UNESCO đưa tấm thảm Ngày tận thế vào sổ đăng ký 'Ký ức của thế giới'

Bộ Văn hóa Pháp vừa cho biết, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã đưa tấm thảm dệt Ngày tận thế (Apocalypse) vào danh sách 'Ký ức của thế giới' ở lâu đài Angers, thuộc tỉnh Maine-et-Loire, miền Tây nước Pháp.

Unesco ghi tấm thảm Ngày tận thế vào sổ đăng ký “Ký ức của thế giới”. Ảnh: euro.dayfr.com

Unesco ghi tấm thảm Ngày tận thế vào sổ đăng ký “Ký ức của thế giới”. Ảnh: euro.dayfr.com

Đây là tấm thảm lâu đời nhất và lớn nhất trong lịch sử thời Trung cổ. Tấm thảm Ngày tận thế trải qua một quá trình chờ đợi dài mới được công nhận kể từ khi nộp đơn vào năm 2015 bởi Christophe Béchu, khi đó là thị trưởng của Angers. Hiện nó đang được trưng bày tại Lâu đài ở Angers, thuộc tỉnh Maine-et-Loire, phía Tây Bắc nước Pháp.

Tấm thảm ban đầu được đặt hàng bởi Công tước Louis 1 của Anjou vào năm 1375. Các bản vẽ được thực hiện bởi Jean de Bruges và tấm thảm được hoàn thành hơn 7 năm. Vào thế kỷ 15, tấm thảm được đánh giá cao, được trưng bày vào năm 1400 tại đám cưới của Công tước Louis II, và vào năm 1480, nó được người cuối cùng của Công tước Anjou, Vua René, để lại cho Nhà thờ Angers.

Một trong những hình ảnh trên tấm thảm Ngày tận thế. Ảnh: theguardian

Thật không may, đến thế kỷ 18, vẻ đẹp của tấm thảm không được công nhận và nó đã bị hư hỏng nặng. May mắn thay, các mảnh vẫn còn và sau đó được khôi phục vào thế kỷ 19. Tấm thảm cuối cùng đã quay trở lại Chateau d"Angers vào năm 1954, sau chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Tấm thảm Ngày tận thế là tấm thảm trang trí lớn nhất còn tồn tại, mặc dù hình thức mà chúng ta thấy không phải là bản gốc. Năm 1382, tấm thảm chỉ có 6 phần, mỗi phần cao 6 mét và rộng 23 mét.

Tấm thảm mang tên "Khải huyền”. Ảnh: theguardian

Tấm thảm được tạo thành từ 67 miếng ghép lớn tạo nên một bức tranh khổng lồ có diện tích gần 500m2, minh họa cuốn sách cuối cùng của bộ Kinh thánh Tân ước mang tên “Khải huyền” hay còn gọi là “Ngày tận thế của Thánh Jean”, mô tả cuộc đấu tranh giữa thiện và ác.

Với kỹ thuật dệt tinh xảo bằng sợi len, tấm thảm được coi là tuyệt tác nghệ thuật thời Trung cổ của phương Tây, và thường được trưng bày trong các buổi lễ lớn trước công chúng, đồng thời khẳng định tham vọng chính trị của hoàng tử, Công tước Louis I xứ Anjou.

Câu chuyện trên tấm thảm mang tên Ngày Thịnh nộ trọng đại của Ngài, John Martin. Ảnh: theguardian

Có niên đại từ thế kỷ thứ 9, lâu đài từng là nơi ở của các vị Công tước và Bá tước xứ Anjou. Địa danh này ngày nay thu hút đông đảo du khách cũng một phần nhờ các hiện vật bảo tàng phong phú và những khu vườn cây, giàn nho, sân và nhà nguyện tuyệt đẹp.

Hằng năm, có khoảng 260.000 du khách đến nơi đây để khám phá Lâu đài Angers và chiêm ngưỡng quy mô hoành tráng và vẻ đẹp tinh xảo của tấm thảm Ngày tận thế.

Theo Bộ Văn hóa Pháp, việc ghi tên tấm thảm Ngày tận thế vào “Ký ức của Thế giới” sẽ giúp củng cố danh tiếng của tác phẩm và đảm bảo khả năng tiếp cận toàn cầu đối với di sản này.

Hương Giang (tổng hợp)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/unesco-dua-tam-tham-ngay-tan-the-vao-so-dang-ky-ky-uc-cua-the-gioi/27572.htm