Ứng dụng công nghệ thông minh - con đường nâng cao thu nhập cho nông dân

Chỉ là một hạt thóc, nhưng dựa trên công nghệ mô phỏng, sau 15 phút là nhà khoa học có thể biết được nó sẽ phát triển ra sao. Từ đó có thể tính toán các phương án sản xuất; chọn lọc giống cây và con; hạn chế rủi ro, tăng hiệu quả và chất lượng cây trồng.

Hay việc gắn cảm biến sinh học vào sản xuất rau quả thông minh ở Đà Lạt để theo dõi sự phát triển của cây trái và đưa ra hướng xử lý phù hợp về độ ẩm, dinh dưỡng vv… giúp cho năng suất, chất lượng tăng cao.

Ở trang trại nuôi bò, các nhà khoa học đã gắn chíp điện tử vào bò để phát hiện được bò động dục trước 3 ngày, giúp cho việc phối giống hiệu quả cao, mà GS. Nguyễn Kim Chung (Học viện Nông nghiệp) đánh giá là những sáng kiến mang tầm quốc tế.

Đây là những kinh nghiệm từ việc đưa các sáng kiến khoa học công nghệ (KHCN) vào nông nghiệp, được gọi là nông nghiệp thông minh, được các nhà khoa học đưa ra tại Hội thảo “Nông nghiệp công nghệ cao: Các vấn đề và giải pháp” do Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Công nghệ - Đại học Quốc Gia Hà Nội, Đại học Nguyễn Tất Thành, Tập đoàn GFS và Sàn tri thức tổ chức tại Hà Nội ngày 7-4. Hoạt động này nhằm kết nối các nhà khoa học đưa KHCN hiện đại vào phát triển nông nghiệp, giúp người nông dân có năng suất, thu nhập cao hơn.

Các sản phẩm do các nhà khoa học ứng dụng KHCN vào nông nghiệp.

GS. Nguyễn Quang Thạch (Chủ tịch Hội đồng Khoa học Học viện Nông nghiệp) cho biết, tin vui là các nhà khoa học của Viện Sinh học nông nghiệp đã biến giấc mơ cây khoai tây nuôi cấy mô sống được ở ngoài đồng trở thành hiện thực, đồng thời, còn chế tạo được cây khoai tây có hàng trăm củ theo ý muốn. Nhiều hộ nông dân ở Thái Bình, Bắc Giang, Nam Định… đã mua giống của Viện và cho kết quả tốt.

Vượt qua khâu quan trọng là sản xuất giống khoai tây, vấn đề còn lại là bao tiêu giống. Vì thế, Viện Sinh học nông nghiệp đã liên kết với một công ty chế biến khoai tây có nhu cầu nguyên liệu liên tục tăng, tới 30.000 tấn/tháng, nên không xảy ra tình trạng giải cứu khoai tây như với dưa hấu, củ cải… Nông dân bán được khoai tây, tiếp tục mua giống để nhà khoa học tái đầu tư phát triển công nghệ.

Các nhà khoa học cũng ứng dụng KHCN vào sản xuất giống cây đinh lăng để làm thuốc hoạt huyết dưỡng não, cây thìa canh chống bệnh tiểu đường, nên trong 4 tháng đã sản xuất được hàng chục vạn cây giống. Đặc biệt có giống cây, các nhà khoa học còn thay đổi hàm lượng dinh dưỡng, thu được tới 300% mà thu hoạch lại chủ động.

“Hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ thông minh để điều khiển cây trồng cho những sản phẩm mong muốn. Cũng cần xác định giống cây trồng phù hợp theo mùa vụ, cho thu nhập cao và hãy tìm ra những phương pháp phù hợp nhất” - GS. Thạch nhấn mạnh.

Để khắc phục nhược điểm thiếu ánh nắng với cây trồng trong nhà kính, các nhà khoa học còn nghiên cứu ánh sáng bằng đèn LED, nên cho năng suất cây trồng cao gấp 3 lần. Các tủ trồng rau được chế tạo rất phù hợp để đưa vào các chung cư, giúp người dân có thể tự trồng rau sạch giá chỉ dưới 10 triệu đồng/cái, thấp hơn nhiều so với giá một số doanh nghiệp Nhật đang muốn chào hàng sang Việt Nam.

Đặc biệt, các nhà khoa học còn sáng tạo ra phân bón hữu cơ tổng hợp, khô và sạch, được sản xuất chỉ trong 48 giờ, thay vì ủ 4 tháng như phân hữu cơ thông thường. Đặc biệt, phân hữu cơ tổng hợp còn cho quả to và sáng hơn so với phân hữu cơ thông thường.

Ông Cung Trọng Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế cho biết, nông nghiệp sạch liên quan đến sức khỏe đang là mối quan tâm của người dân. Tuy nhiên, giá sản phẩm còn cao đã hạn chế sự tiếp cận của người tiêu dùng do năng suất, chất lượng thấp.

“Công nghệ sẽ đóng vai trò then chốt giúp giải bài toán nâng cao hiệu quả và giảm chi phí sản xuất, nên các nhà khoa học của trường đã áp dụng công nghệ vi sinh để tác động tích cực đến chi phí sản xuất, an toàn sức khỏe, thân thiện với môi trường và dễ áp dụng, để giảm chi phí năng lượng trong sản xuất.

TS. Nguyễn Đức Doan (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho hay, các nhà khoa học của Khoa Công nghệ thực phẩm đã nghiên cứu và ứng dụng thành công một số công nghệ bảo quản và chế biến thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm đồ uống từ các loại quả như thanh long, vú sữa, chanh leo... chiết tách và ứng dụng các hợp chất hoạt tính sinh học để sản xuất và bảo quản thực phẩm.

Hiện, các nhà khoa học đang nghiên cứu về nhận biết các protein khác nhau trong sữa bò để sản xuất loại sữa giàu protein beta casein A2.

Thanh Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/ung-dung-cong-nghe-thong-minh-con-duong-nang-cao-thu-nhap-cho-nong-dan-485665/