Ứng dụng công nghệ cao tạo diện mạo mới trong sản xuất nông nghiệp

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, từ đó, tăng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, đời sống người nông dân ngày càng được nâng cao.

Ông Nguyễn Hoàng Mạnh (xã Hương Nộn, Tam Nông, Phú Thọ) ứng dụng công nghệ cao sản xuất dưa trong nhà màng mang lại hiệu quả kinh tế.

Ông Nguyễn Hoàng Mạnh (xã Hương Nộn, Tam Nông, Phú Thọ) ứng dụng công nghệ cao sản xuất dưa trong nhà màng mang lại hiệu quả kinh tế.

Những thành tựu từ ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp đã đóng góp rất lớn tạo những bước đột phá mới về chủng loại, số lượng và chất lượng nông sản. Hiện nay, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đang là xu thế tất yếu của nhiều địa phương trên cả nước.

Đối với tỉnh Phú Thọ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đang được các cấp, các ngành quan tâm, khuyến khích phát triển. Nhiều nhà nông, hợp tác xã (HTX) đã học hỏi, lựa chọn, áp dụng những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình là HTX Mạnh Liên (xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, Phú Thọ) từ năm 2015 đến nay đã áp dụng mô hình nhà màng vào sản xuất nông nghiệp với các hệ thống lưới cắt nắng, quạt đối lưu, hệ thống tưới nhỏ giọt… trên diện tích hơn 7.000m2. Các giống cây được trồng chủ yếu là dưa lưới, dưa chuột, cà chua, các loại rau, củ, quả theo mùa. Sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi năm HTX thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Mô hình nhà màng cũng được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp tại xã Mai Tùng (Hạ Hòa, Phú Thọ) với diện tích hơn 2.000m2 để trồng các loại cây ăn quả (dưa lưới, dưa Kim Hoàng Hậu...), rau màu, đã mang lại giá trị kinh tế cao. Ước tính, sau khi trừ chi phí, người nông dân thu lãi khoảng 400-500 triệu đồng/năm.

Mô hình nhà màng áp dụng quy trình tưới nước nhỏ giọt tại xã Mai Tùng.

Để phát triển nông nghiệp, nhiều hộ dân và HTX ở Bắc Kạn đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh, coi đây là hướng đi cần thiết nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Điển hình là Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Như Cố (xã Như Cố, Chợ Mới, Bắc Kạn) vốn khởi nghiệp là trồng rau ngoài trời, chỉ được vụ đầu với đất mới, vụ thứ hai sâu bệnh phát triển gây hại rất nhiều. Xác định hướng đi là nông nghiệp an toàn, không thể dùng thuốc bảo vệ thực vật và tránh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, thiếu ổn định..., HTX đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất.

HTX đã xây dựng mô hình mới theo hướng áp dụng công nghệ cao như: Nhà lưới CNC, đầu tư máy, áp dụng công nghệ phủ bạt trên bề mặt luống, hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương… Nhiệt độ, độ ẩm trong nhà lưới được kiểm soát tự động thông qua ứng dụng, điều khiển trên điện thoại dù ở bất cứ đâu.

Thành viên HTX Thanh Niên Như Cố chuẩn bị thu hoạch dưa trồng trong nhà lưới.

Ngoài ra, HTX không dùng phân bón hóa học, chỉ sử dụng phân hữu cơ để nâng cao chất lượng rau, quả, củ. Khi đã có sản phẩm, HTX cũng rất chú trọng ứng dụng công nghệ để xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm và bán đến tay người tiêu dùng. Đến nay các sản phẩm của HTX bao gồm: Dưa lê Như Cố, dưa lưới Như Cố, cà chua Như Cố, mật ong hoa rừng Như Cố, bún khô Quân Nguyệt, trà mướp đắng rừng... đã có mã truy xuất nguồn gốc.

Anh Nông Văn Khiêm là thành viên của HTX chia sẻ: "Áp dụng công nghệ là điều kiện bắt buộc mà HTX đề ra để giảm nhân công lao động, tăng sản lượng, chất lượng, nâng cao thu nhập. Thành viên như chúng tôi chỉ việc thu hoạch, giao hàng và nhận tiền. Từ chỗ thu nhập chỉ gần chục triệu, nay thành viên trong HTX có thể đạt được cả trăm triệu trên cùng một diện tích đất canh tác".

Xuân Hồng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/ung-dung-cong-nghe-cao-tao-dien-mao-moi-trong-san-xuat-nong-nghiep-519536.html