Ðừng đùa với camera

Xử lý nghiêm hành vi xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường để chấn chỉnh lối sống văn minh đô thị đã được các cơ quan chức năng TP HCM quyết tâm đặt ra trong thời gian tới.

Thực hiện mục tiêu này, theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, sẽ có hơn 42.000 camera an ninh kết hợp theo dõi, giám sát chất lượng vệ sinh môi trường để xử phạt hành vi xả rác nơi công cộng, tiểu bậy, gây ô nhiễm môi trường…

Tình trạng xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường thật sự đã quá sức chịu đựng. Hầu như tuyến đường nào cũng thấy rác thải do những người kém ý thức vứt ra. Tại các chợ tự phát thì càng kinh khủng hơn, rác tràn lan, nước thải xả ra đường như chuyện đương nhiên và chỉ được dọn dẹp khi đêm xuống. Không chỉ cá nhân, nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp cũng góp phần vào việc xâm hại môi trường.

Thực trạng là thế nhưng không dễ gì xử lý, bởi rất khó "bắt tận tay, day tận mặt". Vả lại, cơ quan dễ tiếp cận là cấp phường nên cũng không đủ quyền hạn để đưa ra những hình thức xử lý thích đáng. Những cản ngại như trên và tâm lý vốn xem xả rác là hành vi nhỏ nhặt đã làm tình hình khó được cải thiện. Nhưng khi dân số phát triển nhanh, không gian sống dần bị thu hẹp, hành vi xả rác, tiểu bậy đã trực tiếp uy hiếp cuộc sống trong lành của cư dân nên không thể du di được nữa. Mặt khác, chúng ta đang xây dựng cuộc sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp nên càng không thể chấp nhận hành vi kém ý thức, xem thường môi trường công cộng.

Tất nhiên, không ai hy vọng sẽ có những bước đột phá và triệt để như Singapore hay Nhật Bản ngay lập tức… Nhưng mục tiêu trong tương lai là chúng ta phải thực hiện bằng được việc tạo ý thức tôn trọng môi trường sống chung. Ý thức này phải hình thành từ môi trường giáo dục, qua uốn nắn hành vi từ tuyên truyền và chấn chỉnh bằng công cụ pháp lý với mức xử phạt thích đáng. Phải mất nhiều năm và kiên trì qua từng thế hệ mới có được điều đó. Chúng ta không có nhiều thời gian để lần lượt xử lý từng mục tiêu như phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống văn minh mà phải thực hiện cùng lúc nên càng phải quyết tâm và cứng rắn.

Nói về ý thức của người dân thì cũng phải đề cập đến trách nhiệm của cơ quan quản lý. Vài năm trước, thành phố đã triển khai hàng loạt nhà vệ sinh công cộng trên các tuyến đường trung tâm. Thế nhưng, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, xảy ra những vấn đề bất cập nên không ít nhà vệ sinh phải đóng cửa. Nhiều nơi khác bị sử dụng sai mục đích nên khó đáp ứng được nhu cầu của người dân. Mặt khác, ngoài các khu vui chơi được bố trí thùng rác công cộng, phần lớn các tuyến đường đều không có hoặc bố trí quá ít. Những người thực sự có nhu cầu cũng khó tìm nơi bỏ rác thích hợp. Việc thu gom rác bài bản, hiện đại chỉ được thực hiện ở các tuyến đường lớn. Còn các tuyến đường nhỏ, đường hẻm đều giao cho dịch vụ rác dân lập với phương tiện thu gom thô sơ và chính nó cũng đã gây ô nhiễm môi trường.

Giữ môi trường trong lành, tổ chức cuộc sống văn minh nơi đô thị là yêu cầu bắt buộc trong quá trình xây dựng thành phố hiện đại, sạch đẹp, nghĩa tình. Cần mạnh tay xử phạt với những người kém ý thức, tùy tiện hướng cuộc sống của mình ra khỏi mục tiêu chung tốt đẹp này.

Duy Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/ung-dua-voi-camera-20221203221416669.htm