyết của các cơ quan tài phán theo quy định của UNCLOS góp phần giải thích đúng đắn các quy định của UNCLOS, làm rõ một số vấn đề còn chưa rõ hoặc gây tranh cãi, hoặc yêu sách và hành động trái với quy định của UNCLOS. Hiệu quả thực thi UNCLOS, cũng giống như việc thực thi các điều ước quốc tế khác, trên thực tế không chỉ thể hiện ở quan điểm của quốc gia tại các diễn đàn khu vực và quốc tế thảo luận về biển mà phụ thuộc vào hành động của mỗi quốc gia thành viên trong việc sử dụng biển, đại dương và các tài nguyên biển, đòi hỏi thiện chí và quan tâm đúng mức của mỗi quốc gia.

UNCLOS được ký kết năm 1982 và có hiệu lực từ tháng 11 năm 1994. Trong 26 năm qua, Việt Nam luôn tích cực tham gia và thực thi UNCLOS thể hiện thiện chí, sự coi trọng và kỳ vọng của Việt Nam vào trật tự pháp lý công bằng về biển. Nỗ lực và sự nghiêm túc chấp hành quy định luật pháp quốc tế của Việt Nam luôn được quốc tế đánh giá rất cao, thể hiện rõ nét ở việc quốc tế ngày càng ghi nhận uy tín của Việt Nam. Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam luôn được khẳng định mạnh mẽ rằng, Việt Nam quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển.

Thanh Trúc (tổng hợp)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/unclos-1982-khuon-kho-phap-ly-toan-dien-tren-bien-post430080.html