Ứng dụng cảnh báo xung đột nguồn nước

Xung đột về nước có khả năng bùng phát ở Iraq, Mali và Ấn Độ trong năm tới. Theo các nhà khoa học, họ đã nghiên cứu thành công một ứng dụng nhằm ngăn chặn bạo lực bằng cách cảnh báo về các điểm có nguy cơ xảy ra xung đột nguồn nước.

Biến đổi khí hậu, dân số ngày càng tăng, đô thị hóa ngày càng nhanh chóng, tăng trưởng kinh tế và mở rộng nông nghiệp là những áp lực lớn đối với nguồn cung cấp nước hạn chế của thế giới. Dữ liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy, 1/4 thế giới đang sử dụng nước nhanh hơn các nguồn tự nhiên có thể được bổ sung.

Công cụ cảnh báo sớm này đã dự đoán rủi ro ở Iran, Nigeria và Pakistan, có thể phát hiện ra khả năng xảy ra xung đột - bao gồm bạo lực liên quan đến nước - trước tối đa là 12 tháng.

Công cụ này sẽ cho phép các chính phủ và những bên liên quan, bao gồm các chuyên gia về phát triển và ứng phó thảm họa cơ hội can thiệp sớm để xoa dịu các xung đột, theo quan hệ đối tác về Nước, Hòa bình và An ninh (WPS) đứng đằng sau ứng dụng.

Các thử nghiệm cho thấy, tỷ lệ thành công lên đến 86% trong việc xác định xung đột với 10 người thương vong trở lên. “Ứng dụng này rất quan trọng với sự leo thang của các cuộc xung đột liên quan đến nước trên toàn thế giới”, Jessica Hartog, một chuyên gia về biến đổi khí hậu của International Alert, một đối tác của WPS cho biết.

“Nó chắc chắn sẽ cứu được mạng sống của nhiều người nếu chúng ta thấy các chính trị gia hành động dựa trên dữ liệu cảnh báo sớm mà nó sẽ cung cấp”, cô nói với Thomson Reuters Foundation.

Công cụ cảnh báo sớm toàn cầu WPS sử dụng để xác định rủi ro xung đột trên cơ sở của hơn 80 biến trong 20 năm trở lại đây. Điều này bao gồm dữ liệu về lượng mưa và hạn hán từ các nguồn vệ tinh và dữ liệu kinh tế - xã hội và nhân khẩu học về mọi thứ, từ mật độ dân số đến các mô hình bạo lực trong quá khứ.

“Nước thường là yếu tố rủi ro bị bỏ qua trong xung đột”, Charles Iceland, Chuyên gia cấp cao của Viện Tài nguyên Thế giới, một phần của quan hệ đối tác WPS được Bộ Ngoại giao Hà Lan hỗ trợ phát biểu.

“Đây có thể là một bước đột phá trong các hoạt động phát triển và gìn giữ hòa bình, dành thời gian để can thiệp trước khi đổ máu. Công cụ này đã được thử nghiệm ở Mali, nơi khan hiếm nước là một yếu tố bạo lực giữa những người nông dân Dogon và những người chăn gia súc Fulani. Dữ liệu là một trong những điều mạnh mẽ nhất mà bạn có thể sử dụng để tiếp cận với các nhà hoạch định chính sách và chính trị gia”, ông Jessica Hartog cho biết thêm.

Tại Iraq, WPS dự đoán tình hình sẽ xấu đi ở Basra, nơi tiếp cận với nước an toàn là một vấn đề lớn, theo thống kê hơn 120.000 người nhập viện vào năm ngoái sau khi uống các nguồn nước cung cấp bị ô nhiễm.

Theo Reuters

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/ung-dung-canh-bao-xung-dot-nguon-nuoc-4053782-b.html