Ứng dụng công nghệ trong giáo dục: Xu hướng tất yếu

Theo báo cáo của Edtech UK, London & Partners, mức đầu tư cho ngành công nghệ giáo dục toàn cầu là 45 tỉ GBP năm 2015, và dự kiến là 129 tỉ GBP năm 2020. Theo Tech Crunch, đến năm 2020, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ chiếm 54% thị trường EdTech. Đây là minh chứng cho sự phát triển và lan rộng của xu hướng giáo dục trên toàn cầu hiện nay: Sự phát triển của công nghệ đóng vai trò to lớn trong sự phát triển của ngành giáo dục, giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy, mang lại trải nghiệm mới cho cả giáo viên, học sinh,…

Những lợi ích mà công nghệ mang lại cho giáo dục có thể tóm gọn qua 5 điểm sau:

1. Nâng cao chất lượng quản lý giáo dục

Ngày nay, các thành tựu công nghệ như: Internet Of Things (Internet vạn vật) giúp tăng cường an ninh trong các trường học, theo dõi hành vi của học sinh, quản lí, giám sát nơi ở hay hành động của mỗi học sinh; Big data giúp phân tích hành vi học tập của học sinh để có hỗ trợ, tư vấn phù hợp; hay Blockchain giúp xây dựng hệ thống quản lý thông tin và hồ sơ giáo dục của học sinh, cho phép hợp nhất, quản lý và chia sẻ dữ liệu từ nhiều trường học, ghi chép lại lịch sử học tập, bảng điểm của học sinh để đảm bảo thông tin dữ liệu được đồng nhất, minh bạch.

2. Tăng tính tương tác, tính thực hành – ứng dụng, tạo cảm hứng cho cả thầy và trò

Ứng dụng thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) trong giáo dục để tạo dựng các phòng thí nghiệm ảo, mô hình thực tế ảo có khả năng tương tác với người dùng, hay các cuốn sách AR (Sách tương tác thực tế ảo biến những bức tranh tô màu thành hình ảnh 4D thực tế ảo hấp dẫn và có thể tương tác – giao tiếp), phần mềm Blippar dạy khoa học vũ trụ,… giúp cho người học có những trải nghiệm đa giác quan, dễ hiểu, dễ nhớ và gây tò mò, hứng thú cho học sinh, đồng thời tăng tính tương tác, thực hành và ứng dụng kiến thức ngay trong lớp học. Ứng dụng này cũng tạo động lực và điều kiện để các giáo viên sáng tạo, phát triển nội dung bài giảng chất lượng hơn.

3. Tạo không gian và thời gian học linh động, thúc đẩy giáo dục mở - bình đẳng – cá thể hóa

Gần đây, khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOC) bùng nổ với các tên tuổi lớn trên thế giới như: Udacity, Coursera, edX, Udemy, FutureLearn, và tại Việt Nam ứng dụng học trên thiết bị di động (M-Learning) đã mở ra một phương thức học tập mới mang lại nhiều lợi ích vượt bậc. Người học được tạo điều kiện để có thể học tập và tiếp thu kiến thức một cách linh động và thuận tiện mọi lúc, mọi nơi. Điều này thúc đẩy một nền giáo dục mở, giúp con người tiếp cận thông tin đa chiều, thu hẹp mọi không gian, tiết kiệm tối ưu về thời gian, từ đó phát triển nhanh về kiến thức, nhận thức và tư duy. Đi kèm với giáo dục mở là tài nguyên học liệu mở, giúp người học, người dạy kết nối với kiến thức hiệu quả dù họ ở đâu và trong khoảng thời gian nào.

4. Tạo môi trường học tập toàn diện, phát triển tư duy sáng tạo, logic cho học sinh

Các lớp học STEM, STEAM, lập trình, toán tư duy hay tiếng Anh công nghệ,… hiện đã không còn xa lạ tại những quốc gia phát triển. Tại Việt Nam, một số chương trình học nổi bật trong xu hướng này có thể kể đến như: E-Robot Coding – làm quen lập trình – phát triển tư duy sáng tạo cùng robot thông minh dành cho trẻ Mầm non và Tiểu học, Touch English! – chương trình quen với Tiếng Anh Công nghệ dành cho trẻ từ 18 tháng tuổi,… đều đã mang lại những hiệu quả khác biệt cho hệ thống giáo dục còn mang nặng tính truyền thống. Ứng dụng công nghệ tích hợp vào các phương pháp giảng dạy tiên tiến như Đa giác quan, CLIL,… đã tạo môi trường học tập toàn diện để học sinh được tiếp xúc với các nội dung kiến thức đa lĩnh vực đồng thời với rèn luyện, vận dụng đa giác quan giúp phát triển tư duy sáng tạo, logic, kỹ năng giải quyết vấn đề và phát triển đa trí thông minh.

5. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho tổ chức giáo dục trong tuyển sinh và phát triển bền vững

Tất cả những lợi ích mà ứng dụng công nghệ mang lại đều nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các tổ chức giáo dục và tạo sự phát triển bền vững cho nền giáo dục. Tuy nhiên, công nghệ không phải thứ tài nguyên mà chúng ta có thể mua một lần và dùng cả đời vì công nghệ thay đổi liên tục theo xu hướng phát triển của toàn xã hội. Thực tế này buộc các tổ chức giáo dục phải luôn cập nhật xu hướng công nghệ liên tục nếu không muốn tụt hậu.

Đối với các đơn vị chưa có tiềm lực và kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ, đây quả thực là một thách thức lớn. Bên cạnh những hỗ trợ về chính sách, pháp lý, cơ sở vật chất của nhà nước, tìm kiếm những đơn vị tư nhân cung cấp các công cụ, giải pháp công nghệ cũng là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này. Hiện nay, Công ty TNHH Phát triển và Phân phối các sản phẩm giáo dục EPRO là đơn vị uy tín chuyên phân phối các giải pháp, thiết bị, chương trình giáo dục công nghệ cao cho các tổ chức giáo dục tại Việt Nam. EPRO đã cung cấp sản phẩm và hỗ trợ triển khai ứng dụng công nghệ vào giáo dục cho hơn 500 trường học, trung tâm trên hơn 40 tỉnh/thành trên cả nước và hứa hẹn sẽ góp phần công nghệ hóa giáo dục Việt Nam trong thời gian tới.

PV

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/ung-dung-cong-nghe-trong-giao-duc-xu-huong-tat-yeu-729265.ldo