Ứng dụng hệ thống cảnh báo sốt xuất huyết dựa trên số liệu trên vệ tinh

Với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhà khoa học ở Vương quốc Anh, Việt Nam đã được lựa chọn vào Dự án mô hình thử nghiệm hệ thống cảnh báo dịch sốt xuất huyết tích hợp dữ liệu quan trắc từ vệ tinh.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Phụ trách, Quản lý và Điều hành Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Để dự báo sốt xuất huyết (SXH) chúng ta thấy chưa có mô hình nào thực sự hiệu quả. Việc triển khai mô hình thử nghiệm hệ thống cảnh báo dịch sốt xuất huyết tích hợp dữ liệu quan trắc từ vệ tinh (D-MOSS) là một trong những công cụ rất hữu ích.

D-MOSS mới được xây dựng bởi các nhà khoa học ở trường đại học bên Anh Quốc, Tổ chức Y té thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên được lựa chọn thử nghiệm mô hình này.

Vấn đề thử nghiệm ở Việt Nam thời gian ngắn, tập trung vào một số chỉ số cung cấp. Chúng ta thấy mô hình cảnh báo SXH cần nhiều chỉ số khác nhau như khí hậu, thời tiết, lượng mưa, độ ẩm, vấn đề di dân... Chính vì vậy, mô hình này nếu hoàn thiện sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác lập kế hoạch phòng, chống SXH cũng như triển khai các biện pháp kỹ thuật cho phòng chống SXH theo đúng khu vực dự báo có SXH tăng.

“Tuy vậy thời điểm này chỉ hạn chế ở một số chỉ số có sẵn. Chúng tôi kỳ vọng thời gian sắp tới, lâu nữa nhóm nghiên cứu, nhà khoa học có thêm nghiên cứu để bổ sung vào các chỉ số kịp thời để mô hình có tính chính xác cao hơn”, ông Đặng Quang Tấn chia sẻ.

Bà Sitara Syed, Phó Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho biết, đây là hệ thống lần đầu tiên được xây dựng sử dụng số liệu trên vệ tinh cũng như số liệu dịch SXH dưới mặt đất để kết hợp với nhau, đưa ra phân tích để đưa ra thông tin cảnh báo sớm cho ngành y tế rằng sắp tới có dịch SXH xuất hiện tại thời điểm nhất định trong năm, ở địa bàn nhất định trong năm. Như vậy nó sẽ giúp cho ngành y tế có thể lên kế hoạch phòng chống rất sớm để trong tương lai nhằm giảm thiểu tác động của dịch SXH.

Khí hậu đang biến đổi trong khi muỗi gây bệnh SXH đang dần thích ứng với khí hậu. Bệnh SXH đó thuộc về vấn đề y tế toàn cầu, nó không thể có biên giới nào có thể ngăn được nó giữa các quốc gia. Vì thế, các nỗ lực phòng chống SXH cần là nỗ lực chung của các quốc gia trong khu vực.

“Hệ thống này khi được xây dựng ở Việt Nam, chúng tôi kỳ vọng sẽ cùng Bộ Y tế sẻ chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ thông tin với các nước khác trong khu vực để làm sao mong muốn trong tương lai sẽ có chung một công cụ bổ sung thêm vào những hệ thống chúng ta đang áp dụng hiện nay trong phòng chống SXH.

Có thể thêm công cụ nữa để các quốc gia cùng nhau xây dựng kế hoạch, nỗ lực trong tương lai. Bởi vì nếu không chia sẻ thì có thể một quốc gia nào đó khống chế được dịch SXH nhưng quốc gia bên cạnh phát dịch thì dịch đó sau này lại sẽ quay trở lại gây bệnh ở quốc gia đã phòng chống tốt”, bà Sitara Syed nhấn mạnh.

Tại Việt Nam sẽ triển khai hệ thống D-MOSS tại 4 địa phương là Hà Nội, Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk. Dự kiến đến tháng 6, 7-2021 chính thức đưa vào vận hành.

D-MOSS là hệ thống cảnh báo sốt xuất huyết đầu tiên tích hợp dữ liệu quan trắc từ vệ tinh và dữ liệu về thời tiết để đưa ra các cảnh báo thường quy. D-MOSS là một hệ thống chạy trên nền tảng web có thể dự báo các đợt dịch sốt xuất huyết bùng phát trước tới 6 tháng.

Sốt xuất huyết là bệnh do vi-rút từ muỗi gây ra và có tốc độ lây truyền nhanh nhất trên thế giới. Bệnh đã có mặt trên 150 nước, nghĩa là khoảng 40% dân số thế giới hiện đang sống ở các quốc gia có nguy cơ mắc sốt xuất huyết hàng ngày.

Theo ước tính, sốt xuất huyết gây tổn thất trên toàn cầu khoảng 9 tỷ đô-la/năm. Khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mặc dù tình hình dịch tễ sốt xuất huyết trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây nhưng hiện vẫn chưa có một hệ thống cảnh báo dịch sốt xuất huyết trước 6 tháng.

Tại Việt Nam, sốt xuất huyết gây gánh nặng lớn về y tế công cộng như tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết cao. Ngoài ra, sốt xuất huyết cũng gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Từ năm 2000, số ca mắc sốt xuất huyết ở Việt Nam đã tăng hơn 100%. Năm 2017, Việt Nam hứng chịu một đợt dịch sốt xuất huyết lớn, ảnh hưởng tới 170.000 người và 38 ca tử vong.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ung-dung-he-thong-canh-bao-sot-xuat-huyet-dua-tren-so-lieu-tren-ve-tinh-170382.html