Ứng dụng công nghệ để phát triển nền nông nghiệp bền vững

Thực tế cho thấy việc các doanh nghiệp, hợp tác xã… ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn manh mún, do vậy cần có cơ chế, tạo điều kiện để doanh nghiệp trở thành trung tâm ứng dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hình thành các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm bền vững, an toàn và cạnh tranh.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn manh mún

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp được các nước trên thế giới ứng dụng vào sản xuất, đem lại hiệu quả cao. Tại Việt Nam một số doanh nghiệp đã áp dụng số hóa vào sản xuất kinh doanh từ giống, canh tác, thu hoạch, phân phối tiêu dùng, khép kín mang lại nhiều kết quả tích cực.

Ví như, Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao (VIFARM) đã ứng dụng công nghệ thủy canh hồi lưu; nuôi trồng không sử dụng đất, không tưới nước, môi trường sống được kiểm soát bởi hệ thống máy tính và các thiết bị IOT nhằm đảm bảo môi trường tốt cho cây. Còn Cầu Đất Farm thì đầu tư quy trình sản xuất nông sản khép kín, tự động, hiện đại dựa trên hệ thống IoT thông minh của Intel, khách hàng có thể xem trực tuyến hình ảnh thu hoạch nông sản, nhật ký trồng trọt để truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Việc ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp còn manh mún. Ảnh Mai Quý

Theo bà Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban Thể chế kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông minh vào các khâu, công đoạn khác nhau của ngành nông nghiệp và đã đạt được những kết quả tích cực là do thời gian qua đã có nhiều chủ trương, chính sách được ban hành tạo nền tảng cho tiếp cận và thực hành nông nghiệp 4.0; nhiều rào cản cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được gỡ bỏ…

Tuy nhiên, sự tham gia ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp chưa nhiều, mới chỉ tập trung chủ yếu vào một số khâu, công đoạn và còn manh mún, tự phát. Nguyên nhân là do khoảng cách giữa hiện trạng và đòi hỏi của nông nghiệp 4.0 còn khá lớn. Công nghệ sản xuất nông nghiệp ở tất cả các cấp độ còn đơn giản, thô sơ, lạc hậu, chủ yếu dựa vào thời tiết và kinh nghiệm chiếm tỷ lệ lớn; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thiếu liên kết giữa các chủ thể; thiếu vốn đầu tư, nguồn lực tài chính và năng lực hạn chế; nguồn nhân lực thiếu và yếu; cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu thiếu đồng bộ…

Tạo điều kiện để doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào sản xuất

Bà Luyến cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 là cơ hội để Việt Nam nắm bắt công nghệ mới, thu hẹp khoảng cách, tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng thông minh hơn, bền vững hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, không thể làm nông nghiệp 4.0 theo kiểu “dàn hàng ngang”, “chạy theo phong trào” mà phải lựa chọn công nghệ phù hợp, sản phẩm phù hợp gắn với vùng miền và thị trường

Phát triển nông nghiệp 4.0 cần được ưu tiên ở các nơi có điều kiện nhưng không loại trừ các hình thái sản xuất nông nghiệp truyền thống. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm ứng dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hình thành các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm bền vững, an toàn và cạnh tranh.

PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng, Việt Nam có tiềm năng về phát triển nông nghiệp, dư địa cho phát triển nông nghiệp Việt Nam rất lớn. Chính vì thế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ là cơ hội cho phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ để tạo được bước phát triển đột phá, bền vững trong nông nghiệp cần kết nối được các doanh nghiệp, nhà đầu tư với nông dân thông qua việc mở rộng hạn điền và cho phép chuyển đổi sử dụng mục đích đất nông nghiệp một cách thông thoáng, linh hoạt hơn nhất là chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao hơn.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích thành lập doanh nghiệp nông nghiệp; nghiên cứu để có thêm các mô hình liên kết khác trong nông nghiệp để nông dân tự liên kết, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, cần phải đưa khoa học, công nghệ vào nông nghiệp, theo đó, nhà nước cần xây dựng chính sách ưu đãi, thay đổi cơ chế cho các doanh nghiệp, hợp tác xã… ứng dựng khoa học công nghệ hiện đại vào nông nghiệp; Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức liên kết của người nông dân… khi ứng dụng khoa học công nghệ được tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, được khuyến nông, khuyến ngư và được cung cấp miễn phí các thông tin về sản phẩm, thị trường…

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ung-dung-cong-nghe-de-phat-trien-nen-nong-nghiep-ben-vung-82641.html