Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi: Xu hướng tất yếu

Hiệu quả kinh tế vượt trội, thân thiện với môi trường, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm,… là những ưu điểm mà các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao mang lại.

Chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học là một tiến bộ kỹ thuật có thể ứng dụng rộng rãi.

Hiệu quả vượt trội

Chia sẻ tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề: “Giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Tiền Giang mới đây, chị Lê Thị Xuân Thành ở ấp 4, xã Thạnh Hòa (Bến Lức - Long An) cho biết, chị bắt đầu nghề chăn nuôi heo từ năm 1992, với khởi đầu là 2 heo nái. Sau khi đúc kết nhiều kinh nghiệm, chị mạnh dạn tăng dần quy mô đàn lên 10 - 15 con nái. Đến năm 2010, chị mở rộng quy mô trại chăn nuôi với diện tích 1,2ha và đầu tư xây dựng trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó, để có đàn heo giống tốt, chị thay đàn nái hiện có bằng các giống heo sinh sản tốt ở những trại giống có uy tín. Mỗi năm chị đều mua 10 heo cái hậu bị từ các trại heo trên để thay đàn. Sử dụng tinh heo chất lượng cao từ các trại cung cấp tinh giống cao sản ở Đồng Nai. Thực hiện quy trình nuôi kép kín, toàn bộ heo con sinh ra được giữ lại nuôi thịt, mỗi tháng chị xuất bình quân khoảng 80 heo thịt, heo đạt chất lượng tốt, được thương lái ưa chuộng, nên giá bán luôn cao hơn giá heo tại địa phương từ 50.000 - 100.000 đồng/tạ.

Trại heo nhà chị được xây dựng khá bài bản, ở khu vực cách xa khu dân cư, có vách tường bao quanh. Với tổng đàn khoảng 550 - 600 con, trong đó có 60 heo nái và cái hậu bị, trại được bố trí làm 5 dãy chuồng, cho nái đẻ, nái mang thai, heo con sau cai sữa, heo thịt, dãy chuồng trung chuyển và dãy chuồng cách ly. Nái đẻ được nuôi trên chuồng lồng sàn xi măng để dễ chăm sóc, giúp giảm hao hụt heo con do bị đè, giảm tỷ lệ mắc bệnh đường ruột heo con trước khi cai sữa. Dùng cũi úm cho heo con sau cai sữa để đạt tỷ lệ sống cao, tăng trưởng nhanh, bình quân 1 heo nái sản xuất ra 18 heo thịt/năm.

Các dãy chuồng được sắp xếp theo thứ tự khoa học đảm bảo tránh lây nhiễm bệnh giữa các lứa tuổi heo, trại thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học, như định kỳ phun xịt thuốc sát trùng, vệ sinh máng ăn, hệ thống nước uống, có hố sát trùng ở cổng ra vào cũng như ở mỗi dãy chuồng nuôi, sử dụng bảo hộ lao động, vệ sinh cá nhân khi ra vào trại. Đàn heo được tiêm phòng đầy đủ theo lịch trình, hạn chế việc sử dụng kháng sinh.

Từ tháng 6/2016, gia đình ông Huỳnh Hữu Tài ở ấp Thái Hòa, xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) và một số nông dân xã Thới Sơn được Trạm Khuyến nông thành phố Mỹ Tho kết hợp với UBND xã Thới Sơn hỗ trợ thực hiện mô hình chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học. Trong quá trình thực hiện, bà con được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tập huấn cách làm và bảo quản đệm lót sinh học, kỹ thuật chăn nuôi heo.

Nguyên liệu để làm một lớp đệm lót dày 60cm với diện tích 20m2 (nuôi được 15 - 20 con heo) bao gồm: 40 bao trấu, 20 bao mùn cưa, 5kg cám gạo, 5kg men sinh học Balasa N01. Tuy tốn chi phí đầu tư ban đầu khoảng 80.000 đồng/m2 (thời gian sử dụng được 15 tháng), nhưng lợi ích đem lại từ đệm lót lớn hơn nhiều: giảm 50% công lao động ở khâu dọn phân, tắm rửa chuồng, giảm các chi phí thú y và điện,nước (do heo nuôi ít bệnh). Do đó, qua 2 vụ nuôi đầu tiên đã cho lợi nhuận tăng thêm từ mô hình khoảng 10% so với cách nuôi heo trước đây. Quan trọng hơn là có thể phát triển quy mô chăn nuôi mà không sợ gây ô nhiễm môi trường.

