Ứng dụng công nghệ mới vào quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm

Ngày 14/11, Viện Công nghệ quốc tế (DNIIT) - ĐH Đà Nẵng đã ra mắt Dự án Toxin – Checker và khai mạc Hội thảo quốc tế về chủ đề 'Toxin – Checker: Méthodologies et Techniques' do DNIIT tổ chức diễn ra trong hai ngày 14 và 15/11.

Lễ ký kết hợp tác giữa các thành viên tham gia dự án Toxin Checker.

Lễ ký kết hợp tác giữa các thành viên tham gia dự án Toxin Checker.

Hội thảo nhằm giới thiệu những ứng dụng công nghệ mới vào kiểm tra nhanh độc tố trong thực phẩm, giúp kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm…

Từ giữa năm 2017, một nhóm nghiên cứu liên ngành có tên gọi POSCA của Viện Công nghệ quốc tế (DNIIT), ĐH Đà Nẵng đã được thành lập, quy tụ các nhà khoa học liên ngành (Hóa lý, Hóa sinh, Điện tử, Tin học…) của ĐH Đà Nẵng (UD) cũng như từ ĐH Côte d’ Azur (UCA) – Pháp, với mục tiêu nghiên cứu và đưa vào ứng dụng các công nghệ mới vào thực tiễn quản lý, chủ động ứng phó vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam.

Dự án Toxin Checker ra đời với sự hỗ trợ của Tổ chức AUF nhằm nghiên cứu ứng dụng một phương pháp phân tích nhanh, không tiếp xúc, không làm phá hủy mẫu. Đó là ứng dụng kỹ thuật phổ cận hồng ngoại (NIR) trong sự kết hợp với các thuật toán máy học và xử lý dữ liệu lớn, cùng với những cải tiến của công nghệ vi điện tử nhằm phát hiện mối nguy hại hóa chất, vi sinh vật hay vật lý trong các loại thực phẩm khác nhau, giúp kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đồng thời giúp theo dõi, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Dự án Toxin Checker được triển khai thực hiện với sự hợp tác của các thành viên bao gồm: Viện DNIIT, ĐH Đà Nẵng (Việt Nam), ĐH Côte d’ Azur (UCA) – Pháp, ĐH Quốc gia Lào (NUOL) và Công ty Create Capital Việt Nam.

Hội thảo quốc tế Toxin – Checker: Méthodologies et Techniques là cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và công bố kết quả nghiên cứu của các thành viên tham gia Dự án cũng như kết nối với các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Một số vấn đề được trình bày tại Hội thảo như: Ứng dụng của phổ quang học trong việc ứng dụng vào kiểm soát chất lượng thực phẩm; Truy xuất và xác thực nguồn gốc thực phẩm cơ sở lý thuyết và thực tế ứng dụng; Nghiên cứu tính khả thi của việc sử dụng máy quang phổ cận hồng ngoại trên hoa quả trồng tại Việt Nam; Ứng dụng của máy quét hồng ngoại gần trong việc phát hiện độc tố trong thực phẩm; Khả năng ứng dụng mô hình Markov ẩn vào học phổ cận hồng ngoại và nhận dạng độc tố.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/ung-dung-cong-nghe-moi-vao-quan-ly-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-4047126-v.html