Ứng cử viên Vladimir Putin khó có đối thủ thực sự

Trong bài viết về cuộc bầu cử Tổng thống Nga sắp tới, báo Pháp Libération nhận định: Đương kim Tổng thống Vladimir Putin không cần đưa ra chương trình hành động thực sự nào cho tranh cử mà vẫn thẳng tiến đến đích tái đắc cử nhiệm kỳ mới.

Tờ báo cho rằng, người duy nhất có thể quấy phá “ngày vui” của chủ nhân điện Kremlin là lãnh đạo đối lập Alexei Navalny đã chính thức bị loại khỏi cuộc đua. Ngay cả khi diễn ra các cuộc biểu tình kêu gọi tẩy chay bầu cử vào cuối tuần trước do ông Navalny phát động, giới quan sát ở Nga cũng đánh giá phong trào đối lập sẽ không thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tổng thống vào tháng 3 với chiến thắng thuộc về ông Vladimir Putin. Theo báo Vedomosti (Nga), giới quan sát tại Nga ít ai nghi ngờ về một chiến thắng tuyệt đối của nhà lãnh đạo Vladimir Putin.

Sau cuộc biểu tình trái phép nói trên, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov đã tuyên bố ông không thấy bất cứ đối thủ nào có thể thách thức Tổng thống Nga Vladimir Putin về lĩnh vực chính trị ở thời điểm này. Theo ông: “Tầm ảnh hưởng của Tổng thống Vladimir Putin thậm chí đã vượt ra ngoài biên giới nước Nga. Hầu như không ai có thể hoài nghi về năng lực lãnh đạo của Tổng thống Putin và theo quan điểm của công chúng, khó có thể tìm ra đối thủ thực sự của ông vào thời điểm hiện tại”.

Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: TASS

Một trong những bằng chứng cho thấy nhà lãnh đạo Vladimir Putin chiếm ưu thế so với các đối thủ chính trị khác là ông đã trở thành ứng viên đầu tiên nộp đủ số chữ ký ủng hộ cần thiết cho Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) để trở thành ứng cử viên chính thức tham gia cuộc đua vào điện Kremlin năm 2018 với tư cách ứng viên độc lập. Đại diện chiến dịch tranh cử của Tổng thống Vladimir Putin ngày 29-1 cho biết, khoảng 315.000 bản đăng ký bằng giấy với chữ ký của những người ủng hộ ông Putin đã được chuyển tới văn phòng của CEC ở thủ đô Moscow.

Theo ông Yevgeny Shevchenko, một thành viên của CEC, việc xác minh hơn 300.000 chữ ký ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin trước thềm bầu cử Nga sẽ mất khoảng 1 tuần. Sau đó, CEC sẽ thông báo cho ứng viên nộp hồ sơ liệu họ có đủ tiêu chuẩn để trở thành ứng viên tranh cử tổng thống chính thức hay không. Trong trường hợp tỷ lệ chữ ký không hợp lệ do sai sót hoặc gian lận vượt quá 5%, người nộp hồ sơ có thể bị loại khỏi cuộc đua vào điện Kremlin.

Trước đó, ông Sergei Kogogin, đồng chủ tịch nhóm vận động tranh cử của Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Tổng thống Putin nhận được hơn 1,5 triệu chữ ký ủng hộ tranh cử, nhiều gấp 5 lần so với yêu cầu từ CEC. Ông Kogogin cho biết số chữ ký trên được thu thập tại 76 vùng ở Nga và đã kiểm tra 40% tổng số chữ ký. Một số nguồn tin từ đội ngũ tranh cử của Tổng thống Vladimir Putin cho biết, dù nhà lãnh đạo Nga đã thu đủ số chữ ký cần thiết, song việc tiếp nhận chữ ký sẽ vẫn tiếp tục để “người Nga có cơ hội bày tỏ quan điểm của họ với ông Putin”.

Theo các cuộc điều tra dư luận Nga, đương kim Tổng thống Vladimira Putin vẫn là ứng viên sáng giá nhất tính đến thời điểm hiện tại. Kết quả cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu VTSIOM thuộc Chính phủ Nga công bố hôm 15-1 cho biết, 81,1% số người được hỏi trả lời họ ủng hộ Tổng thống Vladimira Putin. Tỷ lệ này cho thấy khả năng ông bỏ xa các đối thủ còn lại, những người được dự đoán chỉ dành được tỷ lệ ủng hộ kém rất xa tổng thống đương nhiệm.

Không khó hiểu vì sao nhà lãnh đạo Nga nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các cử tri Nga như vậy. Kể từ khi nhà lãnh đạo này trở thành chủ nhân điện Kremlin vào năm 2000, nước Nga đã dần lấy lại được vị thế của một cường quốc trên thế giới. Kinh tế Nga có những bước chuyển biến đáng kể trên mọi lĩnh vực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trước khi Tổng thống Putin đắc cử vào năm 2000, Nga có mức GDP bình quân đầu người quy đổi theo sức mua tương đương là 9.899 USD. Con số này tăng gần gấp 3 vào năm 2017 và hiện ở mức 27.900 USD. Nga cũng là nước có GDP bình quân đầu người cao nhất trong khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), vượt Trung Quốc ở vị trí thứ hai với con số 16.624 USD. Trải qua 18 năm gắn với các nhiệm kỳ tổng thống và thủ tướng của ông Putin, sức tăng trưởng của kinh tế Nga đã lên tới 600%. Hãng kiểm toán PwC dự đoán tới năm 2050, Nga sẽ trở thành nền kinh tế số 1 ở châu Âu, vượt cả Đức và Anh.

Đó là chưa kể tới việc vị thế và vai trò của nước Nga đã được khẳng định trên trường quốc tế dưới thời của nhà lãnh đạo Vladimir Putin. Nước Nga đang ngày càng chứng tỏ là một trong những quốc gia có sức ảnh hưởng hàng đầu trong các vấn đề mang tính toàn cầu như cuộc khủng hoảng Syria, hay sự trở lại ấn tượng của nước này ở khu vực “chảo lửa” Trung Đông những năm gần đây là một ví dụ nổi bật.

MAI NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/ung-cu-vien-vladimir-putin-kho-co-doi-thu-thuc-su-530555