Liên kết tiêu thụ là vấn đề rất quan trọng để đầu ra của sản phẩm được thuận lợi và ổn định, giúp nông hộ có thể yên tâm đầu tư chăn nuôi. Từ nhận thức đó, tháng 6/2016, Tài và bà con đã thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi heo an toàn xã Thới Sơn có quy mô 14 hộ, với tổng số đầu heo thịt từ 700-1.000 con. Tổ hợp tác đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm heo hơi an toàn không chất cấm với ông Hoàng Nam, ngụ ở phường 6, TP.Mỹ Tho có sự kiểm soát của cán bộ thú y. Không dừng lại ở đó, tháng 9/2016, các tổ viên bắt đầu chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP và được cấp giấy chứng nhận vào tháng 12/2016. Đây là tiền đề để tổ hợp tác có thể mở rộng liên kết sản xuất, liên kết tiêu thụ trong thời gian tới.

Ứng dụng rộng rãi

TS.Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định: Chăn nuôi đang đóng vai trò quan trọng mang tính chiến lược trong phát triển nông nghiệp. Để phát huy vai trò của ngành chăn nuôi, việc ứng dụng công nghệ cao, đưa các tiến bộ kỹ thuật để nâng chất lượng sản phẩm, tăng năng suất và sản lượng ngành chăn nuôi là hết sức cần thiết.

Theo bà Hạnh, thời gian gần đây, ngành nông nghiệp các tỉnh phía Nam đã tích cực tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật, chủ động ứng dụng vào chăn nuôi, nhằm tăng năng suất, chất lượng vật nuôi, vừa bảo đảm đạt được lợi nhuận cao vừa bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Các công nghệ cao, tiên tiến đang được người chăn nuôi phía Nam ứng dụng rộng rãi như chăn nuôi khép kín từ sản xuất con giống đến chế biến, tiêu thụ, sản xuất thức ăn, thuốc thú y chất lượng cao, tự động hóa chuồng trại… đã giảm được công lao động, giảm chỉ số tiêu tốn thức ăn, giảm giá thành so với phương thức chăn nuôi truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Văn phòng thường trực tại Nam Bộ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi là hướng đi mới, khắc phục hạn chế của tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ. Qua đó, giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững, giúp tăng năng lực cạnh tranh cũng như nâng chất lượng sản phẩm.

Hiện, công nghệ cao ứng dụng vào chăn nuôi rất đa dạng với những công nghệ tiên tiến áp dụng vào lĩnh vực chọn tạo giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, vắc-xin thú y phòng chống dịch bệnh, tự động hóa dây chuyền sản xuất và chăm sóc đàn vật nuôi, xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi cung ứng thị trường…

Tiền Giang là tỉnh đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long về tổng đàn gia súc, gia cầm với trên 680.000 con lợn và 13,5 triệu gia cầm. Không chỉ mạnh về số lượng, nhiều sản phẩm chăn nuôi của tỉnh đã có thương hiệu uy tín như: Gà ta Gò Công, gà tre Hương Việt, gà Ri Phụng Anh… và đặc biệt là trứng chim cút Nguyễn Hồ đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Singapore với số lượng trên 10.000 quả/tháng.

Bà Nguyễn Phan Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang cho biết, bước đầu tỉnh đã xây dựng các mô hình ứng dụng chăn nuôi công nghệ cao về giống vật nuôi, chuồng trại, tiến bộ kỹ thuật... góp phần tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thích ứng biến đổi khí hậu và thân thiện môi trường. Một trong những vấn đề cốt yếu là xây dựng và cải tạo giống. Đơn cử như phương pháp gieo tinh nhân tạo bằng tinh bò đực cao sản đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều địa phương trong tỉnh, sử dụng tinh bò Charolaise chiếm trên 70%; đặc biệt sử dụng tinh phân biệt giới tính trên bò sữa chiếm 2 - 3%.

Bên cạnh đó, các giống vịt được ứng dụng chăn nuôi công nghệ cao cũng đem lại nhiều hiệu quả. Cụ thể như giống vịt chuyên trứng TC mới đưa vào nuôi với quy mô ban đầu 3.600 con phân bổ đều cho 12 hộ tham gia. Sau 7 tháng thực hiện cho thu nhập bình quân trên 20 triệu đồng/hộ/tháng/300 con vịt đẻ.

Tạo hành lang pháp lý phù hợp

Mặc dù đạt những kết quả khả quan, song việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi còn bộc lộ nhiều hạn chế, do một số nguyên nhân như đòi hỏi chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ cao phải cần đến nguồn vốn lớn, nguồn nhân lực cao để vận hành máy móc kỹ thuật; cơ chế, chính sách sát thực tế nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia còn hạn chế.

Để ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, bà Hạnh cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp nông thôn thôn; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện chương trình, chính sách về tích tụ ruộng đất; hoàn thiện chính sách về hợp tác công tư, liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.

Các địa phương trong quy hoạch khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp, chủ động cân đối ngân sách địa phương, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã quy hoạch. Nhập các công nghệ, bí quyết công nghệ từ nước ngoài, phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi, đáp ứng tiêu chuẩn quy chuẩn của Việt Nam và thế giới.

Khánh Nguyên

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/ung-dung-cong-nghe-cao-trong-chan-nuoi-xu-huong-tat-yeu-post4630.html